Kỳ nhân Nguyễn Bảo Sinh và 'thần kê' Ô Mướp

Thể thaoThứ Sáu, 27/01/2017 07:30:00 +07:00

Nguyễn Bảo Sinh không chỉ nổi tiếng đất Hà thành là “vua chó mèo” mà còn là một tay chơi gà chọi cự phách, từng luyện nên "thần kê" Ô Mướp.

“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà” - Ấy là bốn câu thơ thâu tóm tam thú, tam nghiệp đã vận vào ông Nguyễn Bảo Sinh khiến ông “bơ phờ”, và biến ông thành kỳ nhân đất Hà thành.

Trong tam thú, tam nghiệp của ông, tôi mộ nhất thú/nghiệp chọi gà.

Một người bạn của ông là nhà thơ Lê Kim Giao, không biết có phải cũng mộ ông lắm lắm hay không mà phóng bút, liệt chọi gà vào một thứ đạo, gọi là “Kê đạo” (đạo gà).

Thực tình, tôi chẳng coi đó là đạo, và nghe đến cái “đạo gà” này, tôi thiên về ý nghĩ rằng: Bảo Sinh vốn là nhà thơ – thiền, được người đời gọi là nhà thơ dân gian, nên khi đả động tới ông, bạn bè ông ai cũng “nhiễm” chút trào phúng hoặc huyền ngôn?

ky-nhan-nguyen-bao-sinh-va-than-ke-o-muop-1

Ông Nguyễn Bảo Sinh (Ảnh: Thành Phạm) 

Từ chơi gà kiểu ĐạtMa Thiền Sư

Tiếp tôi ở tầng 1 của “Khách sạn Chó Mèo”, ông Bảo Sinh hồ hởi lắm. Sau một tràng sách vở, thơ - thiền, tôi và ông vào chuyện. Vốn đinh ninh như lời hẹn, rằng tôi qua nhà ông hỏi chuyện đấm bốc, ông vỗ đùi: Muốn nghe bác kể chương, hồi nào của đấm bốc?

“Vâng! Cháu muốn hỏi bác về chơi gà kiểu Ðạt Ma thiền sư” – tôi trả lời còn ông tá hỏa vì chủ đề không ăn nhập.

Thế nhưng, trong nụ cười của ông, tôi nhận thấy một niềm hứng khởi lạ kỳ, và rồi thể nào chuyện gà chọi cũng khiến ông thông thốc hơn cả chuyện đấm bốc.

Y rằng, ông kể bằng cách… tặng tôi một cuốn sách nhỏ (không xuất bản) đã mở tới trang 28.

Sách viết về sự phân loại mẫu người đam mê gà và kiểu chơi gà do nhà thơ Lê Kim Giao chắp bút. Ở phần này, ông Bảo Sinh được xếp vào loại hết sức hiếm hoi – Loại chơi gà kiểu Ðạt Ma thiền sư.

Sách viết: “Ðó là người nuôi gà, luyện gà cẩn thận hơn ai hết. Một mình say mê xem cả hai con gà, hai võ sĩ thực sự hết tài, hết lực thi đấu. Quan sát chúng và suy ngẫm sâu sắc, tìm ra phần triết học của cuộc đời.

Họ biết rõ vì đâu hai chú gà cứ thấy nhau là phải quyết đấu, phải một chú chết hoặc chạy (kỳ tẩu, kỳ tử)… Họ lại có thể từ quan sát cách giao đấu của gà với chiếc khoeo gối ngược với người để tìm ra các thế võ hiểm – ví như cú đá ngược gập khoeo chân của võ thuật hiện hành – hoặc tìm ra cách thăng bằng trọng tâm để luôn giành thế thượng phong, rồi ép địch thủ vào thế hạ phong.

Rồi từ thế lấn cổ của gà có thể tìm ra cách sử dụng cổ tay đu đẩy và linh giác của võ.

Rồi cả chuyện niềm tin. Người ta đổ niềm tin vào một chú gà chọi huyền diệu nào đó (đổ tất cả vốn liếng, gia tài…) và bỗng một sớm bất hạnh, chú gà thua trận, niềm tin ấy tan vỡ… họ đau khổ chấp nhận và tự nhiên thay, họ lại đi tìm một niềm tin khác…

Nhìn đôi chân gà chọi, họ có thể suy ngẫm về tự tánh, tính bản thể của sự sinh tồn, ví như bảo vệ chủ quyền có thể là đạo của gà, của châu chọi Ðồ Sơn, của người, của sinh tồn, của vũ trụ...

Dĩ nhiên, loại này hiếm lắm. Ở Hà Nội có lẽ chỉ có một nhân vật như vậy. Ông đủ giàu có để có thể nuôi một lúc 40 con gà chiến, thuê hẳn 3 người lão luyện chăm sóc, om bóp, vần tập nhưng không bao giờ thèm ra sới, tỷ đẩu thắng thua.

Bạn bè thích ư? Cứ việc đến mượn gà chiến, mang ra sới mà thi đấu. Ông ngồi nhà vì yên trí đã nắm được cái hay, cái dở của gà mình rồi, thua được không còn gì quan trọng nữa”.

the-da-loi-da-cua-ga-choi

 Chọi gà là một trò chơi dân gian rất phổ biến ở Việt Nam

Đến luyện nên "thần kê" Ô Mướp

Theo kiến giải ngàn xưa, bất cứ một tay nuôi gà chọi nào đều phải cắt lông, om chườm rất công phu. Ấy là cách nuôi gà chọi bằng lý trí, bằng khoa học. Còn ông Nguyễn Bảo Sinh cho rằng tất cả ý chí con người đều thua sự đào luyện của tạo hóa. Vì thế, ông nuôi gà theo đạo thiền, ông “giao” cho ông trời nuôi gà chọi hộ và ông trời đã luyện nên thần kê Ô Mướp.

Ðây là con gà chọi nổi danh nhất Hà Nội nửa thế kỷ trước và gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Bảo Sinh. Hàng ngày, ông Bảo Sinh để cho Ô Mướp tự đi kiếm ăn trong vườn và đến tối dù mưa giông, gió bão, Ô Mướp cũng chỉ ngủ trên ngọn tre giữa trời.

“Tôi hiểu đạo trời, nên nhờ ông trời, dựng nắng mưa, gió rét để luyện Ô Mướp. Ô Mướp về sau đã có sức mạnh bất khả kháng, thắng đối thủ như một thần kê đến từ ngoài vũ trụ” – ông Sinh tự tin ca ngợi gà chiến của mình.

Kỳ quặc ở chỗ, khi Ô Mướp ra sới, ông Bảo Sinh không bao giờ đi theo. Ngoài sới, Ô Mướp thường chấp địch thủ to hơn 7-8 lạng nên hay bị kém đòn, yếu thế. Cuối trận đấu nó mệt quá, nằm hẳn xuống đất nghỉ ngơi, mặc cho đối phương đánh đòn túi bụi vào đầu, vào mình. Lúc bấy giờ, ông Bảo Sinh mới lững thững xuất hiện, ông nhìn kỹ một lát rồi ung dung quay về nhà, vẻ yên chí.

Quả nhiên, chỉ ít phút sau Ô Mướp của ông vùng dậy, đâm một cựa kinh hoàng! Không phải một trận mà đến ba trận như thế:

Trận đầu Ô Mướp gặp Tía của Thành “bốt điện” hay nhất vùng quai đê Ðại Cồ Việt do tay chơi nổi tiếng Lân Gạo cầm gà. Trận này, Tía bị đâm vỡ sọ, máu phu phè phè, bỏ chạy ngay.

Trận thứ 2, Ô Mướp gặp Tía Sao Ðỏ của tập đoàn Bưởi nổi tiếng - Tương Giá. Trận này Ô Mướp chấp danh kê Tía Sao Ðỏ hẳn nửa cân. Giới gà chọi ngày đó không ái dám chấp danh kê đến nửa cân thịt mà đánh bằng. Thế mà Ô Mướp vẫn chấp.

Tía Sao Ðỏ của Tương Giá ra đòn như tên bay, điện giật, tưởng là ăn sống nuốt tươi Ô Mướp. Hiệp 5, Tía Sao Ðỏ đâm Ô Mướp một cựa xiên qua da đầu, cựa cắm xuống đất, Ô Mướp nằm phủ phục. Cả sới hò hét đến vỡ trời. Ô Mướp giả vờ giãy chết rồi bất thình lình đứng dậy, đá một cựa giữa tim Tía Sao Ðỏ, Tía Sao Ðỏ phùng to như quả bóng, giãy đành đạch vừa lê, vừa chạy.

Trận 3, Ô Mướp gặp Tía Cười của cánh Nguyệt Hàng Mã. Nguyệt chơi gà từ thời Pháp, người thấp đậm, quắt thước, mệnh kim trông như cục sắt. Trận đó, Nguyệt biết tài Ô Mướp, nên bắt Ô Mướp chấp đến hơn nửa cân.

Trận này, Ô Mướp thắng một cách đơn giản. Hiệp 4, Tía Cười mất mắt; hiệp 5 Tía Cười chạy kêu. Không ai ngờ, Tía Cười to cao như quả núi lại thua con chuột nhắt Ô Mướp. Ðúng là “Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”.

Ô Mướp trở thành thần kê, quỷ kê khiến không có đối thủ nào dám gặp. Cuối cùng Thúc Phùng mang một con gà khổng lồ là Bịp Phúc Ỳ ra ghép với con chuột nhắt Ô Mướp. Ông Sinh không chọi, các chiến hữu của ông Sinh quá mê Ô Mướp nên đã mua gà của ông Sinh với giá trên trời để chọi.

Phen này Ô Mướp gặp khó vì đối thủ siêu cường đánh cho nằm phủ phục tưởng như thua. Nhưng kỳ lạ thay, giữa lúc bị dồn vào thế chân tường, Ô Mướp tung hứng, tự nhảy lên cao, khi rơi xuống cựa cắm vào bàn chân của Bịp Phúc Ỳ, khiến Bịp Phúc Ỳ què một cẳng và Ô Mướp lại lấy được thế thượng phong. Trận đấu sau đó hòa. Vì quá đau, về nhà cả hai con cùng chết. Nhưng với cú đâm cựa độc đáo vào loại trăm năm chỉ có đến một lần của Ô Mướp mà Ô Mướp đã lưu danh mãi về sau.

Cho đến năm 2006, sau gần nửa thế kỷ trôi qua, người chơi gà chọi nổi tiếng nhất ở Hà Nội như Quang Lốp vẫn bàng hoàng nhớ lại chiến thắng của Ô Mướp.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn