Ký ức trung thu

Tổng hợpThứ Hai, 16/09/2013 03:45:00 +07:00

... Từ khi trăng thượng huyền treo lơ lửng trên ngọn tre đầu xóm, thì từ xa đã nghe văng vẳng tiếng trống cà rùng...

Thông thường tết Trung thu là chỉ ngày rằm tháng tám, nhưng với lứa chúng tôi trung thu đến sớm hơn. Từ khi trăng thượng huyền treo lơ lửng trên ngọn tre đầu xóm, thì từ xa đã nghe văng vẳng tiếng trống cà rùng, làm phân tán sự học hành của lũ chúng tôi rồi. Trong những bữa ăn, hay câu chuyện hàng ngày, khi vô tình nói tới chữ trung thu thì  mẹ lại bảo: con chịu khó học, đến tết trung thu này mẹ sẽ cho đi xem hội múa rồng. Có lần mẹ hứa với em gái tôi, rằng cái Thu gắng bế em để anh kiếm củi, đến tết trung thu mẹ cho về quê chơi với bà. Mặc dù từ nhà về quê, chỉ đi qua một làng bên và một cánh đồng, khoảng ba ki lô mét, nhưng với anh em tôi ngày ấy sao mà xa xôi, háo hức vô cùng. Nỗi háo hức đợi chờ tết trung thu, còn khắc khoải hơn cả mong tết Nguyên đán. Bởi trung thu trăng sáng, trời thanh gió mát, lại được rước đèn ông sao, chơi đèn kéo quân và xem múa rồng… 

 

Khi ngoài đồng, những ruộng lúa lá biếc xanh đang thì đứng cái, bỗng len vào những thửa ruộng lúa nếp cái hoa vàng, trĩu bông, màu lá gừng. Đó là những khu ruộng lúa sớm, chín sớm làm cho cánh đồng làng phẳng phiu như tấm chiếu màu xanh lục khổng lồ có thêm màu hoa văn vàng nhạt thật vui mắt. Người ta gặt lúa nếp về làm cốm. Hạt cốm dẻo thơm, được hồ bằng nước lá tre xanh mát, lại được gói bằng lá sen, lấy sợi rơm buộc, lúc mở ra một mùi thơm ngậy toả ra khiến trẻ con ứa cả nước miếng.
Nền trời trong veo, không gợn mây. Gió từ đồng nội thổi về mơn man trên má trên tóc. Thời điểm ấy, đám trẻ đi chăn trâu đã bỏ nón ở nhà cho đỡ vướng mà cũng không đến nỗi chịu nắng vỡ đầu. Đây là thời vụ nông nhàn. Người dân quê tôi vào rừng kiếm củi, kẻ đi làm thuê, đóng cối, khâu vá thuê. Chúng tôi lùa trâu ra khu đồng bỏ hoang, hoặc gò đống, có khi cho vào tận chân núi thả trâu, bắt chim... Chúng tôi nhổ những sợi lông dài nhất ở đuôi trâu, làm thành cái bẫy gài trên lưng trâu. Gió heo heo, những con chim chà pheng, đuôi dài, cánh nhỏ bay liệng vài vòng rồi sà xuống nhặt tìm con rận trâu béo mập. Khi ăn no rận, nó tung cánh bay lên thì bị dính bẫy, giẫy phành phạch. Chỉ chờ thế là chúng tôi chạy ào đến, vồ lấy. Ngọn lửa được nhóm bằng cỏ khô, những que củi cháy nổ lách tách. Giữa cái không gian nồng nồng mùi bùn đất, bắt đầu thơm lựng mùi thịt chim nướng . 
Ngoài đồng vui là thế, nhưng ai cũng mong chóng tối.
Đêm trung thu đẹp ảo huyền, mơ màng như cổ tích. Dường như không gian lúc ấy là một cái túi khổng lồ đựng nhiều vị thơm của các loài quả làng quê. Quả thị chín vàng vô tư, hồn nhiên nhất. Nó phóng khoáng nhiệt tình tỏa mùi thơm sực nức ra chẳng cần biết có người nào từ chối? Chuối ngự, chuối tây, thơm cao sang vẻ thâm nghiêm nơi đền miếu; quả ổi đào, ổi đá thơm dân dã, quê mùa, mùi na chín thoang thoảng, mỏng manh như ánh trăng, người vô tình chẳng bao giờ để ý, quả hồng chỉ làm duyên với màu sắc chứ chẳng tỏ rõ vị thế của mình bằng hương vị. Cốm thơm dẻo, bưởi ngọt cay, hăng xộc lên tận mũi và mùi ngầy ngậy của tấm bánh đa vừng… Tất cả như bết vào mái tóc của lũ con gái, và thỉnh thoảng lại vỡ toang ra những trận cười của chúng.
 Đêm trung thu mát lạnh. Hình như trong không khí có làn hơi sương mơ hồ, chỉ cảm nhận chứ không giơ tay ra hứng được như tết Nguyên đán sụt sùi mưa dầm, lép nhép rét co ro. Vô duyên nhất là có năm Tết vào dịp tiết đại hàn, thế là mẹ chẳng cho đi đâu, chỉ nằm trong nhà quấn chăn, bên đống lửa, hong hóng chờ tắt rét. Đến khi trời hửng ấm lên, thì đã hoá vàng, đã hết tết.
 Tết trung thu khác hẳn. Trời cao thẳm, không mây, trăng trong như ngọc, tròn vành vạnh như chiếc mâm thau, mà trong đó mẹ bảo có chị Hằng Nga và chú Cuội. Trên sân rộng, chiếc chiếu rải ra, bày đủ các loại quả: hồng, bưởi, na, thị, ổi, chuối, cả bánh đa vừng, tấm mía và đĩa cốm thơm… Bà cháu, mẹ con anh em quây quần phá cỗ trông trăng. Bỗng có tiếng trống rộn rã ở đầu xóm.

Đoàn múa rồng đã đến. 
Thoạt đầu là những lá cờ ngũ sắc, đèn lồng mang hình hoa trái tôm cá và những tấm biển viết bằng chữ nho “Thiên hạ thái bình”. Rồng đan bằng nan, dán giấy vải. Đầu rồng có râu, mắt rồng sáng quắc. Bốn chân lủng lẳng có móng sắc nom rất sợ. Mình rồng đầy vẩy và gai màu xanh lam rồi đến đuôi lởm chởm. Người múa rồng điều khiển theo lệnh trống, chiêng chờn vờn trước một hòn ngọc, xung quanh là mây và ánh chớp rất đẹp mắt. 

 

Đoàn múa rồng đi khắp các đường ngõ lớn trong làng. Thấy rồng đi qua, chủ nhà giàu, hoặc có máu mặt liền mang pháo ra đốt chào mừng rồng và lấy khước. Họ không quên lấy tiền lẻ thưởng cho đội múa rồng.
Tôi là đứa trẻ còi cọc, chỉ chạy theo đuôi rồng cũng lấy làm hả hê lắm. Có lúc ngã nhoài vì trượt chân, lại chồm dậy chạy theo các anh lớn tuổi, ăn mặc quần áo sặc sỡ giang tay đưa con sào múa, làm cho chân rồng lúc lắc uốn lượn hệt chân con rắn khổng lồ.
Đối với chúng tôi con rồng là vật rất gần, lại rất xa; rất dữ dằn lại hiền lành thật đáng yêu đáng quý. Nó in vào tuổi thơ nét đẹp sống động, khó phai mờ.
Những đứa trẻ con không chạy theo được đoàn rước, chúng ở nhà xem đèn kéo quân. Làng tôi ngày ấy chỉ có vài nhà có đèn, còn phải đi xem nhờ. Bởi làm đèn phải khéo tay, lại cần có nguyên vật liệu. Giang nứa, giấy bóng kính, rồi keo dán… Từ hạ tuần tháng bảy đã phải chuẩn bị làm đèn. Đèn có khối hộp hình vuông hoặc hình bát giác. Khi thắp lửa ngọn bấc cháy lên, thì lạ lắm: Trên mặt giấy hiện lên người, ngựa, voi, có giáo mác cung tên, có cả quân lính, tướng soái, đuổi theo nhau tít mù. Chúng tôi reo hò thích thú y như là xem chiếu bóng ngày nay vậy. Bà chủ nhà răng đen hạt na, mặc quần lĩnh, môi cắn chỉ ăn trầu thuốc, vấn tóc trần tươi cười chia cho chúng tôi mỗi đứa một thứ quà. Nào là múi bưởi, có con tép mọng mà ngọt như đường phèn, nào là quả ổi đào thơm lựng, hay tấm mía cứng như khúc gỗ, nhưng khi hàm răng phá được lớp vỏ thì bên trong có lọ mật vừa thơm vừa ngọt sắc, liếm mãi không hết mật ở đầu môi.
Bà chủ đã quên hết cả tội chúng tôi trèo me trèo khế nhà bà, hàng ngày bà vẫn tức. 
Trong ký ức tuổi thơ tôi, đêm trăng rằm thámg tám phảng phất màu thần thoại.  

Khúc Hà Linh
Bình luận
vtcnews.vn