'Con đường máu’ trên biển bảo vệ vọng gác tiền tiêu Cồn Cỏ

Thời sựThứ Ba, 30/04/2019 06:37:00 +07:00

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, tiền đồn của miền Bắc và là mục tiêu Mỹ muốn chiếm đóng khi leo thang bắn phá miền Bắc.

Đảo Cồn Cỏ nằm chếch về phía Bắc vỹ tuyến 17, cách cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt biển 63,4 mét. Trên Đảo có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát...

Sau hiệp định Geneve (1954) một thời gian dài trên đảo không có quân đội phía nào lưu trú. Mùa Thu năm 1959, biết trước chính quyền Ngô Đình Diệm lăm le chiếm đảo, ngày 8/8/1959 quân đội ta nhanh chóng cử một đơn vị bộ đội lên giữ đảo.

Dao Con Co 1

Từ trước năm 1959 Cồn Cỏ chỉ là một hoang đảo, không có người sinh sống. 

Cứ 10 người đi, 5-6 người hy sinh, mất tích

Dù là thế hệ đi sau nhưng đến nay ông Lê Thanh Cường, Bí thư Thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn không khỏi tự hào khi nhắc về những bậc tiền bối đi trước đã anh dũng hy sinh thế nào khi tham gia bảo vệ đảo Cồn Cỏ.

Vừa lục tìm cuốn Lịch sử Đảng Bộ và Nhân dân 2 xã Vĩnh Quang và Vĩnh Thạch (thị trấn Cửa Tùng được hình thành trên cơ sở sát nhập xã Vĩnh Quang với 4 thôn của xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) ông Lê Thanh Cường cho biết, thời kỳ kháng chiến chỗng Mỹ thì đảo Cồn Cỏ được coi như vọng gác tiền tiêu, là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Cũng vì lý do đó mà đảo Cồn Cỏ là mục tiêu mà Mỹ muốn chiếm đóng đầu tiên trong quá trình leo thang ra bắn phá miền Bắc. Đó cũng là lý do mà từ năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi héc-ta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn.

Con Co 2

 Từ năm 1959 đảo Cồn Cỏ trở thành mục tiêu chiếm đóng của giặc Mỹ do thời kỳ này Cồn Cỏ giống như đảo tiền tiêu, là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Từ tháng 8/1964 Mỹ bắt đầu có những cuộc đánh phá mang tính thăm dò vào đảo Cồn Cỏ. Sau đó, mùa Xuân năm 1965 ngoài việc đánh phá Vĩnh Linh và miền Bắc, Mỹ tập trung một lượng lớn máy bay, tàu chiến ngày đêm bắn phá hòng chiếm đảo Cồn Cỏ.

Trước đó, nắm bắt được ý đồ chiếm đảo của chính quyền Mỹ - Diệm, quân đội ta đã cử một đơn vị bộ đội ra để giữ đảo Cồn Cỏ. Từ cuối tháng 4/1965 tình hình trở nên nguy cấp khi Mỹ liên tục bắn phá khiến bộ đội chiến đấu trên đảo thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men.

Trước tình hình đó, Đảng kêu gọi “Còn đất liền là còn đảo – Tất cả vì đảo” nhằm chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Những năm 1965 – 1967 con đường chi viện ra đảo cồn cỏ thực sự trở thành “con đường máu trên biển” khi cứ 10 người lên thuyền đi làm nhiệm vụ tiếp tế thì có đến 5 – 6 người hy sinh, mất tích.

Tình nguyện đi vào chỗ chết

Theo Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đợt đầu toàn xã chỉ có 3 người xung phong đi tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ là ông Nguyễn An, Lê Trạch và Lê Văn Bình.

 
Lấy biển làm hầm, lấy thuyền làm công sự chiến đấu” được lan đi. Một phong trào xung phong chi viện ra đảo Cồn Cỏ lại được phát động.

Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thạch

Tuy nhiên, sau lần vượt biển tiếp tế thành công ra đảo Cồn Cỏ của 3 cảm tử quân nói trên thì lượng người xung phong đi rất đông. Cụ thể, yêu cầu đợt 2 tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ chỉ cần 6 người nhưng có đến 48 người xung phong dẫu biết ra đi nhưng rất khó để trở về và thực tế là đã có không ít xương máu của những cảm tử quân đổ xuống để chi viện cho Cồn Cỏ.

Những người cảm tử quân ở xã Vĩnh Thạch tham gia tiếp tế ra đảo cồn cỏ còn nhớ rõ, đêm 28/5, nhận điện từ Cồn Cỏ yêu cầu tiếp tế đạn dược khẩn cấp thì 12 thuyền nhận lệnh bốc hàng ra đảo.

Sau chặng đường 28km sóng to, gió lớn đội thuyền tránh được sự truy đuổi của quân địch và cập bến an toàn. Thế nhưng, hôm sau, khi đoàn rời đảo để về đất liền, vừa đi được 15km thì bị 6 tàu chiến của Mỹ vây ráp theo thế gọng kìm.

Mật lệnh: “Tất cả phân tán, tránh địch mà đi, sẵn sàng chiến đấu” nhanh chóng được phát đi. Tuy nhiên, trong quá trình phân tán để tránh địch thì thuyền của ông Hồ Sia và Trần Lanh bị tàu địch áp sát và chúng dùng loa hô hào: “Các anh sẽ bị tiêu diệt, không được tiếp tế cho Bắc Việt, không được kéo buồm, sẽ bị bắn”.

“Lúc ấy, pháo sáng từ tàu Mỹ bắn ra sáng rực cả một vùng trời. Không thấy ta bắn trả, quân Mỹ cậy thế tàu lớn, hỏa lực mạnh nên xông tới áp sát và gọi hàng. Tuy nhiên, khi ấy, quân ta bất ngờ dùng súng B40, B41 bắn trả khiến một tàu địch bốc cháy. Đây cũng là lần đầu tiên mà Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thạch dùng thuyền tàu nan mà bắn cháy tàu Mỹ”, một cảm tử quân tham gia chi viện ra đảo Cồn Cỏ nhớ lại.

Con Co 3 3

 Để có đảo Cồn Cỏ như ngày hôm nay thì có không ít máu xương của những "cảm tử quân" của huyện Vĩnh Linh đã đổ xuống. 

Sau hơn 2 tiếng dùng súng B40, B41 để chống trả những tàu chiến hiện đại của giặc Mỹ thì biển bỗng chốc xuất hiện giông tố. Đoàn thuyền bị trôi dạt trong sóng lớn, các cảm tử quân cố giữ cho thuyền khỏi lật nhưng không tìm được phương hướng giữa màn đêm đen kịt. 12 chiếc thuyền bị mất tích.

Tin thuyền tiếp tế mất tích nhanh chóng báo về đất liền và ngay lập tức khẩu hiệu: “Người này ngã xuống thì người khác xông lên”; “Lấy biển làm hầm, lấy thuyền làm công sự chiến đấu” được lan đi. Một phong trào xung phong chi viện ra đảo Cồn Cỏ lại được phát động. Ngoài lực lượng dân quân tự vệ và đoàn thanh niên, một số ngư dân cũng xung phong đi.

Trong đó có thể kể đến trường hợp của anh Nguyễn Nghiễm, dù vợ mới chết và 2 con còn thơ dại nhưng anh vẫn đến gặp Chi ủy và nói: “Tôi gửi lại con cho bà con và xin lên đường chi viện cho Cồn Cỏ”. Nhà cụ Hồ Mò có 3 bố con thì cả 3 đều hăng hái xung phong tham gia vào đội cảm tử quân tiếp tế ra Cồn Cỏ.

“Hạm đội tiếp tế là máu của nhân dân”

Với khẩu hiệu và quyết tâm “Còn đất liền là còn đảo”, những năm 1965 – 1967 nhiều thuyền nan, thuyền gỗ được chèo bằng những đôi tay chai sạn của cảm tử quân huyện Vĩnh Linh đã chi viện ra đảo Cồn Cỏ hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men...

Cũng đã có không ít máu, xương của những “cảm tử quân” huyện Vĩnh Linh đã đổ xuống trong công cuộc bảo vệ đảo tiền tiêu Cồn Cỏ. Trong đó, chỉ tính riêng tại xã Vĩnh Thạch đã có hơn 10 người chết, hàng chục người bị địch bắt, chịu cảnh tù đày và bị thương tật... 

Ngày 4/4/2007 một phát đoàn của tổ chức MIA (Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Mỹ) đã đến gặp Đại tá Trần Văn Thà, nguyên Đảo Trưởng Đảo Cồn Cỏ giai đoạn 1965 – 1968 để tìm hiểu về cuộc chiến bảo vệ đảo Cồn Cỏ.

Tại cuộc gặp, một thành viên của MIA đã hỏi Đại trá Trần Văn Thà rằng: “Các ông tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ bằng hạm tàu nào?”

Đại tá Trần Văn Thà trả lời với giọng trào dâng nỗi căm hờn: “Hạm đội tiếp tế cho đảo là máu của nhân dân Vĩnh Linh”. Nghe xong câu trả lời của Đại tá Trần Văn Thà, những người Mỹ chỉ biết đứng im lặng và cúi đầu.

NGUYỄN VƯƠNG – VIỆT HOÀNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn