Việt Nam nằm trong top 12 nền kinh tế đáng để đầu tư

Kinh tếThứ Bảy, 13/03/2010 11:15:00 +07:00

Việt Nam xếp thứ 12 trong danh sách 25 nền kinh tế có sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới do Bloomberg bình chọn.

Xếp thứ 12 trong danh sách 25 nền kinh tế có sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới do Bloomberg bình chọn, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

 

1. Trung Quốc

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: 0
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 89*
Giải ngân FDI trong năm 2008: 108,3 tỷ USD**
GDP năm 2009: 4.900 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 3.680 USD

Trung Quốc luôn là nước đứng đầu trong nhiều cuộc điều tra về sức hấp dẫn đầu tư kể từ năm 2002 cho đến nay. Tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong nhiều năm liên tục, Trung Quốc là niềm mơ ước của các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực, đến từ mọi quốc gia trên thế giới với một thị trường nội địa khổng lồ. Với các giải pháp kích thích tiêu dùng, nâng cao chất lượng lao động, sức hút của “cục nam châm” Trung Quốc ngày một lớn. Tuy vậy, khả năng lạm phát cao có thể là trở ngại đối với kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn.

*Xếp hạng của World Bank.
** Bloomberg sử dụng số liệu của năm 2008 do số liệu của 2009 chưa được cập nhật đầy đủ.

2. Mỹ

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +1
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 4
Giải ngân FDI trong năm 2008: 316,4 tỷ USD
GDP năm 2009: 14.300 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 46.460 USD

Bất chấp ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, việc Mỹ vẫn thăng tiến trên bảng xếp hạng cho thấy các nhà đầu tư vẫn cảm thấy an toàn khi bỏ vốn vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với một môi trường kinh doanh thân thiện, mặt bằng giá cho các thương vụ mua lại - sát nhập thấp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Mỹ tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư. Lĩnh vực tiềm năng tại Mỹ hiện nay là ngành dược và công nghệ thân thiện với môi trường.

3. Ấn Độ

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: -1
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 133
Giải ngân FDI trong năm 2008: 41,6 tỷ USD
GDP năm 2009: 1.300 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 1.100 USD

Dù tụt hạng theo trong danh sách của Bloomberg, Ấn Độ vẫn được coi là điểm đến lý tưởng của vốn đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Đất nước Nam Á đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư ở khu vực phi tài chính, công nghiệp… Trong khi đó, điểm yếu của Ấn Độ lại nằm ở môi trường kinh doanh kém thuận lợi

4. Brazil

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +2
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 129
Giải ngân FDI trong năm 2008: 45,1 tỷ USD
GDP năm 2009: 1.500 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 7.940 USD

Tiến 2 bậc trên bảng xếp hạng bất chấp sự sụt giảm về FDI trong năm 2009, Brazil được các nhà đầu tư đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều triển vọng nhất (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Sức bật lớn của nền kinh tế có được chủ yếu do đóng góp của tầng lớp trung lưu khiến Brazil có sức hút đặc biệt với FDI. Ngoài ra, vị trí thuận lợi, không quá xa so với cả Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi có thể coi là một lợi thế khác của Brazil.

5. Đức

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +5
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 25
Giải ngân FDI trong năm 2008: 24,9 tỷ USD
GDP năm 2009: 3.300 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 39.800 USD

Được coi là điểm đến số một của vốn FDI tại châu Âu, Đức hấp dẫn các nhà đầu tư của cả lĩnh vực tài chính và phi tài chính. Vốn đầu tư vào nước này chủ yếu đến từ Mỹ, Anh và Nhật.

6. Ba Lan

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +16
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 72
Giải ngân FDI trong năm 2008: 16,5 tỷ USD
GDP năm 2009: 441,9 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 11.580 USD

Là một trong những quốc gia thăng tiến mạnh nhất trong năm nay, thành công của Ba Lan có đóng góp lớn từ khả năng dự báo chính xác cũng như vượt qua tác động của suy thoái kinh tế. Không chỉ hấp dẫn giới đầu tư bởi chi phí nhân công rẻ, các dự án tại Ba Lan có khả năng tái đầu tư rất cao với sự trợ giúp từ chương trình tư nhân hóa mạnh mẽ của Chính phủ.

7. Australia

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +4
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 9
Giải ngân FDI trong năm 2008: 46,8 tỷ USD
GDP năm 2009: 996,1 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 46.860 USD

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, môi trường kinh doanh hấp dẫn, Australia dễ dàng có được vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Quốc gia nằm ở Nam bán cầu đặc biệt hấp dẫn giới đầu tư ở các lĩnh vực như khai khoáng, công nghiệp nặng. Australia được coi là điểm đến số một của các nhà đầu tư lớn tại châu Á.

8. Mexico

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +11
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 51
Giải ngân FDI trong năm 2008: 22,9 tỷ USD
GDP năm 2009: 868,3 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 7.810 USD

Thu hút mạnh FDI trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, Mexico đã lọt được vào Top 10 trên bảng xếp hạng năm nay. Bất chấp ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Mexico vẫn thu lợi lớn từ các dịch vụ gia công cho Mỹ và Canada.

9. Canada

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: +5
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 8
Giải ngân FDI trong năm 2008: 44,7 tỷ USD
GDP năm 2009: 1.300 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 39.890 USD

Với kho dự trữ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới (sau Saudi Arabia), các nhà đầu tư có thể thực sự an tâm với an ninh năng lượng của quốc gia Bắc Mỹ này. Môi trường chính trị, an ninh ổn định, Canada cũng hưởng lợi lớn từ hoạt động giao thương với Mỹ.

10. Anh

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: -6
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 5
Giải ngân FDI trong năm 2008: 96,9 tỷ USD
GDP năm 2009: 2.200 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 35.630 USD

Việc nước Anh tụt hạng trong danh sách của Bloomberg chủ yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, vật giá đang ở mức thấp tại quốc đảo này lại có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Anh vẫn được coi là một mảnh đất màu mỡ, nơi mà cơ hội vừa nhiều, vừa có giá phải chăng.

11. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: -3
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 33
Giải ngân FDI trong năm 2008: 13,7 tỷ USD
GDP năm 2009: 224,9 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 41.390 USD

Điểm mạnh để thu hút đầu từ của UAE là môi trường kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, vụ rắc rối tài chính của Dubai là nguyên nhân chủ yếu khiến nước này tụt hạng trong năm 2009.

12. Việt Nam

Thay đổi thứ hạng so với năm 2008: 0
Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi: 93
Giải ngân FDI trong năm 2008: 8,1 tỷ USD
GDP năm 2009: 92,6 tỷ USD
GDP trên đầu người năm 2009: 1.060 USD

Việt Nam tiếp tục duy trì được vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng nhờ những nỗ lực tăng trưởng kinh tế cũng như mở cửa thị trường. Gia nhập WTO năm 2007 là sức ép lớn, buộc Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, điểm yếu đối với kinh tế Việt Nam hiện vẫn là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn