Koko – chú khỉ đột có khả năng giao tiếp với con người đã qua đời

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 24/06/2018 08:16:00 +07:00

Khỉ đột (gorilla) Koko, con vật được cho là biết ít nhất 1.000 từ trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL) đã qua đời tại California.

Theo Daily Mail, một lần, khi nghe tiến sỹ Francine Patterson và một nhân viên vườn thú tranh cãi để xếp loại Koko là vị thành niên hay thanh niên, Koko đã cắt ngang bằng ngôn ngữ ký hiệu và “nói”: “Không, tôi là khỉ đột!”.

koko-1

 Koko và người chăm sóc - tiến sỹ Patterson.

Câu chuyện về Koko bắt đầu từ 40 năm trước, khi lần đầu tiên Koko trở thành hiện tượng thế giới trong chương trình Seventies, xuất hiện trong các chương trình tài liệu trên truyền hình và bìa tạp chí.

Koko thậm chí đã truyền cảm hứng cho một cuốn sách thiếu nhi thuộc hàng bán chạy nhất lúc bấy giờ, trở thành bạn của các ngôi sao Hollywood hạng A như Leonardo DiCaprio và Robin Williams, thay đổi cách khoa học nhìn nhận về sự giao tiếp và cảm xúc ở loài vượn lớn.

Nhưng khỉ đột Koko đã qua đời ở tuổi 46 mà chưa hoàn thành được “nguyện vọng” gần đây nhất của nó: làm mẹ.

Theo Daily Mail, từ năm 9 tuổi, khi được hỏi về món quà nó muốn có nhất, Koko sẽ cong khuỷu tay và đung đưa từ bên này sang bên kia – được xem là động tác bế ẵm một đứa trẻ sơ sinh. Koko cũng thường xuyên “chăm sóc” cho những con búp bê, thậm chí giả vờ cho chúng ăn và mắng chúng như một “người mẹ” thực thụ.

koko-2

 Koko được cho làm bạn với một con mèo con để "thỏa mãn" mong ước làm mẹ, nó đã phản ứng mạnh mẽ khi con mèo gặp tai nạn chết. (Ảnh: Daily Mail)

Khi khách đến thăm cho Koko xem ảnh con cái họ, nó sẽ cầm bức ảnh lên hôn. Nhưng dù cố gắng trong nhiều năm để ghép đôi Koko, tiến sỹ Patterson – người chăm sóc nó vẫn không thể giúp con khỉ đột hoàn thành điều ước.

Là con khỉ đột ở vùng đất thấp phương Tây, Koko sinh ra ở vườn thú San Francisco ngày 4/7/1971, được đặt tên là Hanabi-Ko – cái tên tiếng Nhật có nghĩa là “đứa trẻ pháo hoa” – để kỷ niệm ngày sinh nhật trùng với Ngày độc lập của Mỹ. Dần dần nó được gọi với tên ngắn gọn là Koko.

Tuy nhiên trong những năm đầu đời khỉ đột Koko đã không phát triển được trong điều kiện nuôi nhốt và cho thấy dấu hiệu suy dinh dưỡng. Khi đó, tiến sỹ Patterson là một nghiên cứu sinh tâm lý học 25 tuổi tại Đại học Stanford, đã quyết định khám phá xem loài vượn có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hay không.

Quá trình học của Koko khiến nhiều nhà hành vi học ngỡ ngàng. Vốn từ của nó tăng dần lên hàng chục rồi hàng trăm từ.

Tuy nhiên sự nổi tiếng và đặc biệt của Koko cũng khiến nó phải trả một cái giá không nhỏ. Được cả người hâm mộ và các nhà phê bình chú ý quá nhiều, Koko và người chăm sóc phải chuyển đến một địa điểm bí mật tại vùng núi gần Woodside, California.

Theo Daily Mail, dù còn những nghi vấn, Koko đã khiến con người phải đánh giá lại những hiểu biết về loài vượn lớn. Cuốn sách về Koko được phát hành miễn phí ở châu Phi nơi những con vượn vẫn bị giết để lấy thịt, với mục đích khiến mọi người từ bỏ việc làm này.

Video: Khỉ đột Koko 'nói chuyện' bằng ngôn ngữ ký hiệu

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn