KTS Trần Ngọc Chính: Chỉ cao ốc mới giải được bài toán mật độ

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 22/06/2018 17:57:00 +07:00

Với những thành phố lớn lên tới hàng chục triệu dân thì không con cách nào khác là phải xây nhà cao tầng, nhưng xây dựng như thế nào để đảm bảo không gian sống tốt nhất cho người dân mới là vấn đề quan trọng.

Đó là quan điểm của KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Theo ông Chính, nhà cao tầng được đặt trong quy hoạch tổng thể chính là giải pháp phát triển của các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. 

photo1529651471386-15296514713862012193187

 

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của nhà cao tầng đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM?

Tại TP.HCM hay Hà Nội đang xảy ra những vấn đề xã hội cấp bách như giao thông kẹt xe, môi trường ô nhiễm, ngập lụt… Đó là xu thế tất yếu của việc phát triển đô thị. Để giải quyết vấn đề đó, không còn cách nào khác là phải tối đa hệ số sử dụng đất bằng cách phát triển theo trục đứng để dành không gian tổ chức lại hạ tầng giao thông và không gian công cộng. Đây cũng là lời giải duy nhất cho bài toán của các megacity như Hà Nội và TP.HCM. 

- Nhưng nhà cao tầng đang bị coi là nhân tố gây quá tải và tăng áp lực cho hạ tầng, giao thông, thưa ông?

Thực tế, tất cả đô thị hiện đại trên thế giới - nhà cao tầng thể hiện sự giàu có, văn minh và hiện đại. Nhiều nước như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải,… nhà cao tầng còn được xem là niềm kiêu hãnh của họ. Vì chỉ có nhà cao tầng thì mới giải quyết được mật độ cho người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội có tới 10 triệu dân mà không xây nhà cao tầng, xây dựng kiểu nhà ống trải khắp thành phố thì không đủ diện tích để cho người dân sinh sống.

Còn về vấn đề hạ tầng giao thông, hiện Hà Nội có tới 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô đang lưu hành, chưa kể lượng xe từ ngoại tỉnh vào. Chỉ cần một nửa số này lưu thông cùng một lúc thì không có con đường nào ở Hà Nội chịu nổi với sự tràn lan của mô hình nhà ống hiện nay. Chúng ta phải tổ chức không gian tạo thêm quỹ đất đủ rộng, phải được kết nối với giao thông công cộng. 

- Vậy theo ông, xây nhà cao tầng như thế nào để vừa có một đô thị hiện đại và thông minh như các đô thị hiện đại?

Tôi nghĩ chúng ta phải tổ chức được không gian đô thị gắn với hạ tầng đô thị, gồm cả hạ tầng kỹ thuật (là giao thông, điện, nước, đô thị thông minh…) và hạ tầng xã hội (là công viên cây xanh, bệnh viện…) để có cuộc sống chất lượng hơn. 

Để có được điều đó, xây dựng nhà cao tầng, kể cả trong trung tâm phải theo quy hoạch và đảm bảo được kết nối giao thông, cần đưa nhanh hệ thống metro line, BRT vào hoạt động. Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Có như thế mới giải quyết được bài toán cho sự phát triển không gian đô thị gắn với hạ tầng.

- Như vậy quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, đặc biệt là với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phát triển như hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Mới đây chúng tôi có tổ chức Hội thảo quốc tế về quy hoạch không gian kiến trúc đô thị. Tại đây, các học giả trên thế giới cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của quy hoạch, đưa ra những kinh nghiệm ở các nước như Anh, Nhật, Pháp, Singapore… cho thấy vấn đề cảnh quan đô thị và kiến trúc hạ tầng rất quan trọng đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. 

Trong đó vấn đề quan trọng hiện nay là liên quan đến kiến trúc quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch. Chúng ta phải tổ chức được không gian đô thị vừa hiện đại lại vừa có bản sắc riêng, tuân thủ mật độ xây dựng, mật độ cảnh quan cây xanh, mặt nước, mật độ cư trú và đặc biệt là kết nối giao thông. Những việc đó mà chúng ta làm tốt được thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu của đô thị, nhu cầu cả người dân; đồng thời tạo nên bản sắc riêng của mỗi thành phố. 

- Xin cám ơn ông! 

Nguồn: cafef.vn
Bình luận
vtcnews.vn