Lạ lùng dị nhân nuôi mãi không lớn ở Bến Tre

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 23/05/2014 01:16:00 +07:00

Mặc dù đã 46 tuổi, nhưng thân hình và cả tính cách của anh Dân chỉ như đứa trẻ lên 10.

Mặc dù đã 46 tuổi, nhưng thân hình và cả tính cách của anh Dân chỉ như đứa trẻ lên 10.


Nuôi mãi không lớn

Đến bến đò Phú Đa, hỏi đường về nhà “dị nhân” được mệnh danh là “trẻ mãi không già”, một người đàn ông đi cùng chuyến đò nhiệt tình chỉ đường. “Chuyện gì chứ đi đến nhà ông có thân hình như đứa trẻ thì qua cồn Phú Đa hỏi thì ai cũng đều biết. Ông ta đã hơn 40 tuổi rồi mà trông như đứa con nít mới hơn 10 tuổi thôi. Chú cứ đi theo con đường giao thông nông thôn đến gần cuối đuôi cồn hỏi là tới liền”, người đàn ông này cho biết.

Qua đò, đi vòng vèo quanh những vườn nhãn, chôm chôm… rồi gửi xe đi bộ thêm một nữa mới tới nhà “dị nhân” tên Dân. Căn nhà tình thương bé xíu là nơi trú ngụ của gia đình người được mệnh danh “trẻ mãi không già” này.

Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ba, 80 tuổi mẹ của anh Dân, cho biết: “Nó sinh năm 1968, năm nay đã 46 tuổi rồi mà chỉ cao hơn 1m, nặng có 28kg thôi. Hồi mới sinh ra, nó cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, có điều hơi nhỏ con hơn. Tuy nhiên, đến năm lên 7 hay 8 tuổi gì đó thì thấy không phát triển nữa. Tới giờ, nhìn khuôn mặt mới nhăn nheo tý thôi nhưng thân hình và chuyện nói năng của nó thì chỉ như một đứa trẻ lên 10. Vì mang thân hình như vậy nên nó mặc cảm, cứ ru rú trong nhà và không muốn tiếp xúc với ai. Từ việc sống khép mình này nên nó đâm ra nhút nhát, ít nói”.

“Dị nhân” Dân đã 46 tuổi nhưng thân hình như một đứa trẻ 

Tiếp xúc với chúng tôi một hồi lâu, bà Ba gọi anh Dân lên nhà cùng nói chuyện. Diện kiến chúng tôi là một con người nhỏ thó, khá nhút nhát. Anh Dân ngồi trên mép giường, nép vào người mẹ già như cần được che chở. Chúng tôi hỏi gì, anh trả lời nấy như một đứa trẻ.

Nói về khoảng thời gian mấy chục năm trời nuôi nấng mà đứa con không chịu lớn, bà Ba buồn bã nói: “Chỉ vì không lớn nên nó ít tiếp xúc với người lạ, quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà với tôi. Ngay cả hàng xóm cạnh nhà thôi, phải có tôi dắt nó mới chịu đi. Bằng không thì ngồi lì ở trong nhà không nói gì hết”.

Theo bà Ba, tuy gia đình nghèo nhưng cũng cố gắng thu xếp để đưa anh Dân đi khám bệnh nhưng đều không có kết quả gì. Hết ngày này qua tháng nọ, anh Dân vẫn có vóc dáng, cách ăn nói và suy nghĩ như một đứa trẻ nên gia đình lo lắng lắm. Thời gian trôi qua, những anh chị trong gia đình, những người đồng trang lứa lần lượt có gia đình, sinh con và thậm chí có cháu nội, cháu ngoại thì anh Dân vẫn sống thui thủi một mình với cuộc sống buồn tẻ.

Công việc hiện nay anh Dân có thể làm được đấy là giúp đỡ cha mẹ trông nồi cơm đang nấu hoặc châm củi để cho lửa khỏi tắt. Bà Ba cho biết: “Bây giờ nó chẳng làm gì được to tát hơn. Nó thậm chí còn không làm được những công việc mà những đứa trẻ lên 10 vẫn làm. Biết nó vậy, gia đình tôi rất thương. Lúc nào bận lắm mới dám sai nó lấy cái này, cái kia trong nhà. Nếu không có việc gì sai, suốt ngày nó chỉ quanh quẩn sau lưng tôi chơi chứ chẳng biết làm gì”.

Nhiều lúc thấy con mình mang hình hài của một đứa trẻ, bà Ba rất buồn nhưng không biết làm sao. Chuyện vợ con thì khỏi phải nói. Dân chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện to tát này vì anh rất mặc cảm về thân hình dị nhân của mình.

Khi được hỏi thương yêu ai nhất, anh Dân chỉ một mực cho biết là thương mẹ thôi. Vì có đứa con trai như vậy nên hiện nay tuy đã 80 tuổi rồi nhưng bà Ba vẫn ngày ngày cần mẫn chăm sóc đứa con của mình như đứa trẻ.

Bác sĩ bó tay

Bà Ba cho biết đã đưa anh Dân tới nhiều bệnh viện để khám chữa nhưng chưa nơi nào đưa ra được kết luận về căn nguyên bệnh tật của anh. Theo bà Ba anh Dân là người không khỏe lắm. Anh thường mắc các chứng bệnh như mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Cơ thể anh hay lên cơn đau nhức; mỗi khi thời tiết thay đổi và dễ mắc bệnh hơn người bình thường…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Bình, cho biết: “Trước đây có nhiều đoàn khám bệnh từ thiện về địa phương khám bệnh và gia đình cũng nhiều lần đưa anh Dân đến khám. Nhưng hầu hết các bác sĩ đều không kết luận và đưa ra nguyên nhân về căn bệnh không lớn được của anh. Lâu dần người nhà cũng không quan tâm đến chuyện thân hình bé xíu của anh nữa nên sự việc cũng dần trôi đi. Mỗi khi mệt quá hay ốm đau, gia đình mới đưa anh đi bệnh viện để khám và lấy thuốc. Còn bình thường thì ráng chịu cho qua cơn đau, hoặc chỉ mua vài viên thuốc uống cho qua ngày”.

Căn nhà tình thương nơi tá túc của cả gia đình 

Bà Ba cho biết thêm, vì hoàn cảnh gia đình nghèo quá nên cũng không có điều kiện để đưa anh đi chạy chữa và tìm hiểu thêm về nguyên nhân căn bệnh của anh. Các bác sĩ và các bệnh viện đều không biết nên gia đình chỉ còn cách dành tình yêu thương, chăm sóc cho anh từng li từng tí như một đứa trẻ. Tuy nhiên, giờ đây nỗi lo lớn nhất của bà Ba là bà đã bắt đầu có tuổi và già yếu. Bà không biết là mình sẽ sống được bao nhiêu năm nữa để chăm sóc cho đứa con không may mắn này.

Trong căn nhà tình thương chẳng có thứ gì đáng giá, bà Ba kể về cuộc đời đau khổ của gia đình phải sống trong nghèo đói, bệnh tật. Sau năm 1975, cả nhà bà Ba về cồn Phú Đa mua miếng đất nhỏ dựng căn chòi lá để đi làm thuê kiếm sống.

Bà Ba có 6 người con, 4 đứa con đầu của bà đều đã xây dựng gia đình ở xa, nhưng tất cả đều nghèo nên chẳng giúp được gì. Bây giờ ở nhà chỉ có 3 mẹ con, ngoài Dân còn có Hồng, lúc sinh ra bình thường nhưng chả hiểu sao mấy năm nay bị bệnh sốt huyết bao tử, bệnh trĩ rất nặng. Nhiều lúc tưởng nó không qua khỏi và hiện nay cũng như người anh nuôi mãi không lớn của mình thì Hồng cũng chẳng làm được gì”.

Sống trong nghèo khó

Cách đây 6 năm, dù tuổi đã cao như bà Ba vẫn phải đi làm thuê cho các lò gạch để kiếm tiền nuôi con. Nay sức khỏe già yếu, không ai thuê mướn nên bà đành ở nhà trông chờ vào đứa con trai tên Hồng đi làm thuê. Vậy mà sau đó anh Hồng cũng bị bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu.

Với chứng xuất huyết dạ dày và trĩ nên anh đã không đi làm thuê được nữa. Nhà cả 3 người đều không còn ai lao động được nên cuộc sống hiện tại khó khắn lắm. Cuộc sống của mẹ con bà Ba giờ đây chỉ trông chờ vào mấy đứa con ở xa làm thuê, làm mướn gửi về. Số tiền này chỉ đủ mua gạo và ít thức ăn để cầm cố qua ngày. Ngoài ra, nguồn sống của mẹ con bà Ba còn trông vào số tiền trợ cấp tàn tật ít ỏi của anh Dân.

Bữa cơm chiều của gia đình anh Dân 

Hôm đến thăm nhà bà Ba vào lúc bữa cơm chiều được dọn ra. Nhìn bữa ăn của gia đình chúng tôi không khỏi nhói lòng. Cơm chỉ có muối và vài con cá bé xíu kho khô của người hàng xóm cho. Thấy khách ghé thăm bà Ba ngại ngùng mời khách dùng bữa. Bà nói thật lòng, nhà bữa nào cũng ăn như vậy thôi. Tuy chẳng có gì để ăn nhưng anh Dân cầm chén cơm trộn muối ớt ăn ngon lành.

Hỏi về ước mơ, anh Dân ngập ngừng một hồi rồi nói: “Chỉ muốn bữa cơm nào cũng có thịt, cá là mừng rồi”. Có lẽ do lâu ngày chỉ ăn cơm với muối ớt nên anh Dân mới nói ra mơ ước rất đỗi bình thường như vậy. Vì gia cảnh nghèo nên hàng xóm thỉnh thoảng thương tình cũng đem cho vài con cá. Tuy nhiên, vì người dân xung quanh cũng chẳng khá giả nên việc giúp đỡ này không được thường xuyên lắm.

Được biết, hàng tháng anh Dân lãnh trợ cấp người khuyết tật được hơn 200 ngàn đồng, số tiền này đủ để gia đình mua gạo. Năm 2014 này, bà Ba bước vào tuổi 80 và theo quy định bà sẽ được lãnh trợ cấp người cao tuổi. Mẹ con bà sẽ có thêm tiền mua gạo cho cả nhà. Cuộc sống nghèo khó này cứ lặng lẽ trôi đi trong sự nghèo khó và túng thiếu.


TheoHưng Thạnh (GĐ&CS)
Bình luận
vtcnews.vn