Lạ lùng chuyện 'trồng cây chuối' để… chữa bệnh

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 03/10/2013 02:14:00 +07:00

Ông tự tìm cho mình phương pháp điều trị đặc biệt, không tốn một đồng tiền thuốc, đó là... “trồng cây chuối”.

Ông tự tìm cho mình phương pháp điều trị đặc biệt, không tốn một đồng tiền thuốc, đó là... “trồng cây chuối”.


Mắc bệnh đau đầu kinh niên từ nhỏ, ông đã đi chữa khắp nơi kể cả ra nước ngoài nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.

Không chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác đó, ông tự tìm cho mình phương pháp điều trị đặc biệt, không tốn một đồng tiền thuốc, đó là... “trồng cây chuối”.

Căn bệnh quái ác

Ông Nguyễn Huy Khang (SN 1959), trú khối 12, phường Trường Thi, TP. Vinh (Nghệ An) sớm mắc chứng đau đầu từ nhỏ. So với bạn bè cùng trang lứa, ông Khang trông gầy gò xanh xao.

Cuộc đời ông là những tháng ngày dài chống chọi với bệnh tật. Đặc biệt những lúc trái gió, trở trời, chứng bệnh quái ác đó lại hành hạ khiến cho ông mất ăn, mất ngủ. Ông Khang nhớ lại: “Hồi đó, mỗi khi lên cơn đau đầu, tôi phải uống thuốc an thần, B1 mới có thể chợp mắt được một chút. Gia đình đã đưa tôi chữa trị khắp nơi, tốn rất nhiều tiền nhưng bệnh tình vẫn không dứt hẳn”.

Năm 1979, Nguyễn Huy Khang sang Nga (Liên Xô cũ) học rồi ở lại đó làm việc. Ông được cử làm cán bộ quản lý, vừa làm phiên dịch. Trong 13 năm sống trên nước Nga, ông đã đến khắp các bệnh viện, thầy thuốc để tìm hiểu và chữa bệnh đau đầu nhưng vẫn không hề thuyên giảm.

Khi lập gia đình, chứng đau đầu của ông ngày một nặng. Kéo theo, suy nhược về thần kinh do mất ngủ dài, khiến ông Khang không làm được bất cứ công việc gì nặng nhọc. Không đủ sức khỏe để làm việc, cộng với thuốc thang chữa bệnh đã “ngốn” của ông một khoản tiền không hề nhỏ. “Có nhiều lúc tôi thấy tự ti về bản thân, muốn quyên sinh cho vợ con bớt khổ” – Ông Khang chia sẻ.

trồng cây chuối
Ông Nguyễn Huy Khang 
Đến năm 1987, ông tình cờ đọc được cuốn “Phương pháp dưỡng sinh Yoga” của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện. Đó là người đã tự kéo dài thêm 57 năm tuổi thọ bằng phương pháp tự tập Yoga tại nhà.

Được biết, ông Nguyễn Khắc Viện (1913-1997, tốt nghiệp chuyên ngành bác sỹ tại Đại học Paris; là người dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp). Ông mắc bệnh ung thư phổi lúc 27 tuổi. Ông đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi bệnh. Các bác sỹ, kết luận ông đã ở giai đoạn cuối, chỉ còn sống được 2-3 năm.

6 lần lên bàn mổ và bị cắt mất 2/3 lá phổi, hy vọng sống của ông không còn nhiều. Nhưng nhờ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp chữa bệnh Yoga Ấn Độ, ông đã tìm ra phương pháp chữa bệnh cho mình. Từ đó, ông đã sáng tạo ra 10 bài tập cần thiết, hữu ích cho việc luyện tập. Nhờ kiên trì tập luyện, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã chiến thắng bệnh tật. Từ một người nằm chờ chết, ông sống thêm 57 năm mới qua đời.

13 năm khổ luyện

Tấm gương “tự cứu mình” của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện làm cho ông Khang như tìm thấy hy vọng. Nhớ lại giây phút đó, ông hồ hởi: “Hồi đó, người ta kết luận ông Viện sẽ không thể sống nổi vì căn bệnh ung thư phổi. Khát khao được sống khiến cho con người đầy nghị lực đó vượt qua tất cả. Ông đã tự chữa khỏi bệnh cho mình bằng phương pháp tập Yoga. Và tôi đã nghĩ đến bản thân mình, bắt đầu về dồn hết thời gian nghiên cứu các phương pháp Yoga trong cuốn sách. Tôi bắt đầu tìm hiểu các tư thế tập Yoga”.

Bắt đầu từ đó, ông Khang làm quen với các bài tập Yoga như: Thiền, thế con cò, tòa sen, bán già, cây nến, cúi gập người vào đầu gối, trồng cây chuối bằng vai, trồng cây chuối bằng đầu... Nhưng ông nhận thấy một trong những bài tập có sức thuyết phục nhất là “trồng cây chuối”. Phương pháp “trồng cây chuối” được coi là “vua của các thế”, hiệu quả chữa bệnh của nó cao nhưng để thực hiện được nó lại không hề đơn giản.
trồng cây chuối
Ông Khang với tư thế “trồng cây chuối bằng đầu” 
Nội dung của bài tập, quỳ hai gối xuống đất, hai tay đan ngón vào nhau, rồi đặt lên mặt đất, sau đó chúi đầu xuống, dùng hai tay đỡ lấy đỉnh đầu. Duỗi hai chân thẳng lên trời và giữ trong tư thế thật lâu giúp phát triển trí óc, thoái hóa não, kéo dài sự minh mẫn.


Ông chia sẻ: “Thời gian đầu mới thực hiện, cứ cắm đầu xuống đất là bản thân tôi lại ngã xuống. Có những lần ngã ngược ra phía sau, va cả vào tường khiến cho cơ thể đau đớn. Cũng thời gian đó, do trọng lượng toàn thân dồn cả về cổ và đầu nên tôi thường bị choáng váng. Cũng có những lần tập tôi bị nghẹo cổ, không ngoảnh đi ngoảnh lại được”.

Đau đớn, khó khăn nhưng không vì thế mà ông nản chí bỏ cuộc. Một mặt ông miệt mài tập các bài tập đơn giản hơn mà bản thân đã thành thục. Mặt khác, ông tìm tòi các phương pháp học “trồng cây chuối” khác.

Năm 2000, trong một lần vào Sài Gòn làm việc, ông tìm mua được nhiều cuốn sách hay về Yoga. Suốt 13 năm qua, mỗi ngày ông Khang bỏ ra 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ để tập thể dục, ngồi thiền và “trồng cây chuối bằng đầu”.

Ông cho biết: “Tôi có thể duỗi thẳng hai chân lên trời và giữ như thế cả tiếng đồng hồ mà không hề bị ngã. Bài tập đó đã giúp tôi gần như thoát hẳn khỏi căn bệnh đau đầu quái ác. 13 năm nay tôi không hề phải dùng đến 1 viên thuốc hay đi khám ở bất cứ Trung tâm y tế nào mà chỉ hoàn toàn chữa bệnh bằng Yoga”.

Chị Huê, một người hàng xóm của ông Khang cho biết: “Bác ấy (ông Khang-PV) có tài và chịu khó lắm. Ngày nào cũng dậy tập thể dục và “trồng cây chuối” rất sớm. 5h sáng tôi dọn hàng là đã thấy bác ấy tập trên sân thượng rồi. Nhờ đó mà khỏe lên nhiều chứ trước nhìn bác Khang ốm yếu lắm. Có thời điểm bệnh tật hành hạ làm cho cơ thể bác gầy còm, chưa đầy 40kg”.

Bây giờ, sức khỏe đã ổn định nhưng ông vẫn thường xuyên tập luyện. Mỗi ngày ông đều dành ra một khoảng thời gian nhất định vào: Sáng, trưa, tối để tập luyện. Theo ông Khang, tập Yoga đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó, chịu khổ và tĩnh tâm thì mới thành công được. Ông còn viết thành sách để tặng và hướng dẫn cho bạn bè cùng tập.

Bác sỹ Hoàng Văn Hảo – Phó giám đốc sở Y tế Nghệ An cho biết: “Ông Khang tự chữa khỏi bệnh bằng phương pháp trồng cây chuối là trường hợp đặc biệt. Đây là một thế yoga có hiệu quả chữa trị cao và mọi người có thể học tập.

Tuy không phải là loại thuốc đặc trị căng thẳng, nhưng Yoga có thể giảm bớt chứng lo âu và trầm cảm. Nếu biết tập đúng cách sẽ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người trung niên. Nhưng để tập luyện thành công đòi hỏi người bệnh phải rất kiên trì và chịu khó ”.
Tốt nghiệp đại học ở tuổi 50Ngày xưa, phần vì điều kiện kinh tế, phần vì bệnh tật hành hạ nên ông Khang đành bỏ dở dang giấc mơ ngồi trên giảng đường của mình. Nhưng với quyết tâm theo đuổi ước mơ, năm 2005, ông tham gia học lớp Luật của viện Đại học mở Hà Nội. Ông nhận bằng tốt nghiệp đại học khi tròn 50 tuổi.

Vợ ông Khang mất cách đây đã mấy năm, bỏ lại cho ông hai đứa con. Cô con gái đầu hiện đang giảng dạy tại một trường trung học ở Tp. Hồ Chí Minh, cậu út đang là sinh viên một trường đại học tại TP.Vinh. Mặc dù phải chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi con nhưng ông vẫn nuôi ý định tham gia lớp đào tạo luật sư, lấy chứng chỉ và sẽ vào làm việc ở một văn phòng Luật sư nào đó như ước mơ ấp ủ bấy lâu.


Theo ĐS&PL

Bình luận
vtcnews.vn