Kỳ thi quốc gia 2015: Thi toàn diện, hết thời học lệch

Giáo dụcThứ Năm, 07/08/2014 09:18:00 +07:00

(VTC News) - Dự thảo về ba phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung 2015 của Bộ GD&ĐT được rất nhiều các nhà giáo dục đồng tình.

(VTC News) - Hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung 2015 sẽ là tiền đề đổi mới giáo dục mạnh mẽ.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo về ba phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung2015. Đổi mới này của Bộ được rất nhiều các nhà giáo dục đồng tình và thẳng thắn góp ý.

Phương án 2 là phù hợp

ông Lê Xuân Trung
Thạc sỹ Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) 
Nhận định về kỳ thi quốc gia 2015, ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng trường THPT chất lượng cao Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Lẽ ra chúng ta phải tổ chức kỳ thi này cách đây 5-6 năm. Nhưng muộn còn hơn không, vì vậy từ năm 2015 Bộ GD-ĐT cần tiến hành ngay, không thể chậm trễ hơn nữa”.

Căn cứ vào tình hình thực tế, vị hiệu trưởng này chọn phương án 2 trong các phương án Bộ GD-ĐT nêu ra. Cụ thể, các học sinh sẽ thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (bắt buộc) và một bài khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lý) (tự chọn).

Tuy nhiên, ông Trung cũng góp ý Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các học sinh phải thi tất cả 5 bài thay vì được lựa chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Đây là giải pháp tối ưu để phát huy được hiệu quả và thúc đẩy các nhà trường thực hiện nền học vấn giáo dục phổ thông toàn diện, phong phú, đa dạng để học sinh bước vào những bậc học cao hơn hoặc có thể rẽ sang thực hiện hoạt động hướng nghiệp độc lập.

Vị hiệu trưởng này cũng nhận định: “Thời gian đầu thực hiện chắc chắn kỳ thi sẽ có bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể thể làm được. Ví dụ, nếu các nhà trường chưa dạy và học tích hợp thì Bộ GD-ĐT sẽ ra đề tổng hợp, mỗi bài thi gồm nhiều phần nội dung khác nhau ở từng môn khác nhau. Đây là việc Bộ hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt”.

Đối với việc tổ chức chấm thi, ông Trung cho biết điều đó không có gì phức tạp. Các giám thị chỉ mất một động tác là chấm truyền. Một bài thi tổng hợp sẽ có nhiều người chấm từng nội dung mà mình được đảm nhiệm.

Bạn lựa chọn phương án nào cho kỳ thi quốc gia chung 2015?

  • Phương án 1: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; Thí sinh phải đăng ký bắt buộc 4 môn
  • Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi
  • Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Coi thi nghiêm túc

Một vấn đề mà ông Lê Xuân Trung rất quan tâm đó là việc coi thi như thế nào để nghiệm thu được sản phẩm chính xác. Ông đồng tình với cách làm của Bộ GD-ĐT, công tác này sẽ có sự phối hợp giữa các Sở GD-ĐT, trường phổ thông và đại học, cao đẳng.

 Tháng 2/2014, Báo điện tử VTC News tổ chức diễn đàn: Hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015.

Tháng 7/2014, Báo điện tử VTC News tổ chức diễn đàn: Tổ chức kỳ thi quốc gia chung 2015 thế nào?

Độc giả góp ý về kỳ thi quốc gia chung 2015 xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
Đây là phương án tốt, có thể ngăn chặn được sự cả nể, coi thi chưa chặt chẽ. Việc coi thi chung giữa hai lực lượng phổ thông và đại học cũng như chấm thi chung giữa hai lực lượng này sẽ tạo ra một kết quả mà xã hội sẽ tin cậy.

Ngoài việc đánh giá, xếp công nhận tốt nghiệp, kết quả của kỳ thi này còn là căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Vì vậy, ông Trung góp ý Bộ GD-ĐT nên quản lý chặt chẽ các trường từ việc xác định chỉ tiêu, tránh tổ chức những kỳ thi trá hình.

Lãnh đạo THPT Lê Lợi cho rằng: “Các trường đại học, cao đẳng chỉ cần sử dụng phương pháp phỏng vấn, bài test nhẹ nhàng là có thể phân loại được thí sinh. Điều đó tránh được tình trạng các em bỏ lò luyện ba chung để sang lò luyện của các trường”.

Vị hiệu trưởng này cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Có thể từ trước tới nay chúng ta quen với con số đỗ gần 100%. Bây giờ, nếu tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, chúng ta cần chấp nhận tỷ lệ đỗ thật. Đó có thể là 70% hay là 50% thì chúng ta vẫn vui vẻ và đáng mừng”.

Để giảm sức ép trượt - đỗ tốt nghiệp THPT và tạo điều kiện cho các học sinh, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo chung, học sinh sau khi hoàn thành chương trình THPT xong, với những em tổng kết có học lực trung bình lớp 12 và cả 3 năm có thể cấp chứng chỉ hoàn thành xong chương trình phổ thông. Chứng chỉ này có giá trị lập nghiệp học trung cấp, học nghề, hoặc tham gia vào lực lượng vũ trang.

Theo ông Trung để chất lượng giáo dục thay đổi là cả một quá trình chuyển mình kéo dài từ 15-20 năm, không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên những gì cần thiết phải làm thì toàn ngành và xã hội cần chung sức tạo nên sự đột phá.

Học sinh cần được đào tạo toàn diện

Chia sẻ thêm về thực trạng giáo dục, ông Lê Xuân Trung nhận định: “Thế hệ trẻ Việt Nam đáng báo động, không chỉ ở phổ thông mà thậm chí là tri thức nói chung như trình độ ngoại ngữ, tin học còn rất yếu.

Kỳ thi quốc gia 2015
Thạc sỹ Lê Xuân Trung cho rằng học sinh Việt Nam cần được đào tạo và đánh giá toàn diện
Việc nguồn nhân lực của Việt Nam không thể và khó hội nhập quốc tế do trình độ chuyên môn đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu và yếu kém về ngoại ngữ - công cụ hội nhập”.

Theo ông, lâu nay do quan niệm học ứng thi, trọng bằng cấp và kỳ thi đại học lại diễn ra theo khối đã trở thành tiền đề khiến giáo dục trong nhà trường bị lệch. Hầu hết các trường đều tổ chức theo ban A, B, C, D. Từ đó các em cũng chỉ học những môn mình sẽ thi còn các môn khác biết rất sơ sài.

Vì vậy, ngoài việc cung cấp kiến thức, vị lãnh đạo này luôn trăn trở giúp học sinh có được sự phát triển toàn diện, xây dựng những kỹ năng cần thiết cho các em như giao tiếp, thuyết trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vị hiệu trưởng này khẳng định: “Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung chính là tiền đề đổi mới để nhìn nhận lại cách làm giáo dục của nước ta hiện nay”.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn