Ký ức hãi hùng của người đàn bà sống sót trong vụ thảm sát 3 mẹ con ở Quảng Ninh

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 18/04/2018 06:30:00 +07:00

Nhắc đến tên Bùi Đức Lợi, sát thủ máu lạnh không ghê tay, chị Bùi Thị Duân rùng mình sợ hãi, toàn thân run lẩy bẩy.

Câu chuyện về người mẹ già mang niềm tin đứa con tử tù của mình bị oan, rồi đi gọi hồn khiến nhiều người hoang mang, kinh ngạc. Nhiều người tận mắt, tận tai câu chuyện thần bí từ miệng nhà ngoại cảm đã tin vào những điều hoang đường ấy, rồi đổ cho Công an tỉnh Quảng Ninh giết người bán nội tạng.  

Kỳ 3: Người đàn bà đau khổ và ký ức hãi hùng

Theo các tài liệu từ cơ quan điều tra, khoảng 8 giờ ngày 11/8/2006, Bùi Đức Lợi đã giết chị Nguyễn Thị Duân (SN 1969, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cùng hai con là Nguyễn Thị Mai (SN 1993) và Nguyễn Văn Lâm (SN 1995) tại núi Khe Ngái.

Khoảng 19h 30’ ngày 29/1/2007, Lợi đội mũ len trùm kín mặt, cầm khẩu súng trèo tường đột nhập nhà ông Phan Đình Hùng (tổ 92, khu Đồn Điền, Hà Khẩu, TP. Hạ Long), bắn chết ông Hùng tại chỗ.

Trước đó, 19h 30’ ngày 7/1/2007, Lợi cầm khẩu súng nói trên, đội mũ len bịt mặt đột nhập nhà ông Nguyễn Sỹ Điều. Lợi lấy một đoạn dây đưa cho bà Lân bắt bà trói chồng lại. Xong việc, hắn lục soát lấy 30 triệu đồng rồi khóa cửa nhốt vợ chồng ông Điều lại, bỏ trốn.

Khoảng 20h ngày 15/1/2007, Lợi đội mũ len bịt kín mặt cầm súng đột nhập nhà anh Trần Văn Hậu (ở tổ 16, khu 2, phường Cửa Ông) cướp tài sản. Hắn lục soát lấy 200 ngàn đồng, một đôi hoa tai và 3 nhẫn vàng, một đồng hồ Rado rồi trói mọi người lại và biến mất.

TAND tỉnh Quảng Ninh và TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử tử hình đối với Bùi Đức Lợi.

Ở ngay thị trấn Cái Rồng (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh), có một xã tên là Hạ Long. Xã Hạ Long chạy dọc ven biển, có trục chính liên huyện cắt qua xã. Đầu xã nhà cao tầng chi chít, nhưng đến thôn 4, cuối xã, thì nhà cửa lèo tèo, cái nghèo lộ rõ. Những mái nhà gianh, nhà tạm nhỏ xíu lấp ló sau những vạt rừng xác xơ. Người dân xóm nhỏ này sống bám vào rừng, vào biển, nên cuộc sống bấp bênh. Chúng tôi hỏi nhà chị Nguyễn Thị Duân, ai cũng lộ rõ đôi mắt tò mò. Thảm kịch xảy đến với người đàn bà này làm rúng động cả nước nhiều năm qua, thì đủ biết cái xóm nhỏ này xôn xao đến nhường nào.

Con đường đất gập ghềnh đá sỏi gan trâu dẫn chúng tôi vào chân núi, nơi có ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn hoang. Trời sầm sì chực tuôn mưa. Người đàn bà dáng như cây sậy phất phơ trước gió, quấn chiếc khăn trên đầu ra tiếp khách, với giọng nói thều thào thiếu hơi. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị vừa nói vừa nhăn mặt, bóp đầu. Chị bảo, mấy hôm nay thời tiết kỳ cục, lúc nắng, lúc mưa, lúc giông gió, nên đầu đau như búa bổ, nằm bẹp một chỗ, chẳng làm được gì. Mấy vết chém bể sọ của tên giết người ghê rợn để lại cho chị nỗi đau khủng khiếp cả thể xác lẫn tinh thần, không biết bao giờ mới nguôi.

Biết chúng tôi là nhà báo, hỏi lại chuyện xưa, chị chậm rãi ngó lên ban thờ, tìm nén nhang. Tuy nhiên, nhang hết từ mấy ngày trước, mà chưa có tiền mua. Chị lôi tấm ảnh cô con gái yêu quý, lấy gấu áo lau những hạt bụi mà rưng rưng lệ. Nhà nghèo, chẳng bao giờ chụp ảnh cho con. Hồi con bị sát hại, may mà cháu bé hàng xóm mang sang một tấm ảnh đám cưới, trong đó có khuôn mặt bé Mai cười rạng rỡ. Ảnh phóng ra nhòe nhoẹt, nhưng cũng may mà còn được nhìn thấy mặt con mỗi lúc buồn.

Chị Duân thẫn thờ: “Lâu nay tiền đóng học cho con còn chẳng có, không biết bao giờ mới kiếm được tiền đóng cái khung ảnh cho cháu”. Nhìn khuôn mặt và nụ cười rạng rỡ của bé Mai, trong tấm ảnh thờ chẳng có nổi cái khung, không ai ngăn được hàng lệ. Đặt chút lễ nhỏ lên ban thờ, tôi nhờ chị Duân làm cho cháu một chiếc khung, đóng kính, để nụ cười của cháu được lưu giữ lâu hơn ở trần gian nhiều đắng xót này.

Chị Nguyễn Thị Duân sinh ra ở Liên Vị (Yên Hưng, Quảng Ninh). Nhà đông anh chị em, ai cũng nghèo rách nghèo nát, nên cơ sự xảy đến lớn lao như vậy, mà cũng chẳng nhờ cậy được ai. Năm 1978, khi mới mấy tuổi đầu, bố mẹ bỏ vùng đất cũ, xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Vân Đồn. Cuộc sống ở vùng đất mới này cũng không khấm khá gì hơn, làm việc quần quật cũng chỉ đủ ăn.

Từ nhỏ, rồi đến bây giờ, chị Duân cũng chỉ biết lên rừng đốn củi, bẻ măng, hoặc ra bãi biển mò con cua, con ốc để ăn. Năm 1993, chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Long, là người cùng quê, cũng theo bố mẹ ra Vân Đồn làm kinh tế. Nhưng lấy chồng, gánh nặng lại chồng chất nhiều hơn trên đôi vai gầy của chị. Chồng chị mắc đủ thứ bệnh như suy gan vì nhiễm mỡ nặng, lao phổi. Đặc biệt căn bệnh béo phì khiến anh từ người bình thường tăng lên tới 140kg. Nếu có tiền, được chữa trị, có thể những bệnh này sẽ khỏi, nhưng vì nhà nghèo, tiền ăn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền chữa trị. Cuộc sống cùng quẫn, khiến anh này dần mất trí, rồi thành tâm thần.

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất với chị, là anh chị có được với nhau 3 đứa con, gồm 2 trai, một gái. Tất cả chúng đều ngoan ngoãn, xinh đẹp, học giỏi, chăm ngoan. Thôi thì ông trời không cho ai mọi thứ, với chị, 3 thiên thần nhỏ là mọi hy vọng, là tương lai để chị tiếp tục phấn đấu, dù có phải trả giá như thế nào. Nhưng rồi, định mệnh kinh hoàng nhất đã không buông tha người đàn bà tận khổ này.

6

Chị Duân chỉ vết chém bằng dao rựa do tên Lợi gây ra. 

Trí nhớ suy giảm nhiều sau vụ tai ương, nhưng những ký ức kinh hoàng trong ngày 11-8-2006 thì chị Duân vẫn nhớ rõ mồn một. Hôm đó, mới sớm tinh mơ, chừng 5 giờ sáng, chị đã trở dậy nấu nướng, đánh thức các con dậy ăn uống. Số cơm thừa con lại, cùng ít muối vừng thì nắm lại, đóng gói, dùng để ăn trưa. Mấy bình nước cũng được đong đầy.

Khi mặt trời chưa kịp ló dạng, 3 mẹ con chuẩn bị dao, thuổng lên rừng. Cậu con út mới 2 tuổi ở nhà với bố. Vừa ra đến ngõ, thì chị hàng xóm chạy sang bảo: “Ơ, cái Duân, mày bảo lấy na cho chị hôm nay, mà lại định lên rừng là sao”. Chị Duân bảo con ngồi đợi, rồi hai người đàn bà vạch từng cành na, hái những quả sắp “mở mắt”.

Sau nhà chị có mảnh vườn nhỏ, chị trồng được mấy cây na, quả sai trĩu trịt. Nhìn những quả na căng mọng, các cháu thèm lắm, nhưng chẳng được ăn. Chỉ quả na nào bị chim xơi mất một góc, không bán được, thì mới đến phần các cháu. Nhà nghèo, nên phải dành tiền bán na lo việc học hành. Thứ quả cao sang đó để cho khách du lịch thưởng thức.

Hái na xong đâu đấy, 3 mẹ con mới lên đường. Ngày đó, hai bé Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1993), tức là mới được 13 tuổi, còn em trai Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1995) mới ở tuổi 11. Ở cái tuổi ấy, những đứa trẻ khác chỉ biết ăn chơi, học hành, nhưng chị em Mai và Lâm đã phải làm mọi việc giúp mẹ.

7

Dãy núi Khe Ngái, nơi 3 mẹ con bị tên Lợi sát hại. 

Tranh thủ nghỉ hè, 3 mẹ con hôm thì xuống biển mò ngao, bắt ốc, hôm lên rừng hái măng, chặt củi. Cứ cái gì kiếm ra tiền, ra thịt, là 3 mẹ con làm quần quật từ sáng đến đêm. Chị Duân rưng rưng nước mắt: “Cả mùa hè ấy, 3 mẹ con tôi ngày nào cũng lên rừng đào măng, lấy củi. Cứ đi từ sáng sớm, đến chiều tối mới về. Thế nhưng, bán cả thúng măng, mấy bó củi cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Được đồng nào thì cất hết đi, để năm học mới có tiền mua sách vở, đóng cho con. Ở huyện đảo này, cái gì cũng đắt đỏ, mà nhà tôi có làm thứ gì ra tiền được đâu”.

Mấy mẹ con cuốc bộ hơn tiếng thì đến khu rừng có tên Khe Ngái. Chị giục các con cùng chặt củi, đào măng, cố gắng lấy đủ sớm, thì chặt thêm ít rào mang về rào ruộng lúa, chứ trâu bò, lợn gà của làng xóm toàn kéo đến phá lúa, không có thu hoạch thì chết đói cả nhà.

Mấy mẹ con đến khu rừng tre um tùm, thấy măng mọc lởm chởm thì vui mừng khôn xiết. Chị dùng chiếc rựa phát quang bụi tre. Những gốc măng lộ ra. Bé Mai cầm chiếc thuổng nhỏ đục vào gốc, rồi lôi ra những búp măng non tơ mơn mởn sau mấy trận mưa tầm tã.

Bé Lâm khi đó còn nhỏ, cứ lăng xăng quấn chân chị và mẹ. Mai rúc vào bụi tre, đào được củ măng nào thì ném ra ngoài, Lâm dùng dao mỏng đẽo vợi gốc, bóc bớt vỏ rồi cho vào bao. Bé Mai cứ mỗi lúc lại rúc sâu hơn vào hốc tre. Gai tre sắc nhọn xé rách quần áo, cứa da thịt mềm mại tứa máu. Lấy được nhiều măng, 3 mẹ con cười rinh rích. Đàn chim từ đâu kéo đến hót líu lo, vang động núi rừng. Người mẹ nghèo ấy nhìn hai đứa con chăm ngoan, mà thấy lòng phơi phới. Mọi mệt nhọc, lo toan như tan biến đâu cả.

Thấy lượng măng đã sắp ngập bao, sợ không vác về nổi, nên chị Duân bảo hai con nghỉ tay, không đào măng nữa, để dành cho buổi mai. 3 mẹ con chuyển sang chặt những cành tre nhỏ mang về làm rào. Vừa đốn hạ được hai bó nhỏ, thì bất thình lình, một tiếng nói lạnh lùng vang lên sau lưng. Chị ngoái đầu nhìn lại, thấy một người đàn ông mặc áo lúp xúp, đầu quấn khăn, chỉ hở hai mắt. Hắn lăm lăm khẩu súng trên tay, hết gí vào đầu chị, lại gí vào đầu hai cháu bé. Hắn luôn mồm giục chị đưa tiền cho hắn.

Chị Duân nhớ lại: “Nhìn mắt hắn đằng đằng sát khí, giương khẩu súng to tướng lên, rồi gí vào đầu hai con, tôi bủn rủn tay chân, không đứng nổi nữa, chân cứ khụy xuống. Tôi quỳ xuống, chắp tay trước ngực, khóc lóc van xin hắn tha mạng. Hắn cứ luôn mồm đòi đưa tiền, nhưng tôi bảo không có tiền để đưa cho hắn. Hắn cáu tiết giương súng lên trời bắn đoàng một cái. Tôi sợ hãi co rúm người, thảm thiết xin hắn tha mạng”.

2 3

Di ảnh cháu Lâm.

Sau một hồi giằng co, đòi tiền không được, tên cướp bí ẩn này đã dùng sợi dây thừng mang theo buộc 3 mẹ con lại thành một hàng như tù nhân. Hắn giằng lấy con dao rựa chị Duân dùng phát tre, chặt củi dắt vào người. Hắn bắt 3 mẹ con đứng lên, rồi đi sâu vào rừng. Hắn đi sau gí súng vào lưng chị Duân.

Đi được độ nửa tiếng, đến khu rừng hoang, ít người qua lại, thuộc khu vực thung lũng Cô Tiên, thì hắn yêu cầu dừng lại. Hắn tháo dây cho chị Duân, rồi trói 2 chị em Mai và Lâm vào gốc cây bằng sợi dây thừng đó. Hai chị em Mai và Lâm sợ hãi khóc lóc thảm thiết.

Chị Duân kể lại: “Nếu hai đứa đã lớn, thì sẽ tự biết tháo dây cho nhau rồi bỏ trốn, nhưng đằng này còn nhỏ quá, lại sợ hãi, nên cứ ngồi im kêu khóc, không biết đường cởi trói cho nhau. Thấy tình cảnh nguy hiểm đến tính mạng, tôi đã xin tên cướp thả cho hai cháu về để lấy tiền đưa cho hắn, chỉ cần giữ tôi lại là đủ. Tên cướp này suy nghĩ một lúc rồi nó bảo không được, nếu hai đứa trốn về mách người lên giúp thì vừa không lấy được tiền lại bị lộ. Tôi đã bảo không có tiền, nhưng hắn cứ liên tục gí súng vào đầu tôi đòi đưa tiền. Hắn bắt đầu sờ nắn khắp người tôi để tìm tiền. Hắn móc trong túi áo ngực của tôi, lấy được 30 ngàn đồng. Lúc ấy tôi mới nhớ ra là tiền bán na hồi sáng. Thực tình lúc đó cuống quýt quá, không nhớ ra có tiền bán na, chứ nhớ thì tôi đã đưa cho hắn rồi. Thấy trong túi tôi có tiền lại cứ kêu không có, nên hắn càng tức giận. Hắn dọa giết một hồi, rồi thúc súng vào lưng tôi bảo đi xuống phía dưới khe.

Đến lưng chừng dốc, gặp một tảng đá bằng phẳng, hắn bảo tôi dừng lại. Hắn sờ soạng người tôi. Tôi bảo đang đến tháng, thì hắn lôi băng vệ sinh trong người tôi ném ra ngoài. Tôi chống cự quyết liệt, thì hắn tức giận, và không làm gì nữa, hắn lại dong tôi đi tiếp. Đến lưng chừng dốc, thì tôi ngã xuống, không biết gì nữa, cũng chẳng thấy đau đớn gì. Sau này, tôi mới biết là bị hắn dùng con dao rựa cướp từ tay tôi và chém mấy nhát vào đầu khiến tôi bất tỉnh. Lúc đó hắn chém thế nào, chém khi nào tôi cũng không nhớ gì cả. Hắn chém tôi một cách lạnh lùng, bất ngờ, không dọa nạt, không nói năng gì cả”.

9 giờ sáng hôm sau, chị buôn na ở chợ huyện lại tìm đến nhà chị Duân lấy na tiếp. Tuy nhiên, nhà chỉ có anh Long, chồng chị. Khi đó, bệnh anh Long rất nặng, đầu óc ngớ ngẩn, lúc nhớ, lúc quên, hỏi gì cũng không biết. Chị bán na thắc mắc, thì anh Long bảo: “Có khi mẹ con nó sang bên ngoại rồi. Đi rừng từ hôm qua chưa thấy về thì chắc chỉ sang bên ngoại thôi”.

3 4

Di ảnh cháu Mai. 

Chị buôn na này ra chợ bán cá. Bán hàng xong, chạy sang nhà chị Duân, vẫn không thấy 3 mẹ con đâu. Chị này liền sang nhà chị dâu tìm. Chị dâu chạy sang nhà mẹ chồng, nhưng không thấy chị Duân. Mấy người nhà chồng bảo: “Chắc mẹ con nó sang bên ngoại”. Thế rồi mấy người chạy sang nhà mẹ đẻ chị Duân. Bà bảo: “Nó có nhà có cửa đàng hoàng sao lại sang nhà tôi làm gì. Từ khi đi lấy chồng đến giờ, chưa hôm nào nó ngủ lại nhà tôi cả”. Lúc này mọi người mới hoảng hốt, rồi hô hào nhau đi tìm. Mọi người tỏa lên rừng tìm kiếm, đến tận 13 giờ 30 phút mới thấy.

Chị Duân nhớ lại: “Tôi nằm từ sáng hôm trước đến tận chiều hôm sau không biết gì cả. Lúc đó, tự dưng nghe thấy tiếng lao xao, tiếng khóc, tiếng em trai gọi. Tôi nghe thấy tiếng mọi người hỏi, nhưng không sao trả lời được. Đầu óc vẫn suy nghĩ được, nhưng cứ bồng bềnh. Tôi muốn ngồi dậy, đạp chân, co tay, nhưng không vận động được. Thế rồi, mọi người thay nhau cõng tôi chạy xuống núi.

Ở nhà, mọi người đã gọi xe cấp cứu đến, đưa tôi ra Bệnh viện Vân Đồn. Nằm ở Vân Đồn 2 ngày, thì chuyển sang Bệnh viện Cọc 7 bên Cẩm Phả. Sau này, mọi người kể lại mới biết chỗ mấy vết chém ở đầu tôi máu chảy thành vũng, có giòi rồi. Tay chân, mặt mũi bị muỗi đốt không biết bao nhiêu mà kể, khiến da rộp lên, sưng tấy. Tôi sống được cũng là nhờ trời. Mấy hôm trước suốt ngày mưa. Lúc mẹ con tôi đi lên rừng, trời cũng sắp đổ mưa, thế nhưng khi tôi bị chém, thì trời lại không mưa nữa. Suốt đêm ấy cho đến tận chiều hôm sau trời cũng không mưa. Sau khi mọi người tìm thấy tôi, thì đổ mưa lớn lắm. Nếu cái đêm tôi nằm bất tỉnh ở rừng mà mưa lớn, thì chắc chắn tôi đã chết”.

IMG_6015 6

 Chị Duân bên mộ hai con.

Lúc nằm viện, chị Duân liên tục hỏi về hai đứa con, nhưng mọi người đều bảo không sao, hai đứa vẫn khỏe mạnh và đang đi học. Mọi người bảo không muốn để các cháu nhìn thấy cảnh mẹ bị thương nặng nên không cho vào. Khi đó, chị Duân cũng tin lời mọi người. Chị nghĩ rằng, tên cướp đã giết mình, thì không lấy được tiền nữa, không có lý do gì để giết 2 đứa con của chị. Chị còn dặn mọi người mua sách, đóng tiền học cho hai đứa, rồi nhắn cháu Mai học xong thì đi cắt cỏ bờ cho mẹ, chứ bố bệnh tật, lại tâm thần như thế thì không làm được.

Nhưng rồi, chị Duân cứ tra hỏi gay gắt quá, nên chị dâu đành phải nói thật: “Cô phải cố chịu đựng nhé. Thằng cu bị chém chết rồi. Còn con bé thì vẫn chưa tìm thấy, nhưng hy vọng sống là ít lắm”. Nghe đến đây, chị Duân xỉu đi, không khóc được nữa. Lẽ ra, chị nằm viện chừng hơn tháng thì xuất viện, nhưng tin 2 đứa con đều chết khiến chị suy sụp hẳn. Chị phải nằm viện tới 4 tháng mới bắt đầu tập đi. Mọi người thay nhau dìu chị đi lại. Sau những cú chém dã man, lại nằm bất tỉnh trong rừng hơn một ngày, nên chân tay chị Duân đã co rút lại, vận động rấ khó, gần như nửa người đã bại liệt. Chị phải tập luyện rất nhiều mới được như ngày hôm nay.

Từ ngày lâm nạn, cuộc sống của chị Duân hoàn toàn cậy nhờ vào hàng xóm, anh em. Anh em bên chồng, bên nhà, ai cũng nghèo khổ, nên chẳng giúp được gì. Chồng tâm thần, lại trọng bệnh, nên cũng chỉ nằm một chỗ, là gánh nặng thêm cho chị. Nhà có mấy sào ruộng, chị cũng không làm nổi, phải cho chị hàng xóm làm, rồi đến mùa chị hàng xóm trả cho mấy thúng thóc ăn dần. Năm 2009, mấy ngày sau khi sang cát cho cháu Lâm, thì anh Long chồng chị đột tử do bệnh tim mạch. Riêng cháu Mai thì không phải sang cát, vì khi tìm thấy cháu, xác đã phân hủy hết, chỉ còn bộ xương. Một ống xương chân bị nước cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm thấy.

5 5

Chị Duân trước ngôi nhà nhỏ, do các cá nhân hảo tâm hỗ trợ dựng lên. Thân nhân kẻ gây ra cái chết cho hai con chị, gây thương tích cho chị, thì vẫn trơ tráo đồn thổi chị bồ bịch rồi cùng tình địch giết chồng và hai con, tự gây thương tích cho mình, rồi kiện cả Báo Gia đình Việt Nam, và Tòa Cầu Giấy thì bắt tòa soạn phải xin lỗi cả vong hồn kẻ thảm sát các con chị. 

Năm 2010, cơn bão đổ về Quảng Ninh, thổi bay mái nhà. Mẹ con chị Duân không có chỗ ở, phải tá túc nhà hàng xóm. Một ngày, các đồng chí Công an huyện Vân Đồn đến thăm nhà, thấy căn nhà tan hoang, dột nát, nên đã huy động mọi người lợp lại giúp. Tuy nhiên, khi kiểm tra, thấy tường vỡ loang lổ, căn nhà như muốn sập, nên các đồng chí công an huyện không làm lại mái nữa, mà huy động mọi người đóng góp xây dựng nhà mới giúp chị Duân. Chỉ trong thời gian ngắn, đã gom được 50 triệu đồng, đủ dựng lại một ngôi nhà nhỏ trên nền đất cũ.

Chị Duân nói trong nước mắt biết ơn: “Xin tiền xây nhà cho mẹ con tôi xong rồi, vợ chồng anh Sinh (khi đó Thượng tá Phạm Hồng Sinh là Phó trưởng Công an huyện Vân Đồn) xuống thăm, thấy nhà không có gì, đã đi xin giúp 20 triệu nữa để sắm đồ. Vợ anh Sinh còn cho 10 triệu để mua bàn ghế, sắm tủ. Thi thoảng anh Sinh vẫn đến thăm và cho ít tiền để đóng học cho cháu, mẹ con có tiền rau cháu qua ngày. Xã cũng trợ cấp cho mẹ con tôi mỗi tháng 300 ngàn đồng để có tiền đóng học cho cháu út. Tuy nhiên, số tiền ấy chỉ đủ mua gạo ăn thôi. Tiền đóng học cho cháu tuy được miễn nhiều, nhưng vẫn không có để đóng các khoản khác. Năm vừa rồi, nhà trường thu 1,1 triệu đồng, nhưng tôi mới chỉ đóng được 700 ngàn, còn nợ lại chưa biết xoay đâu đóng tiếp. Giờ tôi thế này, chẳng làm được gì cả”.

Tôi hỏi chị Duân: “Hung thủ bịt mặt chị không nhìn thấy. Giọng nói của hắn chị cũng không nhớ được vì sợ hãi. Vậy chị có khẳng định được tên Lợi đã giết chị hay không?”.

Chị Duân cho biết: “Hồi các chú công an dẫn tôi bí mật nhận dạng. Khi ngồi trong xe nhìn những tên khác, tôi không có cảm giác gì, nhưng nhìn thấy tên Lợi từ xa, tôi đã run lên bần bật, sợ hãi không nói nổi câu nào. Đúng là tôi không nhìn thấy hắn, nhưng các chú công an bắt nó vào rừng, rồi nó chỉ chỗ chôn quần áo, sợi dây, nó chỉ đúng, đào thấy. Những chuyện nó khai cũng đều khớp với chuyện xảy ra với tôi. Lúc đầu, tôi cũng không biết là nó, nhưng công an điều tra, bắt nó là chính xác rồi”.

Bắt xin lỗi oan hồn kẻ giết người hàng loạt

Ngày 24/4 tới đây, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại” của bà Nguyễn Thị Mùi (trú tại Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) với Báo Gia đình Việt Nam.

Trong đơn kiện trước đó, lý do đòi bồi thường của bà Nguyễn Thị Mùi là việc bức ảnh chụp chân dùng bà cùng tờ đơn tố cáo được đăng tải trên Ấn phẩm của Báo Gia đình Việt Nam mà không được sự đồng ý bằng văn bản của bà Mùi gây tổn hại sức khỏe, uy tín, tinh thần… khiến bản thân bà thiệt hại 300 triệu đồng.

Tiếp nhận đơn kiện của bà Mùi, TAND quận Cầu Giấy đã bác đơn kiện của bà Mùi với lý do thiếu cơ sở. Khi bị bác đơn, bà Mùi gửi đơn kiện cả Báo Gia đình Việt Nam và TAND quận Cầu Giấy lên Tòa Hà Nội tạo sức éo khiến TAND Cầu Giấy buộc phải thụ lý. Lần này, bà Mùi tăng số tiền đòi bồi thường lên thành 325 triệu đồng.

Ngày 22/9/2017, TAND Cầu Giấy mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 chấp nhận một phần yêu cầu trong đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, yêu cầu báo Gia đình Việt Nam bồi thường số tiền 72.726.000 trong tổng số 300 triệu đồng mà bà Mùi yêu cầu đền bù.

Một quyết định rất phi lý khác là TAND quận Cầu Giấy đưa ra phán quyết chỉ đạo về việc Báo Gia đình Việt Nam và Tổng biên tập của báo phải xin lỗi độc giả, bà Mùi cùng như gia đình cùng vong linh người chết là Bùi Đức Lợi (kẻ giết người hàng loạt đã lĩnh án tử hình).

Liên quan đến vụ việc Báo Gia đình Việt Nam đăng ảnh chân dung bà Mùi, Luật sư Phạm Ngọc Minh Công ty TNHH Everest (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng Báo Gia đình Việt Nam đã tự ý đăng ảnh cá nhân của bà, tự ý đăng đời tư của bà lên báo chí, xúc phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của bà mà không được sự đồng ý của bà là không có căn cứ.

Khi phóng viên chụp các bức ảnh này, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối. Cụ thể là cả hai bức ảnh chụp trực diện thể hiện rõ thái độ chủ động của bà Nguyễn Thị Mùi khi được chụp ảnh. Như vậy, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối việc phóng viên chụp và đăng ảnh”.

Cũng theo Luật sư Phạm Ngọc Minh, việc bà Mùi liên tục kiện cáo các cơ quan thi hành án, tuyên truyền mê tín dị đoan với cảnh “tử tù Bùi Đức Lợi” nhập vong vào cô đồng Sinh (ở Hải Dương), khiến dư luận hiểu sai vụ án, thì với trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần thiết phải làm rõ hiện tượng này, do đó, việc chụp ảnh bà Mùi như nhân vật tuyên truyền mê tín dị đoan, là trách nhiệm của báo chí, không cần phải xin phép bằng văn bản.

Báo Gia đình Việt Nam kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 của TAND quận Cầu Giấy

Trước phán quyết của TAND Cầu Giấy tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, Báo Gia đình Việt Nam đang tiến hành kháng cáo lên toà cấp trên để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình, đồng thời cũng bảo vệ hành lang tác nghiệp hợp pháp của báo giới trong tuyên truyền đấu tranh với cái xấu, cái ác, các tệ nạn xã hội.

Trong đơn kháng cáo, lý do được Báo Gia đình Việt Nam đưa ra là do bản án dân sự sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy được tuyên dựa trên việc áp dụng không đúng các quy định pháp luật. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ gây thiệt hại cho bị đơn là Báo Gia đình Việt Nam.

Trong đơn, Báo Gia đình Việt Nam cũng yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc như sau:

Thứ nhất: Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy chấp thuận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Mùi, buộc Báo Gia đình Việt Nam cải chính công khai lại thông tin, cũng như xin lỗi bà Mùi và gia đình, vong linh người chết là không có căn cứ pháp luật.

Lý do được Báo Gia đình Việt Nam đưa ra là:

- Báo Gia Đình Việt Nam khẳng định: Không có hành vi thông tin không đúng sự thật, vi phạm các quy định của Luật báo chí 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật báo chí như Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy nhận định trong Bản án dân sự sơ thẩm.

- Việc đăng ảnh của bà Nguyễn Thị Mùi trong các bài viết trên Báo Gia đình Việt Nam được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật báo chí tại thời điểm đăng (năm 2014) và pháp luật báo chí hiện hành. Không có hành vi chụp lén, hay có mục đích bôi nhọ làm xấu đi hình ảnh, danh dự, uy tín và nhân phẩm như lời bà Mùi khai trong các phiên tòa xét xử.

- Quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí số 507/QĐ-XPHC ngày 13/06/2013 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng cứng nhắc quy định tại điểm a, điểm e khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 02/2011/NĐ-CP dẫn đến việc xử phạt Báo Gia đình Việt Nam.

Thứ 2: Quyết định yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam bồi thường cho bà Nguyễn Thị Mùi trong Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy không có căn cứ, không đúng theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với lý do:

- Không có thiệt hại xảy ra: Thông tin về vụ việc Bùi Đức Lợi đã gây ra các tội ác dã man: cướp, giết người đã được thông tin trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, việc Báo Gia đình Việt Nam đăng tin chỉ nhằm làm rõ những thông tin chưa rõ ràng trong dư luận xã hội hiện tại, chứ không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bà Nguyễn Thị Mùi, cũng không làm xấu đi tình trạng của bà Mùi.

Không có bằng chứng nào chứng minh cụ thể việc người khác biết bà Mùi là mẹ ruột của Bùi Đức Lợi, hay Bùi Đức Lợi chỉ phạm tội giết người, cướp của với thông tin Bùi Đức Lợi phạm tội hiếp dâm làm bà Nguyễn Thị Mùi bị giảm sút thêm hoặc mất thêm uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… Bản thân Bùi Đức lợi là kẻ giết người cướp của với những tình tiết đặc biệt dã man và bất cứ ai khi biết được các thông tin đều cảm thấy rùng mình và ghê sợ.

- Không có hành vi trái pháp luật: Báo gia đình Việt Nam không đưa thông tin sai sự thật, không cố tình kết tội và bôi nhọ Bùi Đức Lợi cũng như làm xấu đi hình ảnh, danh dự, uy tín của bà Nguyễn Thị Mùi và gia đình; không đăng hình ảnh của bà Nguyễn Thị Mùi trái pháp luật (như đã phân tích ở trên).

- Không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật: Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Mùi không đưa ra được các chứng cứ chứng minh những thiệt hại xảy ra đối với bà Nguyễn Thị Mùi là kết quả tất yếu của hành vi Báo Gia đình Việt Nam đăng bài và ngược lại hành vi của Báo Gia đình Việt Nam đăng bài gây ra thiệt hại cho bà Nguyễn Thị Mùi.

Thứ 3: Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định pháp luật.

- Quyết định yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam chi trả các phí đi lại, ăn ở, thuê luật sư cho bà Nguyễn Thị Mùi của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy được đưa ra hoàn toàn không có căn cứ. Bà Nguyễn Thị Mùi chỉ kê khai các khoản chi phí mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Hợp đồng dịch vụ pháp lý của Văn phòng Luật sư và  phiếu thu ngày 20/03/2013 của Chi nhánh Văn phòng Luật sư miền Bắc mà bà Mùi cung cấp là chưa đủ căn cứ, và không thể coi là chứng cứ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, khi PV cung cấp tài liệu, hình ảnh chứng minh không có hành vi chụp lén bà Nguyễn Thị Mùi là các bức ảnh chụp trực diện bà Mùi. Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã cố tình bỏ qua các chi tiết này và không xem xét các chứng cứ.

Với những lý do trên, Báo Gia đình Việt Nam đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm ngày 22/09/2017 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội giải quyết “Yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”. 

Còn tiếp...

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn