Kỳ lạ siêu thị chỉ bán thực phẩm vứt đi ở Đan Mạch

Kinh tếThứ Tư, 02/03/2016 05:00:00 +07:00

Một loại siêu thị chuyên bán và chỉ bán thực phẩm thừa có tên là WeFood vừa xuất hiện ở Đan Mạch,

(VTC News) - Một loại siêu thị chuyên bán và chỉ bán thực phẩm thừa có tên là WeFood vừa xuất hiện ở Đan Mạch, với mục đích giảm bớt được phần nào lượng thực bị lãng phí lên tới hơn 700.000 tấn mỗi năm tại nước này.

Lãng phí thực phẩm thừa vẫn luôn là một trong những nỗi nhức nhối lớn nhất của nhân loại trong thời đại hiện nay.

Trong khi 800 triệu người vẫn phải nhịn đói mỗi ngày (con số thống kê trong năm 2015), ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu vẫn đang bị lãng phí một lượng thực phẩm có giá trị lên tới khoảng một nghìn tỷ USD. 30% trong số đó là những thực phẩm mà người ta thậm chí chưa một lần đụng đũa.

Giờ đây, một siêu thị ở Đan Mạch đã xuất hiện để góp phần giải quyết được hiện tượng này, với tên gọi là WeFood - chuyên bán và chỉ những loại thực phẩm thừa, bị vứt đi.

Siêu thị WeFood này chính thức mở cửa vào đầu tuần này tại Copenhagen, sau khi Folkekirkens Nødhjælp - tổ chức phi chính phủ xây dựng nên siêu thị này đã kêu gọi quyên góp trong quần chúng thành công.
Một đám đông chờ đợi trên vỉa hè trên đường Copenhagen để chờ WeFood mở cửa
Bên trong siêu thị WeFood
Bên trong siêu thị WeFood 
Theo tờ Huffting Post của Canada, siêu thị này được điều hành bởi các tình nguyện viên và chỉ bán các loại thực phẩm dư thừa, quá hạn nhưng vẫn còn sử dụng được hoặc là những thực phẩm được xem như hàng thải tại các cửa hàng tạp hóa, với mức giá đã được giảm khoảng 30 - 50%.

Ví dụ một cân táo có giá khoảng 2,5 USD tại một cửa hàng tiêu chuẩn, nhưng tại WeFood thì chỉ có giá khoảng 1,5 USD.

"Mọi người vẫn có thể ăn thức ăn một cách an toàn sau khi nó đã qua ngày "sử dụng tốt nhất", giám đốc truyền thông của WeFood, Jutta Weinkauff chia sẻ với Tech Insider, "những loại thực phẩm như vậy sẽ không được bán tại các siêu thị, nhưng sẽ được bán tại WeFood".

"Nếu như trong một hộp trái cây có một vài quả xấu thì siêu thị sẽ dành thời gian để phân loại và lựa chọn những quả xấu đó đem về siêu thị bán", Weinkauff nói.
Những loại thực phẩm có nguy cơ bị cho vào sọt rác nay sẽ được bán ở WeFood với giá siêu rẻ
WeFood tập hợp những loại thực phẩm như vậy từ các chợ, cửa hàng thịt và các cửa hàng thực phẩm xuất nhập khẩu ở địa phương.

Phần lớn các sản phẩm là những loại được trồng tại các trang trại, tuy nhiên lại không được đem ra bán với nhiều lý do như bị dập, nát...


"WeFood là siêu thị đầu tiên của loại hình này ở Đan Mạch và có lẽ là cả ở trên thế giới, vì nó không chỉ nhằm vào những người mua hàng có thu nhập thấp, mà còn cho bất cứ ai quan tâm về số lượng thực phẩm dư thừa mỗi ngày tại đất nước này", một tình nguyện viên của siêu thị này giải thích.

Một báo cáo độc lập hàng năm cho biết, Đan Mạch "sản xuất" ra khoảng hơn 700.000 tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm, mặc dù nó đã giảm xuống 25% khi tính ra giá trị tiền mặt trong năm qua.

Lợi nhuận của siêu thị sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án tại các nước đang phát triển của Folkekirkens Nødhjælp.

Trong buổi khai trương có sự xuất hiện của Công chúa Đan Mạch Marie và Eva Kjer Hansen, Bộ trưởng cho thực phẩm và môi trường.

Bộ trưởng này còn phát biểu rằng: "Thật là lố bịch khi thực phẩm bị vứt đi hoặc bị lãng phí. Nó có hại cho môi trường và hoàn toàn có giá trị về vật chất. Một siêu thị như WeFood sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa và là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lãng phí thực phẩm ".

Các nước khác cũng đang nỗ lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực dư thừa, mà đáng chú ý nhất là mới đây Pháp đã nhất trí thông qua một dự luật để coi việc vứt thải thực phẩm ăn được của các cửa hàng tạp hóa là một hành vi bất hợp pháp có thể bị xử phạt nặng.

Canada cũng là quốc gia lãng phí khoảng 31 tỷ USD thực phẩm dư thừa. Trong khi quốc gia này lại không có luật về thực phẩm dư thừa thì đã xuất hiện một tổ chức "giải cứu thực phẩm" như Second Harvest, giúp tiết kiệm khoảng 7 triệu bảng giá trị thực phẩm ở Toronto mỗi năm và vận chuyển chúng đến hơn 200 cơ sở dịch vụ xã hội xung quanh thành phố.

Với sự đóng góp từ các nhà bán lẻ thực phẩm, các nhà sản xuất, nhà hàng và các nhà cung cấp thực phẩm, tổ chức Second Harvest đã đóng góp cho xã hội khoảng 22.000 bữa ăn mỗi ngày.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn