Kỳ lạ như cổ phiếu FTM

Kinh tếThứ Ba, 08/10/2019 11:03:00 +07:00

Mã FTM bất ngờ “bẻ lái” tăng kịch trần 7 ngày giao dịch gần nhất, sau khi giảm sàn 30 phiên làm thị giá “bốc hơi” gần 90%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến trường hợp hy hữu như của mã cổ phiếu FTM (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân – Fortex) trong hơn một tháng qua. Cổ phiếu FTM sau pha “đổ đèo” 30 phiên giao dịch liên tục đã bất ngờ “nổi sóng” tăng kịch trần 7 ngày liên tiếp.

FTM

 Cổ phiếu FTM tăng trần sau chuỗi giảm sàn liên tiếp khiến nhiều nhà giao dịch chứng khoán khó hiểu. (Ảnh: FTM)

Trái ngược với sắc đỏ của VN-Index, mã FTM khép lại ngày giao dịch 7/10 với màu tím sẫm - biểu tượng cho mức tăng kịch trần – khi đứng mức 4.400 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương tăng 7%, dù thanh khoản không cao, chỉ đạt hơn 500 triệu đơn vị.

Tính đến hôm qua, cổ phiếu FTM đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp, từ 27/9 – 7/10, với tổng mức tăng gần 60%, tức mỗi cổ phiếu thêm 1.650 đồng. Với 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường FTM tạm ghi nhận mức 222 tỷ đồng.

Trước đó, cổ phiếu FTM khiến cả thị trường choáng váng khi giảm sàn 30 phiên liên tiếp. Từ mức giá 23.650 đồng của hơn một tháng trước đó, cổ phiếu FTM đã mất đi hơn 90%% giá trị, xuống 2.790 đồng vào ngày giao dịch 26/9.

Trong khi bên mua không có cổ phiếu nào thì phía bán lệnh chất như núi. Nhiều phiên, lượng dư bán ở mức giá sàn lên gần 6 triệu cổ phiếu.

Việc lao dốc không phanh của cổ phiếu FTM khiến cho các nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán đang sở hữu và cho vay cầm cố trước đó rơi vào khủng hoảng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải lên tiếng và yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ.

Trong khi thị trường vẫn chưa có câu trả lời cho kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” với 30 phiên nằm sàn liên tục thì mã FTM bất ngờ “bẻ lái” tăng trần liên tiếp.

Đáng chú ý, ngay khi cổ phiếu FTM tăng trở lại, một số cổ đông bất ngờ ào ạt bán ra. Ngày 7/10, ông Lâm Văn Đỉnh, cổ đông lớn FTM có báo cáo giao dịch bán 949.340 cổ phiếu này trong ngày 27/9. Thương vụ thành công, ông Đỉnh bỏ túi hơn 2,8 tỷ đồng. Sau giao dịch, ông Đỉnh đã giảm sở hữu tại FTM từ hơn 4,82 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,66% xuống còn 3,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,76%.

Trước đó một tuần, ông Đỉnh cũng đã có thông báo bán xong 192.890 cổ phiếu FTM, qua đó, giảm sở hữu tại FTM từ hơn 5,14 triệu cổ phiếu xuống còn hơn 4,95 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,91%.

Vào ngày 3/10, ông Nguyễn Chí Cường, một cổ đông lớn khác của FTM đã bán ra hơn 2,38 triệu cổ phiếu FTM trong phiên 27/9, qua đó, giảm sở hữu tại FTM từ hơn 5,33 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,67% xuống còn 2,94 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,89%.

Các ngày giao dịch cổ phiếu của ông Đỉnh và ông Cường đều là những phiên cổ phiếu FTM được bắt đáy mạnh và tăng kịch trần.

Chuỗi lao dốc của cổ phiếu FTM được nhận định bắt nguồn từ việc bị cắt margin. Cụ thể, ngày 16/8, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2019 là số âm.

Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2019 Fortex đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi âm 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 27,5 tỷ đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn