Kỳ án khó tin về mối tình kẻ trộm và kẻ tòm tem (kỳ 1)

Pháp luậtThứ Bảy, 29/10/2011 12:23:00 +07:00

Ông phải lòng cô hàng xóm kém ông gần 20 tuổi. Mối tình vụng trộm này đã dẫn đến một vụ án bi hài đến mức khó tưởng tượng...

Mối tình vụng trộm này đã dẫn đến một vụ án bi hài đến mức khó tưởng tượng.


Ông Nguyễn bị bắt trói và ngồi trên bộ bàn ghế này viết tường trình vì quan hệ bất chính 
Ông Nguyễn (tên các nhân vật chính trong bài đã được đổi) nguyên là Xã đội trưởng xã Y, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Gần 50 tuổi, ông là người đàn ông mẫu mực với vợ con, xóm làng. Ở cương vị một đảng viên, cán bộ chính quyền, ông được nhiều người vị nể vì bản tính nghiêm túc, thẳng thắn, đàng hoàng, nhiệt tình với công việc. Thế rồi trời xui đất khiến, ông phải lòng cô hàng xóm kém ông gần 20 tuổi. Mối tình vụng trộm này đã dẫn đến một vụ án bi hài đến mức khó tưởng tượng.

Tín hiệu của tình yêu

Vào một đêm đầu tháng 6-2001, ông Nguyễn (SN 1954) trong lúc đi canh vườn phát hiện một bóng đen đang lúi húi trong vườn su hào nhà mình. Ông nghĩ đích thị là một tên trộm. Kẻ nào dám cả gan đêm hôm khuya khoắt vào trộm, phá vườn nhà một xã đội trưởng như ông vậy? Ông Nguyễn nhón nhẹ chân, núp sau mép mương quan sát rồi bất thình lình lao ra tóm cổ tên trộm. Ông chựng lại. Kẻ trộm là phụ nữ, đáng ngạc nhiên hơn lại là cô Thắm, hàng xóm chung ranh đất với nhà ông.

Cô Thắm sợ run bần bật với những bó su hào tang vật còn nguyên trên tay: “Em xin anh nể tình làng xóm tha cho em. Ơn này em xin ghi nhớ và đền đáp”. Trái với ý định sẽ tri hô, nạt nộ, ra oai với kẻ trộm, ông Nguyễn chưng hửng trước lời thú tội nhẹ nhàng của cô Thắm. Ông buông tay cô rồi nói: “Thôi, cô về đi. Cầm luôn mớ su hào về nấu cho các cháu”. Cô Thắm cũng bất ngờ vì được tha quá dễ dàng, lòng thầm biết ơn ông Nguyễn vì đã không làm cô phải một phen bẽ mặt với chồng con, lối xóm. Ông Nguyễn giữ bí mật về vụ bắt trộm đó và chủ động giữ mối quan hệ bình thường với cô hàng xóm để cô đỡ ngại.

Khoảng hơn 10 ngày sau, ông Nguyễn đang chuẩn bị xe máy để ra thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) có công việc thì bất ngờ cô Thắm đi đến bảo:

- Tiện xe, bác cho em đi nhờ ra chợ mua ít đồ đạc?

Ông Nguyễn đồng ý. Trên đường đi, phần vì do đường cấp xã còn xấu nên khá xóc khiến cô Thắm thỉnh thoảng lại bị đẩy dúi về phía ông, phần thì hình như cô Thắm không e ngại cứ ngồi sát vào ông vậy. Một cảm giác nóng hổi, chếnh choáng len vào người ông Nguyễn làm ông thầm ao ước đoạn đường dài thêm ra. Lúc này cô Thắm mạnh bạo hơn, hai tay ôm nhẹ người ông Nguyễn, thỏ thẻ:

- Bác đúng là đàn ông vừa to vừa khỏe. Chả bù cho lão chồng em làm rẫy không được, làm chồng cũng không xong. Ước gì bác giúp em được hạnh phúc một lần.

Ông Nguyễn lảo đảo suýt nữa lạc tay lái. Ông không dám tin vào tai mình. Đúng là anh M., chồng cô ấy ốm yếu, trong khi Thắm thì cứ hơ hớ sức xuân. Thắm khi đó 28 tuổi (SN 1973), nghĩa là chỉ vừa hơn cô con gái đầu của ông vài tuổi. Khoảng cách này ở một xã nghèo vùng quê nó lớn lắm, nhất là khi ông Nguyễn đã lên chức ông ngoại. Ông đấu tranh dữ lắm trước lời chủ động... dâng tình của Thắm.

Thời trai trẻ, ông Nguyễn khá đẹp trai, phong độ, con gái chủ động tấn công cũng nhiều. Nhưng cuộc sống lúc đó còn nghèo khó, ông chẳng dám yêu đương bạt mạng mà chỉ lo chí thú làm ăn, lao động. Một mối tình thơ dại đi qua không thành do ông chọn đi lính nghĩa vụ. Rồi sau đó ông gặp bà vợ chân chất, hiền lành của ông bây giờ. Gần 30 năm yên bề gia thất, vợ chồng ông có sáu mặt con, đứa lớn đã gả chồng, hai đứa kế tiếp đang tuổi cập kê.

Nếu ông dính vào Thắm, việc lộ ra ông sẽ bẽ mặt lắm. Làm sao còn dám nhìn mặt vợ con, thông gia? Các con ông sẽ khó lấy chồng, lấy vợ. Nhưng ông lại thấy rằng hình như mình đã nghĩ quá xa. Trong đầu ông đầy những mâu thuẫn. Dường như đoán biết những cảm xúc của ông Nguyễn, Thắm tiếp tục thăm dò:

- Thôi, em bạc phước, số phận của em nó vô duyên nên em phải chịu, bác khỏi phải suy nghĩ gì nhiều. Chỉ tiếc cho bác cả đời chiu chắt với vợ con, chẳng dám hưởng thụ. Chị nhà thật có phước quá!

- Phước đức gì đâu em. Anh cũng chỉ là một con người, đâu phải thần thánh.

- Không thần thánh thì sợ gì nào? Với lại, em từng hứa sẽ đền ơn anh (Thắm đã đổi cách xưng hô) vụ “ghé thăm” vườn su hào... Nếu anh từ chối, mất quyền lợi ráng chịu, sau này đừng ân hận - Thắm tiếp tục ỡm ờ, vừa thử tài quyến rũ của mình vừa bộc lộ bản năng của người đàn bà mạnh mẽ.

- Vụ su hào em nhắc làm gì. Anh không đòi em phải trả nợ đâu. Có chăng là tình cảm đôi ta thôi. Nhưng nãy giờ anh chở em đi, lỡ có người thấy. Thôi em vào chợ mua sắm, anh đi công chuyện, anh sẽ nhớ lời đề nghị của em.

Ông Nguyễn đã không còn phân vân điều gì nữa. Dù rất muốn “đi ngang về tắt” với cô Thắm sáng hôm ấy nhưng ông đành chờ cơ hội khác, sắp đặt kỹ càng hơn. Chợ trung tâm huyện đã ở trước mặt, ông Nguyễn miễn cưỡng dừng xe để Thắm bước xuống.

Vì hai nhà ở sát nhau nên họ nhiều lần giáp mặt, song trong ý thức của ông Nguyễn thì cô Thắm này chẳng hề có ấn tượng gì tốt đẹp với ông cả. Thậm chí mỗi lần hàng xóm có chuyện không vừa ý, vợ con ông kể lể, càm ràm những việc nhỏ mọn của cô Thắm, ông không nói gì nhưng nghĩ thấy cũng bực. Chẳng qua chỉ là vợ chồng cô ấy đáng tuổi con cháu nên nhà ông không muốn đôi co qua lại.

Như cái vụ ông mua một máy phát điện nhỏ rồi dẫn nước từ trên núi xuống chạy máy. Đường ống dẫn nước này chạy nhờ qua vườn nhà Thắm. Cô ta lại tỏ ra ganh tị nên đã nhiều lần lấy đá chèn ngang đường ống khiến nước tắc, điện trong nhà ông cũng tắt luôn. Các con ông Nguyễn phải ra giải tỏa, cãi nhau với Thắm một trận. Mỗi lần như vậy, chỉ khi ông Nguyễn lên tiếng, Thắm mới thôi. Gần đây chuyện này lại lặp lại, cụ thể là sau lần cả hai đi chợ chung về. Lần này Thắm làm (chẹn ống nước) vì mục đích khác. Bởi vậy có lần vào buổi tối, Thắm lén làm điều xấu khiến những đứa con ông Nguyễn đang xem tivi bị cúp điện đã giận dữ muốn ra cãi nhau. Ông Nguyễn cản lại: “Để cha ra”.

Ông Nguyễn đi ra vườn, Thắm đã chờ sẵn, miệng dẩu lên nhõng nhẽo:

- Em biết thế nào anh cũng ra mà. Tắt điện là tín hiệu để mình gặp nhau, anh nhé!
Ông Nguyễn cầm tay Thắm:

- Có nhiều cách mà. Đâu cứ nhất thiết em phải phá ống nước.

Thắm ngả đầu vào vai ông. Cuộc tình vụng trộm của họ được bắt đầu như thế...

Tình cảm leo thang

Sau lần vụng trộm đầu tiên, ông Nguyễn thường xuyên nghĩ đến Thắm và quên phắt bà vợ cùng lứa tuổi vẫn kề bên. Từ nhà đến cơ quan làm việc hay lên nương rẫy, ông Nguyễn thấy mọi ngả đường như nở hoa trước mặt. Cuộc sống sao bỗng vui tươi, rộn ràng quá đỗi làm ông trẻ ra mấy tuổi. Cô Thắm mỗi đêm về thì quay bên nọ, trở mình bên kia rất khó ngủ.

Có đêm, cô bực mình ôm gối sang ngủ với con, chẳng muốn gần anh chồng ốm đang khò khò say giấc. Những âm mưu toan tính làm sao để họ có dịp được ở bên nhau một đêm trọn vẹn, đích thực cứ lớn dần. Ông Nguyễn có một cái rẫy khá rộng, cách nhà khoảng ba cây số. Khác với trước đây, ông thường thoái thác việc nhà cho vợ con vì bận công việc chính quyền. Nhưng gần đây, ông chợt nghĩ đến cái rẫy với tất cả sự háo hức: đó thật là nơi lý tưởng làm chốn hò hẹn của hai người. Cả hai sẽ tha hồ tâm sự mà không lo bị phát hiện.

Một hôm, trời vẫn còn mờ tối, ông Nguyễn đã hối vợ chuẩn bị cho ông đi rẫy. Nghĩ chồng thương vợ thương con, lo làm ăn, vợ ông Nguyễn chẳng nghi ngờ gì, vội dậy sớm sắp đồ đạc cho chồng. Ông hăm hở đến ngã ba rừng, Thắm đã đợi sẵn. Cô xách theo 6 hột vịt lộn, 6 lon nước tăng lực hiệu bò húc; còn Nguyễn thì được vợ chuẩn bị cho phần cơm trưa. Họ đi bên nhau trên con đường mòn hoang vu, người này nghe rõ tiếng tim đập thình thịch của người kia. Lâu lâu họ lại liếc nhìn nhau đầy ngụ ý.

Đến rẫy nhà Nguyễn, cả hai hì hục khiêng bốn tấm gỗ bìa ráp lại làm giường, sau đó yêu nhau cuồng loạn, say sưa quên trời đất. Sau dịp đó, họ tìm mọi cách để gặp nhau. Thậm chí, khi chồng và các con vắng nhà, Thắm gọi luôn Nguyễn qua nhà mình. Cả hai không còn biết sợ hãi điều gì nữa. Nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, Nguyễn không thể ngờ hạnh phúc muộn màng mình đang được hưởng có mầm mống của tai họa...

(Còn tiếp)



Theo Ngọc Hà-Ngọc Duy (Công An TP. HCM)

Bình luận
vtcnews.vn