Lạ lùng bộ tộc không có tuổi, cực ghét thời gian

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 19/08/2013 06:51:00 +07:00

(VTC News) - Họ cho rằng khái niệm về thời gian quá lằng nhằng, nên càng cố gắng giảng giải cho họ thì họ lại càng tỏ ra thờ ơ.

(VTC News) - Họ cho rằng khái niệm về thời gian quá lằng nhằng, nên càng cố gắng giảng giải cho họ thì họ lại càng tỏ ra thờ ơ.


Là một trong những bộ tộc có số người ít nhất thế giới, tộc người Amondawa (sinh sống trên lãnh địa vùng Amazon, Brazil) đã đến gần với thế giới hiện đại hơn từ năm 1986.

Tuy nhiên, thời gian với họ vẫn chỉ là khái niệm mơ hồ. Không chỉ vậy họ cũng là một bộ tộc có phong tục kỳ lạ và cũng vô cùng thú vị.

Không biết đến khái niệm về thời gian

Cả thế giới đều phải làm việc, sắp xếp, lập trình công việc dựa trên khung, bảng thời gian chung của thế giới, nhưng bộ tộc Amondawa thì không biết và chả mấy quan tâm, thậm chí còn “ghét” cái gọi là “thời gian”.

Trong “từ điển” ngôn ngữ của họ không tồn tại từ chỉ ngày, tháng, năm hay giờ, phút. Không có từ chỉ quá khứ, hiện tại và cả tương lai... Tất cả những khái niệm trên với họ là con số không tròn trĩnh.

Họ chỉ biết phân biệt “ngày, đêm” vì ngày thì trời sáng và họ phải thức dậy còn đêm thì ngược lại. Mùa khô thì nhiều nắng, còn mùa mưa thì mưa nhiều.

tộc người Amondawa
 
Thế giới có câu “thời gian là châu báu”, “thời gian là quý giá”, nhưng với họ thời gian chẳng có nghĩa lý gì. Họ không biết một năm bắt đầu ra sao và kết thúc như thế nào.

Họ cứ sống hồn nhiên, vô tư, tự do mà chả biết đến thời gian và cũng chẳng hề bị thời gian hay bất cứ điều gì quản thúc.

Ngay cả ngày nay khi được tiếp xúc với thế giới hiện đại, tết hay năm mới với họ cũng là từ mới toanh và họ cũng không cần biết nó là gì.

Với một bộ tộc mà khái niệm về thời gian không tồn tại thì tuổi với họ chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả những con người trong bộ tộc đều không biết đến tuổi của mình. Họ chỉ biết đến một người được gọi trẻ con, trưởng thành hay già yếu thông qua bộ dạng cơ thể của người đó.

Các nhà nhân chủng học đã cố đưa khái niệm thời gian như giây phút, tháng, năm đến với họ nhưng đều bất lực, vô ích. Họ cho rằng khái niệm về thời gian quá lằng nhằng. Càng cố gắng giảng giải cho họ thì họ lại càng tỏ ra thờ ơ.
tộc người Amondawa
 

Tổ chức ngày lễ tùy hứng

Chắc hẳn khi không có khái niệm về thời gian thì tất cả các ngày của họ đều như nhau, không có gì đặc biệt, sẽ không có lễ hội hay ăn mừng trong đời sống thường nhật của họ? Điều này hoàn toàn sai lầm. Bộ tộc Amondawa thường xuyên, liên tục tổ chức lễ hội, ăn mừng.

Không tổ chức ăn mừng theo ngày lễ, tết chung của thế giới, mà ăn mừng nhân bất cứ một sự kiện gì. Nếu một người nào đó trong làng sinh con, hay một ai đó hạ gục được con thú to là lập tức họ sẽ tổ chức lễ hội. Thậm chí cũng chẳng cần có sự kiện gì mà lễ được diễn ra tùy vào cảm hứng của họ.
tộc người Amondawa
 
Mỗi dịp như vậy, họ vui chơi, nhảy múa, ăn uống liên tục trong 7 ngày, đêm. Người trong làng ai lấy đều rộn ràng, tấp nập trang điểm làm sao cho mình đẹp nhất để đi dự lễ.

Ngày nay, họ cũng biết rằng, con người hiện đại thường tổ chức ăn mừng vào các dịp lễ tết cụ thể và họ cảm nhận được rằng tết với người hiện đại là rất quan trọng. Nhưng họ vẫn không hiểu khái niệm tết và có ý nghĩa gì.

Đổi tên theo tùy hứng

Với một bộ tộc còn “ăn lông ở lỗ” thì cái giấy khai sinh chắc hẳn là điều xa lạ với họ. Sinh ra và mất đi là điều hết sức tự nhiên. Không có ai quan tâm, quản lý hay ghi chép lại. Khi sinh ra, người bộ tộc Amondawa cũng biết đặt tên cho con của mình, song cái tên đó sẽ không đi theo người đó suốt đời mà nó được thay đổi nhiều lần trong đời.

Có người thậm chí có đến hai chục cái tên kể từ khi họ sinh ra và mất đi. Việc thay tên cũng tùy vào cảm hứng. Lâu lâu khi thấy chán cái tên hiện có, họ lại tìm đến tộc trưởng thông báo một cái tên mới mà họ tự nghĩ ra.

Tộc trưởng sẽ có nhiệm vụ thông báo với cả làng về cái tên mới đó và dĩ nhiên cả làng sẽ lại biết đến một ai đó quen thuộc với một cái tên lạ hoắc. Việc thay tên chẳng khác chi việc giữ rượu cũ, đổi bình mới.
tộc người Amondawa
 

Xăm cặp môi đen nhánh để làm duyên

Một bờ môi mọng đỏ, hay trầm tím là biểu tượng của sự quyến rũ, hấp dẫn của người hiện đại, nhưng với họ những cặp môi như vậy chẳng đẹp đẽ gì. Tộc người Amondawa đã chọn cho mình cách làm đẹp không trùng lặp với bất cứ tộc người nào.

Một bờ môi đen tuyền, óng mượt như lông quạ mới là quyến rũ. Vì thế, đến tuổi trưởng thành, người ta tập hợp nhau lại và làm lễ xăm môi. Cặp môi càng đen bao nhiêu thì càng đẹp.

Ngày nay, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài bộ tộc này cũng tiến bộ thêm. Họ đã dần chuyển sang nói tiếng Bồ Đào Nha và học hỏi được nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, thời gian và những thứ có liên quan tới nó thì họ gạt ra khỏi suy nghĩ.


Đặng Tuyết

Bình luận
vtcnews.vn