Vì sao cổ phiếu CTD - Coteccons ngày càng lao dốc?

Kinh tếThứ Tư, 13/06/2018 07:20:00 +07:00

Sau khi cổ phiếu CTD giảm từ đỉnh, “người khổng lồ ngành xây dựng” Coteccons đã “móc túi” 6.386 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Đã có thời, cổ phiếu ngành xây dựng tăng trưởng không biết mệt mỏi. Nhưng thời gian đó qua rồi, tới nay, cổ phiếu xây dựng bão hòa, thậm chí rơi tự do. Cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons là ví dụ điển hình nhất.

“Móc túi” nhà đầu tư 6.386 tỷ đồng

Công ty cổ phần xây dựng Coteccons được coi là ông lớn ngành xây dựng. Coteccons vượt xa nhiều đối thủ khác khi sở hữu hàng loạt dự án khủng, hứa hẹn mang về lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu CTD của Coteccons liên tục nằm trong Top các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

sky-lake

 Sau khi cổ phiếu CTD giảm từ đỉnh, “người khổng lồ ngành xây dựng” Coteccons đã “móc túi” 6.386 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Năm 2017, chỉ số VN-Index tăng tốc trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. CTD là một trong những mã đạt nhiều thành tựu nhất. Sau chuỗi ngày tăng không mệt mỏi, CTD đạt “đỉnh” 239.000 đồng/CP vào ngày 14/11/2017, tăng 60.770 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2016.

Thế nhưng, CTD không thể vượt mốc 239.000 đồng/CP. Sau khi đạt đỉnh, CTD bắt đầu hạ nhiệt. Bước sang năm 2018, cổ đông thất vọng khi CTD liên tục lao dốc. Dù sau nhiều phiên nỗ lực đi lên nhưng CTD chỉ dừng ở mức 226.000 đồng/CP, giảm mạnh so với “đỉnh” năm 2017.

“Đỉnh” 226.000 đồng không duy trì được lâu. CTD tiếp tục lao dốc. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, CTD dừng ở mức 157.500 đồng/CP, giảm 81.500 đồng/CP, tương ứng 34% so với “đỉnh” năm 2017 và giảm 68.500 đồng/CP, tương ứng 30,3% so với mức cao nhất của năm nay.

Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Coteccons “bốc hơi” 6.386 tỷ đồng so với “đỉnh” năm 2017, “bốc hơi” 5.367 tỷ đồng so với “đỉnh” năm 2018.

Trong số các cổ đông cá nhân mất mát nhiều nhất, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons là người đứng đầu. So với “đỉnh” CTD thiết lập năm 2017, giá trị cổ phiếu CTD thuộc sở hữu của ông Dương hao hụt 312 tỷ đồng.

Dù vậy, với khối tài sản lên đến 615 tỷ đồng, ông Nguyễn Bá Dương vẫn đứng rất sát Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông đứng ngay trên “đối thủ” là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Thời gian qua, cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cùng chung số phận của CTD khi giảm rất sâu.

Vì sao nên nỗi?

Không phải bỗng dưng cổ phiếu “nóng” như CTD lại bị nhà đầu tư quay lung. Thứ nhất, theo “quy luật bất thành văn” của thị trường chứng khoán, khi đã tăng quá mạnh, thì cổ phiếu sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, đà điều chỉnh của CTD là quá sâu.

vnf-coteccons

Cổ đông lo ngại Central Cons xuất hiện sẽ gây áp lực lớn cho Coteccons.  

CTD bị điều chỉnh quá sâu còn do nhiều nguyên nhân khác. Trước hết, hoạt động kinh doanh của Coteccons bất ngờ đi xuống. Theo báo cáo tài chính quý 1/2018 của Coteccons, lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 của công ty đạt 290 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 300 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm từ 4.361 tỷ đồng xuống 4.311 tỷ đồng.

Đà giảm của các chỉ tiêu kinh doanh này không đáng kể. Tuy nhiên, với nhà đầu tư, tỷ lệ giảm không quan trọng bằng nguyên nhân giảm. Hiện tại, Coteccons đang phải đối mặt với chính “người nhà”. Đó là Công ty cổ phần Xây dựng Central - Central Cons. 

Central Cons mới được thành lập vào tháng 7/2017. Điều đáng nói, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons. 

Cổ đông lo ngại Central Cons xuất hiện sẽ gây áp lực lớn cho Coteccons. Và lo lắng của cổ đông hoàn toàn không phải không có lý. Dù mới thành lập nhưng Central Cons liên tiếp trúng thầu nhiều hợp đồng lớn, đặc biệt từ những khách hàng truyền thống của Conteccons như SSG Group, Phát Đạt... 

Trong Đại hội đồng cổ đông mới diễn ra, ông Nguyễn Bá Dương đã lên tiếng trước hiện tượng “người nhà” bỏ việc lập công ty xây dựng khác. Ông Dương bình luận, cán bộ thì họ có quyền nghỉ, CTD tôn trọng họ.

“Nhưng với thông tin những người này mang 50 - 60% công việc của CTD đi thì CTD cam đoan không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Công ty, chưa kể qua việc này CTD cũng thanh lọc được những người không đáng”, một nguồn tin trích dẫn lời ông Dương.

 Video: Cách mua nhà đất thông minh, tránh phải bẫy lừa đảo

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn