TS Lê Đăng Doanh: 'VinFast sẽ là biểu tượng của công nghiệp Việt Nam'

Kinh tếThứ Tư, 03/10/2018 11:21:00 +07:00

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao việc VinFast đã đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đưa thương hiệu xe hơi Việt ra thế giới tại Paris Motor Show 2018.

PV đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh về sự kiện lần đầu tiên một thương hiệu ô tô Việt vươn tầm thế giới khi tham dự triển lãm ô tô thế giới tại Paris.

VinFast tạo dựng được chuỗi giá trị Việt

- Ô tô thương hiệu Việt cuối cùng cũng đã hiện hữu và chuẩn bị bước ra sân khấu lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Ông có bất ngờ không khi chúng ta đã có thương hiệu xe hơi sánh ngang với các “người khổng lồ” trong ngành?

Tôi rất trân trọng bước tiến này của Vìnfast Với VinFast, lần đầu tiên chúng ta có ô tô mang đi triển lãm quốc tế là bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tôi cho rằng, đó là kết quả bước đầu từ việc Vingroup chuyển hướng đầu tư vào công nghiệp ô tô rất được mong đợi. Vingroup đã đầu tư có hệ thống, bài bản, mời được chuyên gia như ông Võ Quang Huệ, ông James B.DeLuca hay nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia xây dựng thương hiệu. Từng bước đi của VinFast, chúng ta có niềm tin về thành công của ô tô mang thương hiệu Việt.

TS Le Dang Doanh

TS Lê Đăng Doanh 

- VinFast đã tạo hai ấn tượng đặc biệt cho giới chuyên môn: Một là tốc độ nhanh kỷ lục, hai là thiết kế đẳng cấp. Ông đánh giá như thế nào về cách làm hơi khác của Vingroup, lấy kỹ thuật của Đức, công nghệ của châu Âu, thiết kế Ý, và sáng tạo của Việt Nam đưa vào thương hiệu xe này?

Việc triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống chứng tỏ họ có trình độ chuyên môn, hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực này. Bởi ô tô thuộc lĩnh vực công nghiệp phức tạp, cạnh tranh hết sức gay gắt, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo, có chất lượng. Đồng thời, họ cũng cần chuẩn bị trang thiết bị, thiết kế công nghệ và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Đó là những tiêu chí đang được quan tâm.

- Trước nay doanh nghiệp Việt Nam đều mong mỏi được tham gia chuỗi giá trị các hãng xe, mặt hàng sản phẩm lớn có giá trị. Tuy nhiên, Vingroup có cách làm hoàn toàn khác. Các hãng lớn lại trở thành đối tác cùng tham gia vào chuỗi giá trị do Vingroup tạo ra. Ông đánh giá thế nào về tầm ảnh hưởng, cách làm và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam?

PMS2

2 mẫu xe Vinfast ra mắt tại Paris Motor Show nhận được sự quan tâm của báo chí và công chúng quốc tế 

Vingroup xây dựng thương hiệu và làm chủ chuỗi giá trị, thành công trong thu hút các công ty có danh tiếng của nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị đó. Đó là điều rất đặc biệt, đi ngược lại hoàn toàn so với trước đây.

Tôi cho rằng thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài có danh tiếng như BMW, Bosch, Pininfarina hay Magna Steyr, AVL… chứng tỏ họ đánh giá cao và có niềm tin vào Vingroup. Đấy là một thành công quan trọng, bước tiến dài của VinFast khi bước chân vào ngành công nghiệp ô tô.

Chính phủ cần ủng hộ các doanh nghiệp như VinFast

- Thưa ông, từ lâu mong ước đưa sản phẩm của Việt Nam ra cạnh tranh trên thế giới trong cuộc chơi toàn cầu là mong muốn của nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp. Việt Nam đã có nông sản, cà phê, hoa quả. Tuy nhiên lần này, sản phẩm lại khá đặc biệt. Ông đánh giá như thế nào về việc tham gia cuộc chơi toàn cầu bằng sản phẩm như thế này?

Tham gia sản phẩm mới như vậy là rất đáng trân trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải có thương hiệu Việt Nam và hàm lượng nội địa của sản phẩm đó phải đủ cao để chúng ta có tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Ví dụ, tỷ lệ giá trị gia tăng hãng dệt may của chúng ta đã từ 15% lên 30%, 50%. Tỷ lệ nội địa hóa điện thoại Samsung thông minh của chúng ta là 18%, cần phấn đấu lên 50%. Vậy tỷ lệ giá trị gia tăng của ô tô này sẽ được nâng lên bao nhiêu?

Tôi nghĩ đấy là điều người dân rất mong mỏi Vingroup sẽ tiên phong trong việc dần dần nâng cao giá trị gia tăng, để sản phẩm đó thực sự đem lại công ăn việc làm, sự phồn vinh cho đất nước.

- Với sản phẩm này ông có tin rằng doanh nghiệp Việt Nam từ nay có đủ sức để vươn tầm ra thế giới?

Tôi rất mong như vậy dù thị trường quốc tế cạnh tranh rất gay gắt. Bằng tầm nhìn dài hạn và sự đầu tư mạnh mẽ, chúng ta sẽ có các ô tô thương hiệu Việt vươn ra quốc tế.

PMS3 3

2 mẫu xe Vinfast ra mắt tại Paris Motor Show nhận được sự quan tâm của báo chí và công chúng quốc tế 

- Năm ngoái Vingroup đầu tư vào công nghiệp để hỗ trợ, đón bắt xu hướng. Năm nay Vingroup lại đầu tư rất mạnh vào công nghệ. Ông đánh giá việc “chuyển mình” của Vingroup?

Việc Vingroup chuyển hướng đầu tư vào trường đại học và viện nghiên cứu khoa học, công nghệ sản xuất ô tô, xây dựng một hệ thống viện công nghệ như vậy chứng tỏ tầm nhìn của người đứng đầu. Từ đó sẽ làm gia tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm của Vingroup.

Như về chế tạo ô tô, Vingroup sẽ thu hút được doanh nghiệp Việt Nam cung ứng phụ tùng, phụ kiện, linh kiện cho sản phẩm ô tô này. Như vậy, Vingroup sẽ là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô của Việt Nam.

- Hiện ngành công nghiệp ô tô thế giới đang gặp khó khăn và lợi nhuận từ ô tô không cao, thu hồi vốn chậm. Một mình doanh nghiệp Việt Nam như Vingroup tuy là mạnh nhưng có cần cơ chế hỗ trợ của nhà nước giống như cách mà Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã làm?

Rất cần! Tôi mong nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ thích đáng cho Vingroup vì VinFast là sản phẩm mới, có tính chất biểu tượng cho sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam. Vai trò của nhà nước rất quan trọng để kiến tạo chính sách công nghiệp khôn khéo.

- Thế nhưng, Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào để không vi phạm các cam kết quốc tế thưa ông?

Nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận với đất đai và hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Đấy là những điều nhà nhà nước có thể làm được ngay mà không vi phạm các cam kết quốc tế. VinFast cần sự ủng hộ quốc gia để bứt lên, trở thành biểu tượng của công nghiệp Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn