Vì sao Bộ GTVT vật lộn với các khái niệm 'thu phí', 'thu giá', 'thu tiền'?

Kinh tếThứ Tư, 08/05/2019 17:15:00 +07:00

Chuyên gia về giá thị trường Ngô Trí Long cho rằng đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là “đúng bản chất vấn đề”.

Bộ Giao thông vận tải sau một thời gian trả lại tên “trạm thu phí” cho các “trạm thu giá”, đang khiến dư luận ồn ào khi đề xuất sử dụng tên gọi “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải có gọi bằng tên nào đi nữa thì bản chất của việc “thu phí” vẫn không đổi, phương tiện khi đi qua trạm vẫn phải trả tiền mua vé. Ngoài ra, việc ngành giao thông loay hoay, vật lộn với các khái niệm “thu phí”, “thu giá”, “thu tiền” khiến dư luận băn khoăn về động cơ của việc đổi tên.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), Bộ Giao thông vận tải đề xuất đổi tên trạm thu phí thành “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ” là đúng luật và đúng bản chất vấn đề.

3bc08f2b676d8e33d77c

 PGS TS Ngô Trí Long-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính).

Ông Long nói: “Đánh giá việc đổi tên này đúng hay sai, chúng ta cần làm rõ bản chất kinh tế của hai thuật ngữ này trong nền kinh tế thị trường và trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Bản chất “phí” là “giá” nhưng khác nhau ở chỗ, “phí” là khoản tiền phải trả do dịch vụ công cung cấp, mang tính phục vụ, nhằm bù đắp một phần ngoài khoản mà ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp; hoặc cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

 
Vấn đề gây bức xúc nhất đối với công luận về BOT đó là mức phí và vị trí đặt các trạm thu phí. Đây là nguyên nhân chủ yếu để gây sự phản đối trước việc đổi tên này.

Ông Ngô Trí Long

Còn giá là khoản tiền phải trả trong hoạt động mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo quy luật thị trường (quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu). Bản chất kinh tế của giá trong cấu thành của nó là tính đúng, tính đủ chi phí trong sản xuất hàng hóa, dịch vụ”.

Vẫn theo chuyên gia Ngô Trí Long, hiện nay giá và phí được điều chỉnh bởi 2 Luật là Luật giá 2012 và Luật Phí & lệ phí 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017. BOT là là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Nếu hệ thống hạ tầng đường bộ do nhà nước đầu tư, thu tiền được gọi là phí sử dụng đường bộ. Khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công, nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ không phù hợp với bản chất kinh tế của nó và trái với luật đã ban hành”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Ông Long cho rằng về bản chất kinh tế của “phí” và “tiền”, việc đổi tên “thu phí” sang “thu tiền” hoặc “thu giá” là không có gì sai và không trái với luật định đã ban hành.

Vấn đề phản ứng của dư luận và loay hoay của Bộ Giao thông vận tải, theo ông Long do quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT đã xảy ra tồn tại, bất cập.

“Vấn đề gây bức xúc nhất đối với công luận về BOT đó là mức phí và vị trí đặt các trạm thu phí. Đây là nguyên nhân chủ yếu để gây sự phản đối trước việc đổi tên này”, ông Long nói.

Theo dự thảo mới, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông. Tài sản của trạm gồm nhà điều hành, nhà bán vé, cổng soát vé, thiết bị kiểm soát, điện chiếu sáng, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thiết bị giám sát và các công trình phụ trợ...

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của đơn vị thu tiền là bảo trì công trình, tổ chức giao thông an toàn, thông suốt. Đơn vị này phải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông. Đặc biệt, đơn vị thu không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý các hành vi gian lận như không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại...

Trong quá trình thu, các thông tin của dự án đường bộ phải được công khai trên biển báo điện tử tại nhà điều hành trạm bao gồm tên dự án, giá trị công trình dự án, tổng thời gian được thu tiền, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, số điện thoại đường dây nóng...

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn