Kung - fu luyện… ngọc

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 04:55:00 +07:00

Có thể, chính bản thân tôi cũng sẽ là người luôn nghĩ rằng, cái nghề nuôi trai lấy ngọc là nghề lãng mạn và nhàn hạ nhất, cái nghề “hốt ra bạc”… nếu như...

Có thể, chính bản thân tôi cũng sẽ là người luôn nghĩ rằng, cái nghề nuôi trai lấy ngọc là nghề lãng mạn và nhàn hạ nhất, cái nghề “hốt ra bạc”… nếu như không được tận mắt chứng kiến công việc “ép trai nhả ngọc” của những người bỏ nhà cửa, vợ con, bỏ đất liền ra khơi làm công việc rất… phú quý này. Anh Quyến cười bảo, tụi này là vua một cõi: trời rộng mênh mông, còn biển thì xanh ngút ngát… Trước, ông Nguyễn Tuân đã dùng những lời lẽ tưởng như rất “lộng ngôn” khi ca tụng loài giáp xác lấy huyết dụ của mình bao bọc lấy hạt cát ngỗ ngược dày vò thân thể, để làm thành một thứ trang sức gắn liền với phái đẹp từ muôn đời nay. Đấy là cái sang do câu chữ nó tạo hiệu ứng. Đừng giao hết niềm tin vào những câu từ mỹ miều ấy. Sự kính trọng, tôi nghĩ, nên dành cả cho những người ra khơi luyện… ngọc!

 

Hành trình đến… đảo ngọc!

 

Có lẽ “trời thương” nên vừa mắt nhắm mắt mở vì chưa đẫy giấc, bình minh trên biển rạng rỡ và lung linh sớm hơn hết thảy những điểm nào trên đất liền đã nhắc tôi lấy niềm hưng phấn cho một ngày ra đảo ngọc. Hai ông “phu ngọc” đưa tôi ra bến thuyền, lặng lẽ và điềm tĩnh, gương mặt vô ưu, phẳng lặng. Chiếc thuyền một đầu máy có lẽ gần hết niên hạn sử dụng, và số tiền gần hai chục triệu ông Giang bỏ ra mua nó từ quãng giữa năm 1995, đã khấu hao hết vào chuỗi ngày cần mẫn hơn chục năm ròng làm nhiệm vụ nối đất liền với khu đảo nuôi trai cấy ngọc. Mất chừng gần ba chục phút đồng hồ cho việc mua hai phuy nước ngọt, chục xách than tổ ong và thực phẩm để dành cho vài ngày trên biển. Thuyền nhổ neo. Chiếc đầu máy già nua cùng cục nhả khói, lượn một cách khó nhọc qua những nhà hàng nổi, cà-phê nổi, bia hơi… nổi của phần rìa danh thắng quốc tế Vịnh Hạ Long. Theo hướng tay của ông Giang, một khoảng trời nước mênh mông, thấp thoáng những đảo chìm đảo nổi: “Đảo ngọc đấy!”. Lấy kinh nghiệm của một anh đồng bằng để đo khoảng cách hải lý ra thành… giờ, anh lái tàu tên Phong bình tĩnh bảo: mất chừng một tiếng.

 

Đan trong tiếng máy nổ đành hanh và sóng biển ồn ào, ông Giang nói chuyện mà như hét: “Đảo nuôi trai cấy ngọc, bất kỳ một vũng nào trong quần thể vịnh cũng có thể sản xuất được. Đấy là lợi thế và sự ưu ái của biển dành cho Việt Nam. Chúng ta có thể làm giàu từ nó, nếu như biết khai thác nó…”. Khó khăn lắm mới lọc được từ mớ âm thanh hỗn tạp những thông tin mà ông Giang thuận miệng nói ra, tôi căng tai và tập trung cao độ hòng ghi nhớ những chi tiết cho bài viết, nhưng rồi cuối cùng cũng đành phó thác cho gió biển, sóng biển và đầu máy nổ át hết cả, chấp nhận “để mới mẻ nguyên si” trước khi được mục sở thị!

 

Dấu ấn đầu tiên của “đảo ngọc” hiện ra trước mắt là những phao nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển, được neo lại bằng những sợi dây xác-rắn to như dây chão thả chìm dưới nước, trông xa tựa như những trái dừa khô đang được tự nhiên gieo hạt để nhân giống cho một mảnh đất mới theo cách truyền thống của mình. Bốn xung quanh, núi vây bọc tròn xoe, tựa như một bức tường thành khu biệt vũng ra khỏi di sản vịnh mà cả thế giới vừa mới “vote” cho nó. Phong khéo léo điều khiển thuyền lượn qua những khu bè phao, và một dãy bè tre, nứa được ken dày giống y như kiểu người ta “bắc giàn mướp” trên đất liền!!! “Đảo ngọc” đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ của anh thanh niên tên Quyến. Một thanh niên khác tên Lương mau mắn cầm dây neo con thuyền ghì sát vào chiếc cột mốc đã đóng sẵn. Bè kế bên, hai con chó vẫy đuôi rối rít, và sủa loạn xị một cách rất nhiệt tình, ra chừng muốn bảo: “công việc của tôi là… bảo vệ trai ngọc!”.

 

Hai chiếc bè nổi được quây tôn lá làm nhà. Giữa biển, tất cả các thứ đều… nổi. Có lẽ, đọc được sự thất vọng so với hình dung của tôi, ông Giang bình tĩnh bảo: “Nhà nước nghiêm cấm mọi tác động của con người vào khu vực di sản thiên nhiên thế giới. Cái duy nhất mà tụi tui “chạm” vào mấy cái núi trước mặt, ấy là nhờ sự che chắn của nó để có một vũng vịnh kín, không có sóng to, gió lớn, và lựa chọn những mỏm rìa thuận lợi để buộc dây neo cho toàn bộ khu nhà nổi, bè nổi này!”.

 

“Kung – fu” luyện ngọc!

 

Tôi như người tập đi dò dẫm trên những đoạn tre kết bè thả nổi trên mặt biển, trong khi mấy “cha” luyện ngọc đi đứng phăm phăm hệt như đang đi trên… mặt đất. Quyến, Phong ra bè ngoài cùng, mỗi người vớt hai thùng nhựa đen, có nắp đậy từ dưới độ sâu chừng 5 - 6 mét. Tất cả những điều lạ lùng khiến tôi tò mò, đều chờ đợi những lời giải thích!

 

Ông Giang làm những việc quen thuộc của mình: ra từng khu bè riêng biệt, nhấc lên từng “giò” trai, kiểm tra, nhấc lên, đặt xuống… Không có gì thay đổi trên gương mặt sạm nắng của ông. Toàn bộ khu vũng kín gió và sóng này rộng ngót 30 ha mặt nước. Diện tích ông Giang mới đưa vào sử dụng để nuôi cấy trai mới chỉ chiếm một góc nhỏ khi chia nó ra làm 5 phần. Dưới ánh nắng sớm của một ngày được báo trước là sẽ chói chang, nước biển xanh lịm và trong vắt, nhìn rõ những “giò” trai thả chìm, tựa như vô số những chò hoa phong lan người ta treo trên vườn treo nào đấy. Đẹp. Hoành tráng. Tôi dấy lên một niềm cảm phục sâu kín, len lỏi giữa những câu hỏi vẫn chất chứa trong bụng từ đầu đến giờ.

 

Bè ngoài cùng nơi hai ông “phu ngọc” lấy những hộp đen có nắp đem đổ ra mặt ván của khu nhà nổi, là khu vực “luyện trai”. Một khu bè khác, là khu vực “dưỡng trai”; tiếp đó là khu nuôi trai đã cấy nhân ngọc (được đặt liền kề với khu nhà nổi); những bè rìa xung quanh, là khu vực nuôi trai trưởng thành (trai nguyên liệu để cấy ngọc). Nếu “sơ đồ hóa” để dễ hình dung, thì đấy là một cái “bo mạch” khép kín như một chu trình tuần hoàn, gồm có các khâu đoạn riêng biệt: nuôi trai trưởng thành --> luyện trai  dưỡng trai  nuôi trai cấy ngọc; đấy là chưa nói tới công đoạn nhân giống và ươm lũ trai con từ trong trứng nước, để tạo trai nguyên liệu cho cả quá trình luyện ngọc này. Không phải đến độ đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tốn nhiều lao lực, nhưng cái công việc này nó bận rộn như người nuôi con mọn, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi lòng kiên nhẫn vô cùng, cùng những thao tác “không được sai sót” liên quan đến kềm, kẹp, dao, kéo, banh… khi phải động chạm đến lục phủ ngũ tạng của lũ trai có khả năng “đẻ ra ngọc” này!

 

Trời hôm nay lịm gió. Vũng kín mít tựa như ai đó chụp một cái thúng lên mặt biển. Oi. Phong và Quyến mồ hôi nhễ nhại, hai tay vẫn thoăn thoắt thực hiện các thao tác của mình: mở miệng trai và nhét vào đó những cái kẹp nhựa. Đây là thao tác đầu tiên để chuẩn bị cho việc cấy nhân ngọc. Phải nói thêm, đó là tất cả các công đoạn trong chu trình đã nói ở trên đều là sự tiếp nối mang tính bắt buộc, không được “đi tắt, bỏ tắt”. Trai nuôi làm nguyên liệu, sau từ 24 đến 30 tháng được làm vệ sinh và “tuyển” một lần nữa những con to, khỏe, đủ trọng lượng. Số trai này được cho vào những hộp nhựa đen, có nắp đậy, xung quanh có những khe hở một cách so le và không đều đặn, chừng một trăm trai trưởng thành. Những chiếc hộp này cũng được đặt với tần suất khá dày đặc, trong vòng hai tháng. Mục đích chính để “luyện trai” yếu đi, trước khi cấy nhân ngọc và tế bào tạo ngọc: vỏ trai mềm đi, sức đề kháng của nó cũng phải giảm đến một chỉ số nhất định (do bị ép vào trong một môi trường chật chội, thiếu thức ăn, ánh sáng và không khí). Như thế, trai sẽ khó khăn để đẩy những nhân ngọc cấy vào trong cơ thể mình, cam chịu chấp nhận tiết ra cái chất dịch từ trong huyết dụ bao bọc lấy cái khối dư thừa, ngỗ ngược nào đấy, và vô tình tạo ra hạt trân châu quý giá mà loài người rất mực tôn sùng. Một lý do nữa, khoảng thời gian hai tháng “luyện trai” ấy còn để ép lũ trai phải đẻ hết trứng, trở thành những con trai “vô sinh” trước khi được cấy nhân và tế bào tạo ngọc!!!


 

Những con trai sau khi banh miệng bằng kẹp nhựa, được xếp vào hai cái khay để mang đặt lên hai chiếc bàn đã xếp đầy đủ những dụng cụ: một giá đỡ inox; bộ dụng cụ dao, banh nhỏ xíu. Hệt như một ca phẫu thuật. Quyến thoăn thoắt lọc một xô nước biển qua thùng lọc bằng cát, rồi lấy hai cốc nước biển đã được “xử lý” đặt lên bàn. Cười rất tươi, anh bảo: “Lọc như thế để đảm bảo nước sạch một cách tương đối. Tất cả những dụng cụ đều phải đảm bảo… vô trùng (?!), vì nó động chạm tới lục phủ ngũ tạng của con trai!”. Phong chuẩn bị lấy những nhân ngọc đặt lên hai cái đĩa.

 

Bàn kế bên, bộ ấm chén, phích nước đã được dẹp sang một bên, để lấy chỗ cho chị Hương (vợ Phong) làm công việc… tách nhân tế bào lấy ngọc! Đấy là thao tác chọn những con trai to, khỏe, độ tuổi trưởng thành, không non quá, mà cũng không được già quá. Một chiếc kềm để tách miệng con trai trưởng thành, banh hẳn hai mảnh vỏ trai ra làm đôi. Vẫn chiếc kềm ấy, luồn khéo léo vào lớp thân trai ở vành ngoài cùng, vén nó lên và cắt lấy lớp rìa đó – chỗ tiếp giáp giữa lớp xà cừ (trên cỏ trai) và khu tạo ngọc. Hệt như một bác sỹ nội khoa, chị nhúng cái phần rìa vừa cắt ấy vào cốc nước thuốc đỏ (để khử trùng), rồi xắt thành những lát nhỏ xíu, sắp thành một dãy dài trên những thớt đá mài hình chữ nhật nhỏ bằng lòng bàn tay tựa như dãy cấu hình AND dưới kính hiển vi. Cùng với nhân tạo ngọc, những lát cắt trai nhúng thuốc đỏ ấy, được đưa vào trong khoang bụng tạo ngọc của trai cấy ngọc. Chừng 3 – 4 ngày sau, lát cắt ấy (cái mà Quyến gọi là nhân tế bào tạo ngọc), sẽ tan chảy ra, bao bọc lấy hạt nhân tạo ngọc. Tất cả các thao tác, công việc rạch ròi như một băng chuyền. Những thớt nhân tế bào của Hương được chuyển cho hai ông thợ cấy ngọc tên Phong – Quyến.

 

Đột ngột có cơn gió vãng lai đảo qua. “Căn phòng” bé tý kê đủ chiếc giường và ba bộ bàn ghế để những người thợ ngọc “tác nghiệp” rạo rực trong giây lát. Bên ngoài, tiếng chim núi chao chát. Hai con chó canh giữ đảo trai sủa váng lên khi nhìn thấy bóng diều hâu liệng trên chóp núi. Ngoài tiếng dao chặt cành cạch của Lương bên đống trai nuôi nguyên liệu mà anh có nhiệm vụ làm vệ sinh định kỳ, tuyển trai xếp vào khay nhựa đen để đưa sang khu bè luyện, không gian im ắng trở lại.

 

Những thao tác cho buổi cấy ngọc bắt đầu! Lũ trai được banh miệng nằm trên khay, được lần lượt đưa lên giá đỡ inox. Trai cấy ngọc, độ mở của miệng trai không được quá rộng. Nó chỉ là một khe hẹp đủ để mắt người thợ cấy ngọc nhìn vào đó, xác định vị trí và luồn vừa con dao rạch và cái kềm kẹp nhân. Vẫn vẻ mặt bình tĩnh, hơi thở đều, chỉ có đôi mắt chăm chú không rời cái khe miệng trai được mở: một tay Quyến dùng dụng cụ rạch vén lớp chân trai để lộ khoang bụng, rạch một khe nhỏ; tay kia thoăn thoắt gắp một lát cắt tế bào tạo ngọc, luồn vào bên trong cái khoang bụng vừa rạch đó. Lát cắt đưa vào khoang bụng của trai tạo ngọc, đỏ nhờ nhờ. Tiếp đó, một nhân cấy ngọc được đưa vào đúng vị trí nhờ nhờ đỏ ấy. Độ chính xác khá cao! Lớp chân trai ban nãy được vén lên, bây giờ được trả lại vị trí cũ, che đi cái khoang bụng vừa bị rạch và đưa vào đó “hai vị khách không mời”. Chiếc kẹp banh miệng được tháo ra. Chừng gần chục thao tác đó được thực hiện chưa đầy nửa phút đồng hồ. “Phải làm nhanh, vì thời gian tối đa để trai cấy ngọc rời xa mặt nước là hơn một giờ đồng hồ!” – Quyến giải thích.

 

 

Quyến là người hay chuyện. Gã thanh niên quê đất Tiên Lữ, Hưng Yên để vợ và một con nhỏ ở lại mảnh đất đồng bằng chỉ có ruộng mà không có biển để ra khơi luyện ngọc được ngót chục năm trời. “Chúng tớ là vua một cõi. Trời biển mênh mông, không ai quấy rầy. Buồn thì thả dây câu cá. Hôm nào nhớ đất liền thì theo tàu vào một vài ngày. Nghề này không tốn nhiều lao lực như cái nghề cửu vạn, nhưng rặt nỗi nó nhiêu khê, nhiều thao tác. Không kiên nhẫn, không làm được!”. Khay trai của anh chuyển từ vị trí có kẹp sang không có kẹp mỗi lúc một nhiều. Mặt trời đứng bóng. Gió biển từ đâu bất ngờ ập tới, mát lành. Bàn kế bên, Phong cũng sắp hoàn tất khay trai của mình. “Một buổi sáng, hai người làm được hai lượt như thế (chừng 400 trai cấy ngọc). Như thế là năng suất. Nếu tính công điểm theo thời kỳ hợp tác xã, là chúng tớ vượt định mức!”.

 

Cơ sở sản xuất ngọc trai của ông Giang bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, đến nay đã ngót nghét trên dưới hai chục năm. Hai mươi năm ấy, đó là cả một chuỗi ngày tháng đoạn trường: tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu quy trình, đặc tính của loài trai biển, cách cấy ghép ngọc, mô hình chăn thả… Ông Giang là kỹ sư chăn nuôi, tốt nghiệp Đại học Thủy sản từ những năm 70. Người anh trai của ông, Nguyễn Ngọc Thắng, là một nhà nghiên cứu khoa học, đã bỏ công sức, tiền bạc mấy chục năm trời vì công trình ép trai nhả ngọc này. Ông Thắng phải cắm chốt trên Hà Nội để lo đầu ra cho ngọc trai. Ông Giang bám biển lo sản xuất. Mô hình của hai kỹ sư thủy sản này, ban đầu chỉ nhằm thực nghiệm cho công trình nghiên cứu khoa học của mình, nhưng đã thành công ngoài mong muốn. Mặc dù mới chỉ bắt đầu ở quy mô nhỏ (dưới chục ha nuôi trai ngọc), ông Thắng đã đưa ra một mô hình khép kín: từ khâu sản xuất trai giống đến quá trình nuôi cấy tạo ngọc; chế tác sau thu hồi. Một năm, với số lượng 3 vạn trai nuôi, cái vũng biển nhỏ xíu như chiếc thúng úp ngược này cho ông 30 kg ngọc trai lấp lánh!

 

Giữa chốn mênh mông trời trong, nước trắng, và núi trầm mặc như những người già, ít ai biết được trong lòng một khu di sản thiên nhiên kỳ thú bậc nhất trời Nam này có một đảo ngọc quý giá vô bờ. Tôi cũng dám chắc một điều, những người hàng ngày mang trên mình thứ trang sức quyến rũ có tên trân châu ấy, đều không thể biết đến những đau đớn mà loài giáp xác mặn mòi mang tên trai ấy phải chịu đựng trong thời gian vật vã của vòng đời ngót bốn năm ròng, càng không thể hiểu những vất vả của những người ra khơi luyện ngọc. Hãy dành cả sự kính trọng ấy cho những người như Quyến, như Phong, bằng cách lắng nghe những lời của biển chất chứa trong chuỗi trang sức lấp lánh mà tạo hóa sinh ra để tôn vinh cái đẹp. Đấy là cả một công phu chứa chất và tích hợp, của không chỉ nắng, gió biển, mà còn có cả mồ hôi, công sức của những người phu ngọc kiên nhẫn và bền bỉ nhất mực như thế!

 Di Linh

Bình luận
vtcnews.vn