Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư liệuThứ Ba, 19/05/2020 12:13:00 +07:00
(VTC News) -

Thời gian gắn bó với Việt Nam và kỷ niệm những lần được gặp mặt, nói chuyện với Bác Hồ, nhà ngoại giao Liên Xô coi đó là "món quà quý giá nhất của số phận".

Rasit Khamidulin (1936 -2013) là nhà ngoại giao Xô Viết nổi tiếng. Ông từng học tập và sau đó làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Trong thời gian đó, ông Khamidulin nhiều lần được gặp mặt và nói chuyện với Bác Hồ. Đối với ông, đó là những kỷ niệm quý giá nhất.

Trong những năm 1990 – 1996, ông Khamidulin là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Nga tại Việt Nam, và đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển tình hữu nghị hai nước Việt - Nga.

VTC News giới thiệu câu chuyện được nhà ngoại giao Liên Xô kể lại.

Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955.

Cuộc đời của tôi tổng kết lại hơn 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao, tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều nhà hoạt động chính trị quốc gia, những người nổi tiếng nhiều nước khác nhau.

Có rất nhiều ấn tượng đến với tôi, nhưng ấn tượng rực rỡ và không thể nào quên là những lần gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và tôi muốn chia sẻ một vài ký ức ấy. Lần đầu tiên tôi nhìn rất gần Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào 7/11/1959, trong buổi lễ kỷ niệm 42 năm Cách mạng tháng Mười ở Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Đó là nơi mà tôi, sinh viên năm thứ 6 của Đại học quan hệ quốc tế Matxcơva đến thực tập nửa năm.

Tôi được phân công dịch tiếng Việt lời phát biểu chào mừng của Đại sứ. Tôi rất hồi hộp, đặc biệt là khi liếc thấy thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhìn tôi.

Sau lời đáp từ và nâng cốc chúc mừng từ phía Việt Nam của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới gần, ôm tôi và khen ngợi kiến thức về tiếng Việt của tôi (sau này tôi mới hiểu ra là trình độ của tôi về tiếng Việt lúc ấy còn rất xa mới đạt mức hoàn thiện).

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi tôi học ở trường nào. Và tôi kể vắn tắt về bản thân mình.

Thế tại sao anh lại có những nét của người châu Á?”, Bác Hồ hỏi.

Chắc là bởi vì cháu là người dân tộc Tatar ạ”, tôi trả lời.

Thoạt nhìn thấy anh, chắc người ta nghĩ anh là con lai, sinh ra bởi bố người châu Âu và mẹ là Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Sau này khi tôi có mặt ở Việt Nam trong những lần công tác ngắn hạn và dài hạn, thực tế là nhiều lần người ta cứ nghĩ tôi là con lai. Tháng 8/1960, sau khi tốt nghiệp đại học tôi sang Việt Nam làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô.

Tôi thường xuyên gặp Bác Hồ, bởi vì hay đi cùng Đại sứ Liên Xô đến trao đổi với Người với tư cách là phiên dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chú ý đến tôi, hỏi thăm về công việc của tôi. Sau những chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin và Gherman Titov (vào tháng 4 và tháng 8/1961), Bác Hồ hay gọi tôi là “phi công vũ trụ”. Có lẽ bởi vì tôi cùng tuổi với những phi công đó, thể hình gần gần giống và tôi cũng hay mặc bộ đồ phi công màu xanh da trời.

Vào khoảng mùa hè năm 1962, ông Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi và bảo Bác Hồ mời đến gặp. Ông Vũ Kỳ nhắc rõ là Bác Hồ chỉ gặp mỗi mình tôi. Và ngay lập tức tôi báo cáo việc này với Đại sứ Liên Xô để xin chỉ thị cho phép đến gặp.

Tôi đi đến ngôi nhà sàn bằng gỗ nổi tiếng trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Bác Hồ đón tiếp tôi, ngồi xuống thềm hiên nhà và bảo tôi ngồi cạnh. Tôi nói ngay là rất ngạc nhiên khi Người mời tôi một mình mà không phải Đại sứ. Điều này không có trong nghi thức ngoại giao, bởi vì sự cách biệt quá xa về cấp bậc: Bác Hồ là Chủ tịch nước, còn tôi là cán bộ trẻ của sứ quán nước ngoài.

Ở Matxcơva, người ta cũng không thể hiểu nổi chuyện này. Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười nói: “Nhưng điều này lại ở trong khuôn khổ cách tiếp cận tiện lợi. Bởi anh sẽ báo cáo lại với Đại sứ những điều bây giờ tôi thông báo với anh.

Thế đấy, tôi rất quý thời gian, mà thời gian thì tôi có rất eo hẹp. Nếu tôi mời Đại sứ thì chắc chắn tôi mất gấp đôi số thời gian mà tôi mời anh, vì còn phải tính đến việc phiên dịch”.

Tôi đồng ý với điều đó. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tôi thông tin rất quan trọng để thông báo khẩn về Matxcơva, điều mà Đại sứ Liên Xô thực hiện luôn trong ngày hôm đó.

Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 2

Capture.JPG

Đối với tôi được quen biết với Người là một trong những món quà quý nhất của số phận.

Nhà ngoại giao Liên Xô Rasit Khamidulin

Cũng từ hôm gặp gỡ đó, Bác Hồ gọi tôi là “cháu” (tác giả giải thích "cháu" ở đây như “внук” trong tiếng Nga - cháu trong quan hệ với ông bà, hoặc “племянник” – cháu trong quan hệ với chú bác, cô dì).

Và ông Vũ Kỳ không chỉ một lần gọi cho tôi, mời tôi một mình đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những buổi gặp như vậy không chỉ đề cập đến những vấn đề chính trị cụ thể, mà còn những chủ đề khác nhau nữa.

Có lần Bác Hồ chia sẻ với tôi những ký ức về lần đầu tiên đến Liên Xô và những lần sau đó vào các năm 1923-1924 và việc đến dự buổi tang lễ viếng V.I. Lênin vào tháng Giêng năm 1924. Chuyện này cũng đã in thành sách ở nhiều nhà xuất bản khác nhau. 

Vào khoảng đầu năm 1962, phi công vũ trụ Xô viết số 2 Gherman Titov đến thăm Miền Bắc Việt Nam. Đại sứ giao cho tôi trách nhiệm tháp tùng Gherman Titov, với tư cách là phiên dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tham dự nhiều chương trình giao lưu với Gherman Titov.

Đặc biệt lần thăm mỏ than ở Hòn Gai được lên chương trình trước. Ở đó, Chủ tịch mời khách lên trực thăng bay một vòng để từ trên cao ngắm cảnh sắc của Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong khoang máy bay có Bác Hồ, Gherman Titov, cán bộ Biên phòng Việt Nam, tôi và một vài người khác nữa.

Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 3

Bác Hồ và phi hành gia Liên Xô Gherman Titov lái thuyền thăm Vịnh Hạ Long.

Khi nhìn từ ô cửa nhỏ máy bay, thấy một hòn đảo bằng đá nhỏ xinh, cảnh quan rất đẹp với bãi biển thơ mộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi cán bộ biên phòng hòn đảo ấy tên gì. Kiểm tra bản đồ xong, người sỹ quan trả lời rằng hòn đảo ấy chỉ có mã số, chưa có tên.

Từ bây giờ hòn đảo đó sẽ mang tên Titov”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói

Đó là một điều bất ngờ thú vị đối với người phi công vũ trụ. Sau này Gherman Titov cũng kể với tôi là những lần tới Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt, ông có vài lần tới thăm hòn đảo “của mình”. Và bản thân tôi cũng đã nhiều lần đến hòn đảo mang tên Titov và đã tắm trên bãi biển tuyệt diệu đó.

Vào tháng 2/1965, Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô dẫn đầu là Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N. Kosygin đến thăm chính thức Hà Nội.

Trong đoàn có Yuri V. Andropov, lúc đó nguyên là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách quan hệ đối ngoại với các chính đảng cầm quyền các nước Xã hội chủ nghĩa. Tôi là thành viên trong nhóm tháp tùng Đoàn Đại biểu.

Những buổi hội đàm đầy chất lượng và hiệu quả, điểm quan trọng đặc biệt của các cuộc hội đàm là bàn về sự leo thang vũ trang của Mỹ chống phá nhân dân Việt Nam. Sau buổi đàm phán có tiệc chiêu đãi chào mừng các vị khách Xô Viết.

Khi buổi chiêu đãi gần kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tôi: “Cháu chuyển lời tới Kosygin và Andropov là Bác mời tới chỗ bác ăn sáng vào lúc 6 giờ. Cùng với Bác, có thêm đồng chí Lê Duẩn, những đại diện lãnh đạo khác sẽ không có mặt. Mọi việc phiên dịch giao cho cháu”.

Sau buổi chiêu đãi, tôi đã chuyển lời tới A.N. Kosygin, tất nhiên là ông nhận lời mời, tuy cũng hơi ngạc nhiên vì bữa sáng quá sớm. Sáng ngày hôm sau, 5 giờ 45, tôi đợi A.N. Kosygin và Yuri. B. Andropov trước cửa phòng, để đưa họ đến nhà Bác Hồ.

Gần 6 giờ chúng tôi đã tới nơi. Ra đón khách, trước tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn họ đến bên bờ ao sát cạnh nhà. Bỗng nhiên Chủ tịch vỗ mạnh tay mấy lần, và chỉ sau khoảnh khắc ấy, mặt nước xuất hiện hàng trăm con cá, quẫy đuôi bơi vào cạnh bờ. Cảnh nhìn đẹp đến mê hồn.

Chúng nó thân quen với tôi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. “Sáng sáng tôi đến đây cho chúng ăn và ngắm nhìn chúng”.

Và sau đó là bữa ăn sáng khiêm nhường, gồm có cà chua dưa chuột thái mỏng, trứng ốp lết, cà phê sữa và bánh mỳ. Nhưng đó không phải là điều chủ yếu, mà quan trọng là câu chuyện trong bữa sáng đó.

Tôi không đi vào chi tiết mà chỉ nói rằng đã thảo luận những vấn đề địa - chính trị rất quan trọng, những vấn đề chiến lược. Sự khiêm tốn tột bậc và sự giản dị tự nhiên của Hồ Chí Minh khiến ai ai cũng đều hiểu rõ.

Điều đó được thể hiện trong cuộc sống đời thường, trong sự giao tiếp với mọi người, ở việc không nhận vinh quang về mình, ở “toả ánh sáng ra bên ngoài” và ở nhiều góc độ khác.

Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 4

Bác Hồ bên áo cá trong Phủ Chủ tịch.

Và đây chỉ là một ví dụ về điều đó. Vào năm 1967, nhân dịp 50 năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tặng Huân chương Lênin. Thông tin này được chuyển đến Bác Hồ qua Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn về sự đánh giá cao các hoạt động, nhưng đồng thời Người cũng nói, trong thời điểm hiện nay, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt, khi đất nước còn chia đôi, Bác chưa cho phép mình có quyền nhận phần thưởng đó.

Chỉ khi giành chiến thắng và Việt Nam trở thành quốc gia thống nhất, lúc đó tự Người sẽ nhắc bạn bè Xô Viết về quyết định trao phần thưởng “Huân chương Lênin”.

Cũng cần phải nói rằng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh gây nên chút khó hiểu trong bộ máy Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi đề xuất ý tưởng về phần thưởng này.

Một cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng gọi cho tôi tại Bộ Ngoại giao (tôi làm việc ở Phân ban Việt Nam) hỏi và còn đòi giải thích về hành động bất ngờ này. Tôi trả lời rằng, theo nhận định của tôi, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ ràng quan điểm. Và ý kiến riêng của tôi là việc đó hoàn toàn có cơ sở, không chỉ với sự kính trọng mà còn cả với sự khâm phục.

Lần cuối tôi được gặp Bác Hồ là vào năm 1966, khi tôi bay tới Hà Nội cùng đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô, đứng đầu là Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A.N.Selepin.

Bác Hồ tiếp Đoàn Đại biểu trong Phủ Chủ tịch. Vẫn như trước đây, Người vẫn hào sảng và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, vì được gặp Bác nhiều lần trước đó, tôi buồn bã nhận thấy rằng, tuổi tác và trách nhiệm nặng nề trước vận mệnh quốc gia, dân tộc đã ảnh hưởng rất rõ đến sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ký ức rực rỡ của nhà ngoại giao Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng lăng Lênin ngày 16/7/1957.

Bác Hồ cũng dành cho tôi vài phút nói chuyện riêng. Bác hỏi thăm tôi về đời tư, về công việc. Người kết luận bằng câu: “Cháu hãy tuyệt đối tin rằng, vượt qua tất cả những khó khăn và hy sinh, chúng ta nhất định thắng lợi. Nước Việt Nam nhất định thống nhất. Rồi cháu sẽ thấy điều đó”.

Tháng 11/1966, tôi được điều đi công tác tại Đại sứ quán Liên Xô ở Campuchia. Và ngày 3/9/1969, tôi bàng hoàng nghe tin Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh từ trần.

Tôi không muốn tin vào điều đó. Nhưng thật đáng tiếc, điều đó đã xảy ra.

Cuối tháng 8/1975, một lần nữa, tôi tới Hà Nội trong Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô, đứng đầu là Uỷ viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô M.X.Xolomentsev.

Đoàn Đại biểu tham dự Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cử hành trọng thể ngày 29/8 tại Quảng trường Ba Đình. Sau phần khai mạc trọng thể chúng tôi vào Lăng. Đi bên cạnh linh cữu bằng kính, tôi chăm chú nhìn khuôn mặt thân quen đến nhường nào.

Và trong đầu tôi, những ký ức về những lần gặp gỡ với Bác ùa về. Tôi còn nghe được rõ ràng giọng nói trầm ấm của con người vĩ đại. Sự quen biết với Người, đối với tôi là một trong những món quà quý nhất của số phận.

Nguyễn Huy Hoàng(Dịch từ "Người Nga viết về Hồ Chí Minh")
Bình luận
vtcnews.vn