Vì sao dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn hơn 30.000 tỷ đồng so với dự kiến?

Kinh tếThứ Hai, 24/12/2018 17:09:00 +07:00

Nguyên nhân chính khiến dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên đội vốn từ hơn 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng được xác định là do tăng khối lượng xây dựng.

Theo kế hoạch, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với dự tính. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.

Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Nhưng đến nay, dự án mới thi công được 70% khối lượng nên thời gian đi vào hoạt động dự kiến từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã xây dựng dự thảo tờ trình về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Metro số 1 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét để trình Thủ tướng.

Một trong những nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 30.000 tỷ đồng, Bộ GTVT cho rằng, do dự án được nghiên cứu lập vào năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị.

metro

 Đường hầm thứ 2 của nhà ga Ba Son - Nhà Hát đã được hoàn thiện.

Việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở gói đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở châu Á như Nhật, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và có xem xét đến sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại TP.HCM năm 2006.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán chỉ dừng lại ở những vấn đề mang tính chất bình quân của một tuyến xe điện mà chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề an toàn cao hay quá trình xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị thành phố sau này, chưa tính toán tổ chức một công ty vận hành, bảo dưỡng.

Mặt khác, 5 mục tiêu thiết kế ban đầu của dự án tính đến năm 2020 cũng đã cho thấy tầm nhìn hạn chế của việc nghiên cứu trước đây. Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP.HCM chịu ảnh hưởng lớn từ nguyên nhân này khiến dự án đội vốn.

Cùng với đó, là sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 cũng góp phần làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng.

metro1

 Khoan bê tông để lắp đặt các thiết bị ngầm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện TP vẫn đang chờ ý kiến từ Trung ương để được chấp thuận tăng tổng mức đầu tư nhằm đáp ứng những yếu tố thực tế phát sinh so với tư vấn thiết kế ban đầu.

“TP.HCM đã ký hiệp định vay vốn với phía đối tác Nhật Bản, 35.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, chờ cấp có thẩm quyền gật đầu thì TP.HCM sẽ có nguồn tiền này. Trong thời gian này, TP.HCM đã tạm ứng kinh phí để dự án được tiếp tục”, ông Tuyến cho biết.

Trong khi đó, vào tháng 11/2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).

Đại sứ Nhật Bản cho biết, nếu đến cuối tháng 12/2018 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn