Ký ức kinh hoàng di dân sống 'chui' ở Anh qua lời kể nạn nhân duy nhất sống sót

Thế giớiThứ Ba, 29/10/2019 06:24:00 +07:00

Ký ức về đêm đông buốt giá cướp đi sinh mạng của 23 người nhập cư trái phép vào Anh cách đây 15 năm cho đến nay vẫn ám ảnh nạn nhân duy nhất còn sống sót.

Khi trả 14.000 bảng Anh (gần 420 triệu đồng) cho băng đảng buôn người "đầu rắn" khét tiếng của Trung Quốc, Li Hua tin rằng anh chỉ còn cách cuộc sống mới ở trời Tây 1 tuần. 

Nhưng hành trình tới "miền đất hứa" của Li kéo dài tới 2 năm, xuyên châu Á, băng qua nhiều nước châu Âu.

"Đó là 2 năm vật vã, chúng tôi đi qua hàng trăm điểm mà không biết đó là đâu. Chúng tôi không được phép hỏi bất cứ câu hỏi nào", Li nhớ lại. 

Năm 2004, Li tới Anh, sống trong một căn phòng bẩn thỉu, ngủ trên sàn bê tông cùng 25 người khác. Mỗi ngày, Li cùng những người nhập cư trái phép khác tới cào sò ở vịnh Morecambe, Lancashire.

ngoi nha

Căn phòng mà Li sống cùng 25 người khác.  

Li bắt đầu công việc được 1 tuần thì xảy ra chuyện. Khi Li và những người khác đang cào sò, thủy triều bất ngờ dâng lên. 23 người chết đuối, Li là người duy nhất sống sót sau thảm kịch. 

Các nạn nhân giống như Li đều là những người được đưa sang Anh theo đường dây của băng đảng "Đầu rắn". 

Li lớn lên ở một vùng quê nghèo khó miền Nam Trung Quốc. Để được sang Anh, gia đình Li phải chạy vạy khắp nơi để gom được khoản tiền mà những kẻ buôn người đòi hỏi. 

"Hồi ở làng, tôi bán rau nhưng chỉ đủ nuôi miệng ăn. Tôi muốn kiếm thêm tiền để nuôi gia đình", Li nói. 

Do đó, khi nghe lời mời chào tới Anh, gia đình Li chấp nhận bỏ ra 14.000 bảng. 

"Tôi trả rất nhiều tiền vì họ nói rằng tôi có thể kiếm được một công việc tốt hơn. Họ hứa sẽ cho tôi sống ở một nơi thoải mái", Li nhớ lại.

Câu chuyện của Li khá phổ biến ở Phúc Kiến, nơi các gia đình sẵn sàng gom góp những khoản tiền lớn để gửi nam giới trẻ tuổi tới châu Âu với niềm tin sẽ "thu vốn" về sau 3,4 năm. 

Li tới Anh trót lọt nhờ trốn sau một chiếc xe tải nhưng bị bỏ lại giữa London, không tiền, không thể giao tiếp. 

"Họ bỏ tôi lại giữa khu phố Tàu và không được hỏi bất cứ điều gì. Một người đàn ông tiếp cận tôi, đề nghị một công việc ở Liverpool. Tôi lập tức đồng ý. Tới nơi, tôi mới biết công việc là cào sò. Không một ai trong chúng tôi từng làm công việc tương tự nhưng vì kế sinh nhai, chúng tôi vẫn phải làm", Li nói. 

Cơn ác mộng ở trời Tây của Li từ đó cứ thế tiếp diễn. Li phải việc quần quật 7 ngày/tuần với thù lao chỉ vỏn vẹn 10 bảng Anh/ngày (gần 300.000 đồng).

"Chúng tôi được đưa cho một công cụ để đào, cào được rồi thì phải lấy tay bỏ sò vào túi. Mỗi người phải nhặt 2-3 túi mỗi ngày", Li nói. 

Công việc vất vả nhưng Li chỉ được ăn bánh mì, uống nước trắng, ngủ trên sàn bê tông lạnh cóng trong căn hộ ọp ẹp, bốc mùi, chia nhau tấm chăn mỏng với 1 người khác. Không ai dám kiến nghị dù có những ngày họ phải làm không công. 

"Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc tới mức kiệt sức, không còn sức để nấu nướng, ăn uống hay tắm rửa, chỉ muốn ngủ", Li nhớ lại những ngày tháng chẳng khác nào địa ngục trần gian. 

Tại các bãi cào sò, Li và những người khác không được cấp áo phao. Cũng chẳng ai cảnh báo về mối nguy tới từ thủy triều và các hố cát sụt. 

"Chúng tôi chỉ biết nghe theo những gì họ nói. Cũng chưa từng nghĩ tới nguy hiểm, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin các ông chủ", Li nói. 

Một đêm đông rét căm căm tháng 2/2004, Li và 23 người khác bị dòng thủy triều dâng lên bất ngờ nhấn chìm. Tất cả la hét trong hoảng loạn.

so

Số sò mà các nạn nhân cào được trước khi thủy triều dâng.  

"Tôi chứng kiến cảnh mọi người chết đuối, chìm xuống dòng nước sâu và không bao giờ trở lại nữa. Tôi sợ hãi và bất lực. Tôi nghĩ mình sắp chết. Toàn người tôi tê dại. Tôi thậm chí còn chẳng cảm thấy lạnh nữa khi nhận ra những người khác đã chết đuối", Li kể lại. Những tiếng kêu cứu lịm dần trước khi tắt hẳn.

May mắn duy nhất mỉm cười với Li khi anh được lực lượng cứu hộ bờ biển phát hiện và đưa vào bờ. Nhưng đập vào mắt Li ngay khi đó là những thi thể bị lột sạch quần áo. 

Thảm kịch vịnh Morecambe vào thời điểm đó gây chấn động nước Anh. Giới chức nước này sau khi bắt tay vào điều tra phanh phui sự thật cay đắng. Những gã chủ như "ông chủ" của Li có thể kiếm được hàng triệu bảng mỗi ngày từ mạng lưới "nô lệ lao động", những người bị vắt kiệt sức lao động nhưng chỉ được trả 10 bảng Anh một ngày. 

Sau thảm họa, Li vẫn chưa hết hoảng loạn. Tại cơ quan điều tra, người đàn ông Trung Quốc vẫn sợ các ông chủ của mình tới mức chỉ dám khai nhóm của mình đi dã ngoại và bị thủy triều cuốn trôi. 

Mãi cho tới khi nhận được cam kết đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng, Li mới bắt đầu khai thật. 

Nhờ đó, Lin Liang Ren, ông chủ "Li", kẻ điều hành đường dây đưa Li và những người khác tới các bãi biển cào sò bị kết án 14 năm tù vì tội ngộ sát, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp, cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn. 

Thảm họa đã qua đi 15 năm, Li hiện đã 42 tuổi, có vợ và 2 con. Nhưng Li nói những ký ức đau thương trong đêm đông rét buốt đó vẫn ám ảnh anh mỗi ngày. 

"Cuộc sống của 23 người bị tước mất. Không ai có thể mang họ trở lại. Tôi chỉ muốn đòi lại công lý cho những người đã khuất. Chúng tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền để sống, muốn được đối xử công bằng nhưng tất cả những gì mà gã đó quan tâm chỉ là tiền", Li nói.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn