Kỳ lạ nơi phụ nữ lấy được chồng nhờ vết hằn trên trán

Phóng sựThứ Bảy, 05/03/2016 06:35:00 +07:00

Vết hằn trên trán, màu da rám nắng của vầng trán người phụ nữ là điều kiện tiên quyết để người đàn ông ở vùng đất Lao Chải quyết định lấy cô gái làm vợ

Vết hằn trên trán, màu da rám nắng của vầng trán người phụ nữ là điều kiện tiên quyết để người đàn ông ở vùng đất Lao Chải quyết định có lấy cô gái làm vợ hay không.


Thiếu phụ Lý Thị Mò (ở bản Lao Chải) năm nay mới ngoài hai mươi nhưng gương mặt khắc khổ hơn so với tuổi. Một nách 3 con nhỏ, cô phải gánh vác đủ mọi việc trong nhà, trong đó công việc chiếm nhiều thời gian và công sức nhất là đi lấy củi. 

Chồng Mò là anh Phù A Vu, hàng ngày chỉ có việc ở nhà trông con, uống rượu và đến mùa thì làm nương. 

Khi được hỏi sức dài vai rộng thế sao không cùng vợ đi lấy củi, anh Vu cười vô tư bảo: “Cũng thương vợ lắm, nhưng ở đây bao đời là vậy, đàn ông lo việc lớn trong nhà, còn lấy củi là việc của đàn bà”. 

Ở vùng đất chỉ có gió lạnh và sương muối này, những phụ nữ như Mò phải chấp nhận kiếm củi mưu sinh từ khi còn là đứa trẻ lên 6, lên 7. Chúng tôi thường gọi họ là những nữ tiều phu, cả đời lam lũ, gương mặt cúi gằm, ánh nhìn khép nép và dáng đi cứ đổ rạp về phía trước. 

 

Lưng gùi củi, tay thoăn thoắt đan len, Mò tâm sự với phóng viên hết sức vui vẻ, không chút xót xa, tủi phận: Từ nhỏ em đã được mẹ dạy cách lấy củi, gùi củi bằng trán. Mò không còn nhớ đã gùi bao nhiêu gùi củi, đi bộ bao nhiêu kilômét, nhưng từng ngõ ngách của khu rừng già Y Tý này, Lý Thị Mò thuộc như lòng bàn tay. 

Mẹ từng dạy em củi là nhu cầu sống còn, chừng nào người Hà Nhì còn đốt lửa nấu ăn, sưởi ấm thì chừng đó phụ nữ Hà Nhì phải luẩn quẩn với kiếp tiều phu từ đời này qua đời khác.

Nếu bạn lên các bản làng vùng cao, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ khom lưng, nhọc nhằn vì những gùi củi trĩu nặng trên vai, trở về nhà sau 1 ngày lao động mệt mỏi; những vệt mồ hôi lăn dài trên đôi má ửng hồng của họ… Cuộc sống của người phụ nữ Hà Nhì nơi “xứ sở sương mù” này cũng vậy. Sáng sớm, khi đất trời Y Tý vẫn còn lạnh tê người, những thiếu phụ như Lý Thị Mò đã phải thức giấc, sau khi chuẩn bị cho gia đình bữa ăn sáng, họ vội vàng một tay đỡ gùi lên lưng, một tay cầm nắm cơm rồi nhanh chóng cất bước vào rừng. 

Phụ nữ Hà Nhì lấy củi rất khéo, với những thân cây lớn, họ dùng dao đóng những cái nêm vào gốc cây rồi khéo léo bóc từng thớ củi, nêm chặt vào gùi. Những gùi củi cao quá đầu người nhưng đôi chân họ vẫn đi thoăn thoắt hàng chục kilômét đường rừng. Thậm chí, đến lúc nghỉ ngơi, họ cũng không rời gùi củi. 

Có lẽ vì công việc vất vả và lam lũ đó mà đến bộ trang phục của phụ nữ Hà Nhì cũng độc đáo. Vạt áo đằng sau dài gần quá khoeo chân, để “khi mệt có thể ngả lưng vào vách núi hay gốc cây mà nghỉ, thay cho tấm chăn. Khác với các dân tộc khác, phụ nữ Hà Nhì địu củi bằng trán. Chỉ với miếng vải vắt ngang trán, toàn bộ gùi củi nặng dồn lên trán qua dây đeo.Vậy nên đàn ông Hà Nhì chọn vợ không hẳn vì vẻ đẹp hình thức mà nhìn vào vết hằn trên trán để biết được sức chịu đựng dẻo dai của cô gái đó.

Theo quan niệm của họ, người phụ nữ đẹp là người có vết hằn sâu giữa trán, vầng trán chuyển sang nâu rám do sức chà của dây đeo. Người phụ nữ ấy là người chịu thương chịu khó, lấy củi khéo và chăm chỉ. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, những bé gái đã được bà, được mẹ rèn cho đức tính này. Trẻ em ở đây ngày đi học một buổi, buổi còn lại theo mẹ vào rừng lấy củi.

Giống những nghề truyền thống khác như thêu thùa, đan lát, nghề lấy củi cũng có những kinh nghiệm được truyền dạy từ đời này qua đời khác. Việc chọn củi có nguyên tắc riêng, sao cho củi chặt đều để xếp vào gùi không bị xô lệch, loại cây gỗ được chọn làm củi cũng phải là loại gỗ tốt, khi đun cho lửa bền, than hồng đượm. 

Em Ly Thó Xa (ở bản Hồng Ngài), năm nay học lớp 5, có dáng người nhỏ nhắn nhưng lấy củi nhanh và khéo không thua kém gì các chị, các mẹ. Xa kể, từ khi học cấp 1 em đã cùng mẹ lên rừng. Những ngày đầu tập làm quen với gùi củi, em về đau đầu không ngủ được, nhưng dần dần thành quen. Mẹ dạy em từ cách chọn cây gỗ đến cách bóc tách các lớp gỗ xếp vào gùi. Mẹ bảo, con gái là phải giỏi lấy củi, sau sẽ không phải chịu khổ.

Trước đây, người Hà Nhì còn nghèo đói, củi lấy về để mưu sinh. Họ mang củi ra chợ bán hoặc đổi lấy thóc, gạo. Giờ no đủ hơn, củi chỉ dùng để sưởi ấm và đun nấu. Người Hà Nhì quan niệm càng nhiều củi trong nhà thì càng yên ấm, hạnh phúc, bởi lẽ củi là vật nhen nhóm, sưởi ấm con người trong mùa đông lạnh giá cũng như phục vụ nấu ăn cho gia đình. Bên bếp than hồng, các thành viên trong gia đình cũng xích lại gần nhau hơn. 

Sống nhờ rừng nên người Hà Nhì có ý thức bảo vệ nguồn sống của mình. Khác với các dân tộc khác, người Hà Nhì không bao giờ chặt cây tươi về làm củi. Có những khu rừng cấm chỉ mở cửa mỗi tuần một lần và chỉ được gùi 2 gùi củi khô về chứ không được chặt cây tươi. Đó là lý do bao đời nay, dù sống nhờ rừng nhưng những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ vẫn còn vẹn nguyên, che chở cho những mái nhà tường trình bằng đất.

Xế chiều, khi sương bảng lảng không còn nhìn rõ lối về, chị Lý Thị Mò cùng những nữ tiều phu mới bước thấp bước cao mệt mỏi đi về trên con đường mòn dẫn vào bản. Tấm vải chắn lật phật trong gió lạnh, bỏ lại phía sau lưng một ngày lao động mệt nhọc, các chị lê bước về với gia đình, nơi đàn con thơ và ông chồng đang ngồi đợi sẵn bên mâm cơm nóng hổi cạnh bếp lửa ấm…


Nguồn: Linh Huệ (Pháp luật VN)
Bình luận
vtcnews.vn