Kỳ lạ cuộc săn loài nấm ‘kỵ hơi người’

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 13/03/2013 06:26:00 +07:00

Thợ hái nấm nhắc không ai được phép ngồi xuống đất, vì nấm ở đây rất kỵ hơi người. Nếu ai đó ngồi xuống thì nấm sẽ không tiếp tục mọc nữa...

Thợ hái nấm nhắc không ai được phép ngồi xuống đất, vì nấm ở đây rất kỵ hơi người. Nếu ai đó ngồi xuống thì nấm sẽ không tiếp tục mọc nữa...


Từ năm 2010 đến nay, thương lái Trung Quốc liên tục thu mua nấm chẹo - loại nấm có màu hồng, mọc dưới tán cây chẹo nên người dân gọi tên là nấm chẹo với giá vài triệu/kg.

Từ đó đến nay mỗi khi vào vụ nấm (tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 âm lịch) dân nghèo lại gồng gánh vào rừng tìm nấm với hy vọng đổi đời. Ngoài bìa rừng, cánh thương lái tranh nhau mua, bán nấm và thanh trừng lẫn nhau theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé".

Băng ngàn tìm nấm

Trời còn mù mịt sương đêm, anh bạn đồng nghiệp lao từ trong chăn ra sốt sắng: "Thôi chết! Mình hẹn cánh săn nấm chẹo vào rừng mà giờ này mới dậy (lúc này tôi nhìn đồng hồ là 4 giờ sáng - PV) không biết giờ này họ đã vào đến rừng chưa".

Không kịp đánh răng, rửa mặt, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp mặc vội quần áo khoác ba lô rồi lôi chiếc xe máy ra nhằm hướng rừng Khe Lép, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn phi tít.

May mắn cho chúng tôi là đã đuổi kịp cánh thợ săn đêm. Tốp săn nấm chỉ có ba người, họ khoác bao tải, túi bóng, cơm nắm và vài can nước lầm lũi đi vào một con đường mòn rồi mất hút sau những tán cây rừng.

Anh bạn đồng nghiệp tấp xe vào ven rừng, bẻ cành cây phủ kín để "ngụy trang" rồi gọi với theo vào bóng tối - nơi ba người thợ săn vừa đi khuất.

Từ trong mịt mùng bóng đêm, có ánh đèn pin lập lòe phía xa chiếu lại, rồi một tiếng người vọng lại: "Nhanh lên!". Ánh đèn lại biến mất, ba người thợ săn nấm lầm lũi đi tiếp.

Nấm mọc dưới tán cây chẹo nên người dân địa phương đặt tên là nấm chẹo 
Chúng tôi phi ẩu qua mấy đám cỏ gai rừng cố đi thật nhanh để theo ba người thợ phía trước. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đuổi kịp họ bên một mô đất bằng phẳng. Lúc này chúng tôi gặp không phải là ba người mà có tới gần 20 người đang tụ tập nghỉ chân chuẩn bị tỏa đi các mỏm núi để tìm nấm.

Anh bạn đồng nghiệp giơ máy ảnh lên chụp, những người dân ào ào phản đối. Có người bảo: "Chúng mày đi cùng chúng tao thì được, nhưng chụp ảnh thì chúng tao không cho chụp đâu". Anh bạn đồng nghiệp đành tắt máy. Lát sau đoàn người tỏa đi các ngả rừng để lùng tìm nấm chẹo. Chúng tôi đi theo ba người dân đã hẹn từ mấy hôm trước.

Anh Hoàng Thế Vinh, một trong số ba người thợ săn nấm cheo cho biết: "Muốn lấy được nấm chẹo thì phải đi thám thính từ nhiều ngày trước đó, đây là loại nấm chỉ mọc dưới tán cây chẹo nên trong rừng Khe Lép cứ chỗ nào có cây chẹo là chỗ đó có nấm chẹo.

Chỗ nào cây chẹo càng to, lá mục rơi xuống càng nhiều thì nhiều nấm... Nấm này sáng mọc chiều tàn, nếu không hái kịp thì nấm sẽ thối hết, vì thế người dân phải đi từ rất sớm cố gắng lấy được càng nhiều nấm loại một càng tốt.

Sau mỗi trận mưa rào trời bắt đầu hửng nắng, có người còn đi từ lúc 2 giờ sáng vào rừng, đến mỗi gốc cây chẹo thấy có phôi nấm thì họ lại giăng màn để ra hiệu là "chỗ này đã có chủ, những người đến sau không được xâm phạm". Vì thế mà có đêm người dân thức trắng đêm để đi săn nấm".

Ăn một bữa nấm giá tới 3 - 4 triệu đồng

Trời ngả về sáng, chúng tôi cùng ba người thợ hái nấm chẹo đến một gò đất ẩm ướt, anh Vinh hô chúng tôi đi nhè nhẹ kẻo không may đạp hỏng nấm. Anh cũng nhắc luôn là không ai được phép ngồi xuống đất, vì nấm ở đây rất kỵ hơi người.

Nếu ai đó ngồi xuống thì nấm sẽ không tiếp tục mọc nữa mà thối luôn, vì thế khi hái nấm thợ chỉ được cúi người xuống dùng hai ngón tay kẹp chắc gốc nấm và vặn một cái để gốc nấm bung ra.
Người hái nấm chẹo phải hái nấm từ khi mới nhú lên khỏi mặt đất để lấy nấm loại 1 
Không có lí giải nào, cũng không có chuyện ma quỷ nào xung quanh kiểu cách hái nấm kỳ lạ trên, chỉ biết rằng người thợ nấm trước khi vào rừng bắt buộc phải biết được những nguyên tắc đó. Nếu không thì người hái nấm sẽ trở về tay trắng.

Anh Vinh chỉ cho chúng tôi thấy những chỗ có nấm, những cây nấm vừa nhú lên khỏi mặt đất, cánh nấm còn vừa chúm chím như nụ hoa, anh Vinh bảo: "Từ giờ đến khoảng 8 giờ sáng nếu hái được nấm là sẽ bán được giá cao vì được liệt vào nấm loại 1.

Nấm loại 1 là loại vừa mới nhú lên khỏi mặt đất cho đến khi cánh nấm vừa mới xòe ra, trên cánh nấm vẫn còn nguyên một lớp phấn trắng như bột trắng bao phủ. Nấm loại hai là những cây nấm đã tan hết phấn đậu trên cánh nấm, nhưng cây nấm thì vẫn còn nguyên hình dạng chưa bị sứt mẻ. Loại ba là nấm nát, mục nấm bị gãy...".

Hiện nay giá của nấm loại 1 thu mua tại rừng lên đến 500.000 - 700.000đ/kg. Nấm loại 2 có giá khoảng 400.000đ/kg, nấm loại 3 giá khoảng 200.000đ/kg. Nếu một người dân đi vào rừng săn nấm sớm thì mỗi ngày có thể hái được 5 - 7kg nấm, tương đương khoảng 3 - 4 triệu đồng/ngày. Nếu nấm khô thì có giá đắt hơn nhiều nấm tươi. Nấm chẹo khô được thu mua với giá 2 - 4 triệu đồng/kg tùy tường loại.

Tuy nhiên, mỗi năm loại nấm này chỉ mọc 2 lần vào khoảng thời gian tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 âm lịch. Mỗi vụ nấm chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. Chính vì thế mà người săn nấm phải theo dõi nấm mọc rộ vào thời điểm nào để đi hái đúng lúc, chỉ cần chậm chân một ngày thì coi như đã thất thu.

Anh Vinh bảo: "Cách đây mấy năm khi nấm còn rẻ, người dân đi hái nấm về ăn, nhưng giờ giá nấm rất đắt có nhà dù thèm nấm lắm cũng cố bóp mồm bóp miệng không dám ăn để bán cho thương lái với giá cao. Ăn một bữa nấm giá tới 3 - 4 triệu đồng thấy xót lắm".

Cuộc chiến của các "lão pản"

"Lão pản" là cái tên mà người dân gọi các ông trùm buôn nấm, họ có tiềm lực kinh tế thâu tóm gần như toàn bộ thị trường nấm chẹo hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở huyện Đình Lập có non chục người được coi là "lão pản". Họ thống trị thị trường đầu ra và ra sức chén ép, tiêu diệt những ông chủ nhỏ đang tìm cách vươn lên.

Anh Vi Văn Khôi, một ông chủ nhỏ ở huyện Đình Lập cay đắng kể lại câu chuyện sạt nghiệp vì bị các "lão pản" chơi khăm. Đó là vụ nấm hồi tháng 3 - 4/2012. Sẵn có máu làm ăn, anh dồn hết tiền mà hai vợ chồng mấy chục năm tích cóp được đem đi buôn nấm.

Anh mua nấm rất phóng khoáng giữa loại 1, 2 và 3, thậm chí anh còn có chiêu mua "đổ đồng" với giá cao nên người dân rất thích bán nấm cho anh. Một thời gian ngắn sau đó, các "lão pản" không thấy dân đem nấm đến bán liền tìm hiểu thông tin và "xuất chiêu độc".

Theo đó, các "lão pản" tung hô là thu mua nấm với giá cao hơn anh Khôi. Để chạy đua với các "lão pản" anh Khôi cũng đẩy giá thu mua cao bằng giá của các "lão pản". Thấy anh vẫn chạy đua mua nấm, các "lão pản" liền lấy một khối lượng lớn nấm của mình đem phân chia nhỏ ra rồi cho người đi bán lại cho anh Khôi. Vì máu liều, anh Khôi vay ngân hàng, bạn bè, bán cả trâu bò đi để "lấy vốn làm ăn".

Nhưng anh đã "sập bẫy" của các "lão pản". Khi bán nấm, đầu mối bên Trung Quốc vẫn chỉ mua hàng của anh với giá như cũ vì họ đã cấu kết với các "lão pản". Các "lão pản" lại ung dung thu được khoản lời lớn từ anh Khôi. Anh Khôi sạt nghiệp chỉ trong vài tháng buôn bán, số vốn hơn 300 triệu đồng vợ chồng anh tích cóp được cũng ra đi cùng nấm.

TheoKiến thức
Bình luận
vtcnews.vn