'Kỳ vọng của xã hội với người thầy không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức'

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 23/10/2020 15:18:00 +07:00
(VTC News) -

"Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa".

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với hơn 4.300 tân sinh viên K70 - Đại học Sư phạm Hà Nội trong buổi lễ khai giảng năm học mới diễn ra sáng 23/10.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi tới các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo đang ngày đêm vất vả gùi con chữ lên núi cao, chở con chữ ra hải đảo và lúc này đây nhất là các thầy cô giáo đang ở trong vùng lũ lụt miền Trung những tình cảm kính trọng và tri ân tự đáy lòng.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo. Ở bất kỳ thời đại nào, thầy giáo, cô giáo cũng luôn được kính trọng. Ngay từ thuở còn nằm nôi đã nghe lời mẹ ru “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Từ xa xưa người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách.

Ngày nay sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên cho dù nghề giáo, người thầy không tách ra khỏi được những lo toan cuộc sống thường nhật. Ngành giáo dục luôn được kỳ vọng, được đòi hỏi phải như các nước phát triển nhất cho dù không thể tách rời ra khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

'Kỳ vọng của xã hội với người thầy không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức' - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai giảng Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2020-2021. (Ảnh: Hà Cường)

Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa. Tôi thật sự trân trọng, ngưỡng mộ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên chọn nghề giáo, chọn học trường sư phạm.

Tôi hết sức cảm phục nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy và trò Đại học Sư phạm Hà Nội. Rất mong trường tiếp tục có nhiều hoạt động có tính tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề các thầy cô giáo và sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cần lưu ý, tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần nghị quyết trung ương và quy định của pháp luật về giáo dục đại học…Mô hình của Đại học Sư phạm Hà Nội phải là hình mẫu cho các trường sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo.

Nhà trường cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ đội ngũ giáo viên của riêng trường, trường còn trách nhiệm tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho cả nước.

Đổi mới phương pháp dạy và học mà trước hết là nhắm vào những điểm yếu, bất cập nhất trong dạy và học của hệ thống giáo dục mà chúng ta đa nhận diện. Đó là chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia của người học.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không chỉ khơi dậy sáng tạo của người học, cao hơn nữa còn phải làm cho việc học là niềm vui để “học sinh mỗi ngày tới trường là một ngày vui” như Albert Einstein từng nói: “Nghệ thuật tuyệt đỉnh của giáo dục là khơi dậy niềm hạnh phúc được học tập và sáng tạo”. Muốn vậy thì các thầy cô giáo tương lai, các bạn sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp có kế hoạch đầu tư hệ thống các trường sư phạm trong cả nước; cần tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

'Kỳ vọng của xã hội với người thầy không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức' - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫy tay chào sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Hà Cường)

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện tốt Nghị định 116/NĐ-CP2020 của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm.

Nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình như quy định tại Nghị định mới này thì chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm chúng ta phải phấn đấu đảm bảo học sinh có đủ trường, lớp và thầy cô giáo để học thuận lợi ngày 2 buổi.

Gửi gắn sự kỳ vọng tới các tân sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Tuổi trẻ có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành".

Theo Phó Thủ tướng, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đón các bạn như việc làm, thu nhập tới đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, của phụ huynh học sinh, của xã hội và cả sức ép của dư luận trước những hiện tượng, những hành vi không mang tính đại diện cho đội ngũ nhà giáo.

Chưa cần đến lúc ra trường, trừ những bạn sinh viên năm thứ nhất được nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí để học, để sống trong thời gian học, còn nhiều bạn đang là sinh viên nhưng đã phải rất nỗ lực, vất vả mưu sinh.

Phó Thủ tướng cho rằng, tuổi trẻ là hoài bão, là dấn thân. Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành. Miễn là trong tim, trong suy nghĩ của các bạn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và luôn nỗ lực, quyết tâm để vươn tới những điều tốt đẹp đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các bạn sẽ có đầy đủ cơ hội để phấn đấu, để tu dưỡng, để hoàn thiện mình. Để mai này khi trở thành thầy giáo, cô giáo, từng lứa học trò sẽ nhớ về các bạn như những tấm gương khát khao học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước; như những tấm gương về lòng nhân ái và những giá trị cao quý.  

"Tôi nhớ một nhà thơ, nhà biên kịch người Ailen từng nói: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một bình nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”.

Ngay từ bây giờ, hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa. Để ngọn lửa ấy được thắp lên, được bừng sáng và cháy mãi trong các thế hệ học sinh, các thế hệ người Việt Nam. Ngọn lửa trí tuệ. Ngọn lửa nhân văn. Ngọn lửa yêu nước, thương nòi. Ngọn lửa trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn