Kỷ niệm mùa thi: Bị điểm 0 vẫn là thủ khoa

Giáo dụcThứ Sáu, 03/06/2011 09:23:00 +07:00

(VTC News) - Cứ đến mùa thi, tôi lại nhớ tới một kỉ niệm của mình ngày thi vào đại học. Đó là kì thi vào khoa Văn trường ĐHSP Vinh, khóa học 1969-1973.

(VTC News) - Cứ đến mùa thi, tôi lại nhớ tới một kỉ niệm của mình ngày thi vào đại học. Đó là kì thi vào khoa Văn trường ĐHSP Vinh, khóa học 1969-1973.

Hồi bấy giờ không thi tuyển như hiện nay, mà nhà trường giao cho khoa tổ chức kiểm tra hai môn Văn, Toán; sau xét lấy đỗ theo số lượng cho phép từ trên xuống.

Bấy giờ tôi vừa ở chiến trường về, chân ướt chân ráo mang ba-lô đến xin đăng kí thi vào khoa Văn. Do bỏ học đã ngót chục năm, nên buổi sáng kiểm tra môn Toán, tôi rất bí, nhìn vào đâu cũng thấy khó, đành bó tay, ngồi im lặng. Thằng bạn cùng làng cũng vần S ngồi một bên bảo tôi cố gắng làm bài, không giải được cả thì cũng cố làm lấy cho được một hai câu kẻo bị điểm “chết” (tức điểm 0), mà dính “điểm chết” một trong hai môn, là hỏng ngay, quy chế thi như vậy. Tôi vẫn ngồi yên, không buồn cầm bút.

Thấy thời gian làm bài đã sắp hết, mà tôi vẫn để giấy trắng, hắn chìa ngay tờ giấy nháp của mình cho tôi, bảo nhỏ tôi nhanh nhanh chép lấy. Tôi vẫn ngồi yên, nghĩ nếu trật thì thôi, chứ không thể quay cóp như vậy. Quả tình tôi thấy xấu hổ, nếu phải làm cái chuyện ”quay bài” mà sau này ra trường làm thầy giáo, lại có thể khuyên học sinh nghiêm túc học hành được hay sao? Người thầy tương lại phải là người mẫu mực ngay khi còn đi học, đi thi…Thế là tôi để giấy trắng hoàn toàn môn Toán!
Cứ đến mùa thi, tôi lại nhớ tới một kỉ niệm của mình ngày thi vào đại học - Ảnh minh họa 

Chuyện này trong phòng thi, và cả các phòng khác sau đó đều biết. Sau buổi kiểm tra, ai cũng cười bảo ông bộ đội nên vô lại chiến trường đi, trượt vỏ chuối là chắc chắn rồi, còn ngồi đó làm gì! Tất nhiên tôi cũng hơi buồn, nhưng cái tính ngang ngang của mình cộng với lòng tự trọng khiến tôi cũng cứ bình thường, nếu buồn lo, thì tôi đã không làm như vậy…

Buổi chiều, kiểm tra môn Văn. Có hai đề chọn một. Tôi chọn đề về điển hình Chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Biết chắc sẽ hỏng, nhưng tôi vẫn làm bài Văn. Và tôi làm với cả lòng say mê cùng những kiến thức học được cũng như những ngẫm nghĩ về nhân vật này trong tâm thức lâu nay.

Ngày học phổ thông, tôi học khá giỏi môn Văn, và say mê, cùng nhiều mơ ước, nhưng đã phải ngừng con đường học hành sau khi tốt nghiệp phổ thông để đi kháng chiến…

Chính điều này đã khiến tôi quên mọi chuyện, tôi làm bài Văn vượt cả ngoài chuyện đi thi, mà là đang viết văn thì đúng hơn, cụ thể là viết một bài phê bình về tiểu thuyết Tắt Đèn. Tôi viết một mạch từ lúc ngồi vào bàn cho đến lúc thầy giáo thu bài. Có lẽ thế nên bài viết của tôi là bài vừa có độ dài, vừa chất lượng (sau này nghĩ lại, hình như trong bài tôi đã có đề cập đến những vấn đề mà những bài phê bình viết về nhân vật này lúc đó chưa đụng đến?). Làm xong bài văn, tôi thấy rất sảng khoái, như trút được gánh nặng nào đó.

Một tuần sau, nhà trường công bố kết quả kiểm tra, công bố danh sách trúng tuyển. Tôi bị điểm “không” môn Toán, nhưng Văn lại 9 điểm với thang điểm 10, cao nhất toàn khoa, gọi là “thủ khoa”.

Thầy giáo Hoàng Tiến Tựu (nay đã mất), Trưởng khoa Văn, dừng lại nói rõ trường hợp cá biệt của tôi, đó là trường hợp đậu đặc cách duy nhất từ khi thành lập khoa Văn của trường. Ông còn bảo ngày trước giáo sư Đặng Thai Mai cũng đậu đặc cách thế này khi thi vào đại học…Biết tin có một thí sinh kiên quyết không quay cóp môn Toán trong thi cử khiến nhiều người rất nể, thậm chí cho là lạ lùng…Thế là tôi đậu, vào học nghiêm chỉnh, rồi tốt nghiệp ra trường, đi dạy.

Đời tôi đến nay đã qua nhiều thăng trầm. Ngót chục năm cầm súng, gần ba mươi năm làm thầy giáo (là Nhà giáo Ưu tú), vừa làm một nhà văn, cuộc đời có rất nhiều kỉ niệm, song nhớ nhất, vui nhất, vẫn là câu chuyện trên.

Hoàng Thái Sơn


Bình luận
vtcnews.vn