Ký ức 17/2/1979: Chuyện của người lính sống sót ở pháo đài tử thủ Đồng Đăng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 16/02/2015 06:11:00 +07:00

Chúng dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, chất hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng tất cả chiến sỹ cũng như dân quanh vùng chui vào pháo đài lánh nạn.

(VTC News) - Chúng dùng súng phun lửa, thả lựu đạn,chất hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng tất cả chiến sỹ cũng như dân quanh vùng chui vào pháo đài lánh nạn.


Kỳ 1: Ngày 17/2 khốc liệt


Đồng Đăng, Lạng Sơn trong một chiều mưa phùn lất phất, cái lạnh lẽo cuối mùa đông làm khung cảnh thêm buồn bã.

Ngoài quốc lộ, hàng đoàn xe container xếp thành hàng dài, chở đầy hàng hóa chờ xuất sang Trung Quốc.

Không ai để ý tới bóng dáng một người đàn ông hơn 50 tuổi tập tễnh khó nhọc bước về phía Pháo đài Đồng Đăng.

Những người lớn tuổi nhận ra ông là một cựu binh thông qua bộ quân phục cũ kỹ khoác trên người. Người cựu binh đó đã trải qua những giây phút sinh tử của chiến tranh, mà bằng chứng là những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt khắc khổ.

Bất chợt, ông run rẩy, ngâm những câu thơ trong bài thơ “Thần chiến thắng” của Chế Lan Viên: “Ôi, ta yêu đến đau thương Tổ quốc của mình/ Mỗi đất nước có một số phận riêng, một cuộc đời riêng, có phải?/... Cái ta xây cất mười năm, chúng thiêu tàn một buổi/ Tội ác ấy muôn đời không xóa nổi…”.

Những câu thơ đau ruột xót lòng. Hơn 36 năm sau cuộc chiến, những câu thơ ấy vẫn lay động tâm can, thức tỉnh ý thức con người.
Pháo đài Đồng Đăng hoang tàn đổ nát, cỏ mọc kít mít 
Pháo đài Đồng Đăng – nơi diễn ra cuộc chiến anh hùng của mấy trăm chiến sỹ chống lại quân xâm lược Trung Quốc giờ quá hoang tàn, đổ nát. Người cựu binh đến đây, chỉ thấy rác lẫn kim tiêm của con nghiện vứt lại. Không một tấm bia, không một hình ảnh.

Hỏi chuyện xung quanh, thì nhiều người cũng chỉ biết rằng cuộc chiến ở Đồng Đăng, nhất là khu vực pháo đài nghe nói khủng khiếp lắm. Nhưng ít ai được chứng kiến, vì phần lớn đều chạy loạn khi cuộc chiến nổ ra, hoặc về sau họ mới tìm lên đây sinh sống.

Xung quanh pháo đài, tường đá đổ nát rêu phong, lau lách chi chít. 36 năm, lẽ nào cỏ dại đã mọc trùm ký ức?

Nhiều tài liệu ghi chép, lực lượng phòng thủ tại pháo đài Đồng Đăng dù không được chi viện nhưng đã kiên cường chiến đấu suốt 5 ngày trời, trụ được cho tới ngày 22/2/1979.
Ông Nguyễn Duy Thực kể lại thời khắc khốc liệt ở Pháo đài Đồng Đăng 
Ngày cuối cùng tại đây, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá đánh sập cửa chính.

Chúng dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, chất hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng tất cả chiến sỹ cũng như dân quanh vùng chui vào pháo đài lánh nạn.

Ít ai biết rằng, vẫn có người sống sót. Và người cựu binh già đó là một trong mấy nhân chứng của cuộc chiến khốc liệt tại pháo đài Đồng Đăng 36 năm trước.

Ông là Nguyễn Duy Thực, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. ông là cựu binh của Đại đội 42, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3 đóng quân tại Lạng Sơn.

Ông Thực gia nhập quân ngũ và huấn luyện tại Lục Ngạn, Bắc Giang đầu năm 1978.

Cuối năm đó, khi Trung Quốc rục rịch gây chiến suốt toàn dải biên giới phía bắc, đơn vị của ông được lệnh tập trung tại Lạng Sơn. Bản thân ông cùng đại đội của mình đóng quân tại pháo đài Đồng Đăng, nơi mà chỉ ít lâu sau đã diễn ra cuộc chiến bi tráng của vài trăm con người chống lại cả mấy sư đoàn quân xâm lược Trung Quốc.
Chiến tranh biên giới. (Ảnh: internet) 
Nhắc lại thời điểm 17/2/1979, ông Thực rưng rưng: “Các bạn còn trẻ, chưa được chứng kiến cũng như không hình dung được hết sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng dù sao tôi còn may mắn hơn nhiều những đồng đội đã mãi nằm lại nơi biên cương này”.

Với ông, dù đã trải qua 36 năm, nhưng những ký ức về cuộc chiến vẫn như mới vừa hôm qua, và nó vẫn cứ đeo đẳng mãi về sau.

Có người so sánh trận tử thủ ở Pháo đài Đồng Đăng với trận tử thủ tại Pháo đài Brest ở Belarus gần biên giới Ba Lan những ngày đầu quân phát xít Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô năm 1941. Chúng giết hại dã man đến thường dân và người lính Hồng quân cuối cùng ở pháo đài này.
Năm 1979, Trung Quốc bất ngờ huy động hàng chục sư đoàn tấn công trên khắp tuyến biên giới với Việt Nam. Ở Trung Quốc, giới cầm quyền mị dân gọi đây là cuộc “phản kích tự vệ”, để “dạy cho Việt Nam một bài học”.


Tuy nhiên, lẽ phải không thuộc về Trung Quốc bởi họ không có lý do nào chính đáng để giải thích cho hành động xâm lược này.

Trước đó, lúc mới hành quân lên biên giới, ông Thực cùng anh em Đại đội 42 đã chia nhau đào công sự, trấn giữ các mỏm đồi. Tuy nhiên, lán trại mới được dựng lên, vữa trát còn chưa khô, mái gianh còn xanh lá, mới có mấy ngày đã xảy ra chiến tranh.

Người cựu binh già nhớ lại: 5h sáng ngày 17/2/1979, lúc mọi người đang chuẩn bị tập thể dục, thì bất ngờ phía bên kia biên giới, cách chỗ lán trại có vài km, tiếng pháo bắt đầu nổ ùng oàng, ánh chớp sáng rực góc trời, liên tiếp những quả đạn vượt qua pháo đài rơi xuống thị trấn Đồng Đăng.

Không ai bảo ai, mọi người đồng thanh hô to: “Tàu đánh rồi”. Tất cả chạy qua kho quân khí, mỗi người cầm 1 khẩu súng và tức khắc chạy lên các chốt phòng thủ.

Sau màn rót pháo, chỉ trong phút chốc, quân Trung Quốc rầm rộ tiến vào Đồng Đăng.

Đi đầu là xe tăng, bò lên bắn vào các cao điểm, phía sau là quân Trung Quốc tiến lên đủ chủng loại, kẻ chạy bộ, kẻ đi ngựa, kẻ ngồi trên xe quân sự tiến lên.
Thị trấn Đồng Đăng nhìn từ pháo đài 
Một phát đạn B40 phóng xuống đám lính đầu tiên tiến gần đến pháo đài, cả tiểu đội tan xác. Những tên gần đó tóc tai cháy xém, mặt mũi lộ vẻ kinh hoảng, ngần ngừ không dám tiến. Ngay tức khắc, chúng bị những tên đi sau bắn chết, rồi cả biển người lầm lũi tiến lên, bất chấp súng đạn.

B40, ĐKZ, AK bắn toét cả nòng súng cũng không xuể trước chiến thuật biển người của quân Trung Quốc, ông Thực cùng đồng đội phải rút dần vào pháo đài cố thủ.

Đến trưa 17/2, các chốt cố thủ của Đại đội 42 từ con đường quanh đồi thông dẫn đến pháo đài cũng lần lượt bị mất.

Về sau mới biết, bên cạnh ưu thế về lực lượng, lại chủ động về thời gian xâm lấn, quân Trung Quốc còn được sự hỗ trợ của bọn phản động người Hoa. Chúng cắt hết dây thông tin liên lạc, dẫn lính Trung Quốc theo các đường hẻm lên chốt, những vị trí đóng quân của ta.

Trong pháo đài lúc đó có khoảng 700 con người, bao gồm Đại đội 42, một đơn vị cảnh sát dã chiến Đồng Đăng, công an vũ trang, cùng một số người dân chạy loạn tìm lên.

Lương thực dự trữ chỉ có chút ít, nhưng quân Trung Quốc tiến vào đã phá sạch, cướp sạch.

Một đồng đội kể lại với ông Thực rằng, ông chứng kiến phía sau đám lính là một đội dân binh rất đông di chuyển theo để hỗ trợ. Chúng là đội quân ô hợp hôi của. Chúng vào nhà dân bắt gà, bắt lợn chọc tiết, xuống cả ao bắt cá... Đám quân ô hợp ấy đặt bộc phá giật đổ nhà cửa dân cư.

Trên đường tìm về pháo đài, người đồng đội ấy đã tiêu diệt thêm mấy tên lính Trung Quốc. Khi chạy qua đám xác chết, ông còn gặp một tên chết trong tư thế hai tay còn ôm chặt bao khoai lang.

Còn tiếp...


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn