Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13: Thêm 1 cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm

Thời sựThứ Sáu, 17/10/2014 05:02:00 +07:00

(VTC News) - Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

(VTC News) -  Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8.

Chiều 17/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa 13. Ngày 20/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 13 sẽ chính thức khai mạc tại trụ sở Nhà Quốc hội mới.

Đây là kỳ họp có thời lượng dài nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay (dự kiến 35 ngày làm việc chính thức) với số lượng lớn các dự án luật được thảo luận thông qua và cho ý kiến nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của các phóng viên về nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 13 (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật liên quan tới việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 là một trong những nội dung quan trọng.

Đặc biệt, sau lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, nhận được sự đồng thuận lớn của cử tri, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và ra Nghị quyết (sửa đổi) về nội dung này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Ông Phúc cho rằng vấn đề này đã được Trung ương bàn rất kỹ. Dư luận xã hội và các đại biểu cần phải hiểu sự khác nhau lấy phiếu và bỏ phiếu. Nếu là bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ cần 2 mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm cần 3 mức để đánh giá khảo sát. Đây là một kênh để chúng ta đánh giá cán bộ”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Ông Phúc cũng thông tin thêm, vừa qua một số đại biểu, cử tri cũng kiến nghị chỉ nên để 2 mức lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, kỳ họp Quốc hội vừa qua chỉ có 3% đại biểu phát biểu. Trong kỳ hợp tới, các đại biểu sẽ phát biểu thêm về nội dung này.

Danh sách cán bộ lấy phiếu tín nhiệm lần này có bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết đồng chí Nguyễn Đức Hiền hiện tại đã có đủ thời gian theo quy định nên lần này được bổ sung vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm. Hiện tại, số lượng cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm là 50 đồng chí.
lấy phiếu tín nhiệm
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm chiều 10-6-2013 - Ảnh: Việt Dũng 
Tiếp theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiếp tục nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần Đảo Trường Sa.

Trước câu hỏi của phóng viên xoay quanh phiên họp của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết phiên họp này vẫn là phiên họp kín.

Lý giải về điều này, ông Phúc cho rằng khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, các đại biểu Quốc hội sẽ cùng bàn bạc các giải pháp để giải quyết vấn đề này nên cần phải được bí mật. Đây cũng là cách làm theo thông lệ quốc tế.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật.

Các dự án luật quan trọng sẽ được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp này liên quan tới hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước như: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi),…

Những đạo luật về kinh tế cũng được giới doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm như Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế…

Chuẩn bị cho Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án Luật sẽ được trình bày tại kỳ họp.

Theo sự phân công, những Báo cáo quan trọng tổng hợp nhất của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp số liệu từ các bộ, ngành liên quan chuẩn bị.

Theo đó, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dự báo có 12 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là tạo việc làm và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến khác nhau thời gian qua đó là Tờ trình của Chính phủ về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cũng tại Kỳ họp này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội về tình hình xây dựng Nhà Quốc hội.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn