Tích đủ ngàn tỷ, đại gia Việt chinh phục thế giới

Kinh tếThứ Bảy, 12/04/2014 07:16:00 +07:00

Các doanh nhân trong nước đã ý thức nâng cao năng lực tài chính để đủ sức vươn mình ra quốc tế, cạnh tranh với quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt về quy mô vốn và tài sản của nhiều doanh nghiệp gần đây cho thấy không ít các doanh nhân trong nước đã ý thức nâng cao năng lực tài chính để đủ sức vươn mình ra quốc tế, cạnh tranh với quốc tế.

Lớn mạnh trong nước

“Thời vàng son của Đông Á qua rồi, giờ đến Đông Nam Á, mà vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Chúng tôi đã thắng ở Việt Nam, thắng những tập đoàn đa quốc gia có hàng tỷ USD, kinh nghiệm hàng trăm năm. Giờ là lúc chúng tôi vươn ra quốc tế”, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen tự hào chia sẻ.

Tâm sự của ông Vũ có lẽ không hề quá bởi Hoa Sen được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôn hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á với sản phẩm tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tôn Hoa Sen đang vươn ra quốc tế mạnh mẽ đến mức bị kiện chống bán phá giá ở một số nước. Hoa Sen đang tính đầu tư vào các nhà máy ở Indonesia, Myanmar và Thái Lan.

Một điều đáng ngạc nhiên ở doanh nghiệp này là tốc độ tăng trưởng “khủng” về mọi mặt. Khởi đầu từ một cơ sở bán tôn, sau đó là doanh nghiệp vốn khiêm tốn 30 tỷ đồng và bất ngờ vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô nghìn tỷ, có doanh thu 12 nghìn tỷ sau hơn chục năm tham gia thị trường.

tôn
Sản phẩm tôn của doanh nghiệp Việt 
Không dừng lại ở đó, thỏa thuận với VietinBank với hạn mức tín dụng ngắn và dài hạn trị giá 2.500 tỷ đồng để thực hiện các chiến lược phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng, nâng cao năng lực sản phẩm và mở rộng thị phần sang các thị trường giàu tiềm năng ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi, hướng tới doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2017 cũng phần nào cho thấy “suy nghĩ lớn” của ông chủ của doanh nghiệp này.

Trên thị trường, giới đầu tư chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp đã không ngừng vươn lên tầm cao mới cả về quy mô và thương hiệu như Vinamilk, Thủy sản Hùng Vương, FPT, Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Ma San, Hoàng Anh Gia Lai...

Vinamilk được đánh giá sẽ lọt vào danh sách một trong 50 nhà sản xuất sữa hàng đầu thế giới với doanh thu đã đạt con số hơn 1 tỷ USD từ 2010, hơn 1,3 tỷ USD vào 2012 và hướng tới con số 3 tỷ USD vào năm 2017. Doanh nghiệp này trong năm vừa qua đã triển khai nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài để thực hiện kế hoạch lớn mạnh của mình.

Doanh nghiệp này gần đây đã đưa vào vận hành thêm 2 “siêu nhà máy”, 1 chuyên sản xuất sữa nước có vốn đầu tư 2.400 tỷ dồng với công suất 800 triệu lít sữa/năm và 1 chuyên sữa bột trẻ em có quy mô vốn tương đương cùng được đặt ở khu vực phía Nam.

Một tấm gương điển hình khác về mở rộng quy mô là Thủy sản Hùng Vương (HVG). Doanh nghiệp của doanh nhân Dương Ngọc Minh là đơn vị đầu đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam và cũng là trong khu vực Đông Nam Á có doanh số tính bằng tỷ USD vào năm 2015.

Hiện tại, ngành thủy sản của Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn do các nước tìm biện pháp kiềm hãm nhập khẩu. Tuy nhiên, với quy mô vốn nghìn tỷ, doanh thu hơn 11,3 nghìn tỷ và lịch sự tăng doanh thu tăng 1.000 lần trong 10 năm qua (phần lớn nhờ xuất khẩu) cho thấy khả năng cạnh trạnh với quốc tế là rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp trong nước lớn mạnh rất nhanh trong thời gian qua và được đánh giá có thể vươn ra biển lớn, cạnh tranh với quốc tế như: FPT của ông Trương Gia Bình, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức, Tân Hiệp Phát của ông chủ Trần Quý Thanh, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long, Ma San của ông Nguyễn Đăng Quang, VietJetAir của ông Nguyễn Thanh Hùng...

Cơ hội trở thành “người chiến thắng”

Có thể thấy, cái tư duy “ao làng” giờ đã không còn hợp thời nữa. Với rất nhiều những nỗ lực hội nhập để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, nếu các doanh nghiệp không tự thân vận động để vươn lên thì họ có thể bị thải loại.

Hàng loạt các cảnh báo gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước có thể bị nhấn chìm khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp... sẽ giết chết các doanh nghiệp chăn nuôi, làm tổn thương doanh nghiệp nông nghiệp, làm khó doanh nghiệp thủy sản, doanh nghiệp dệt may...

Tuy nhiên, TTP hay hội nhập nói chung cũng là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp lớn mạnh về quy mô, về thương hiệu, làm ăn chuyên nghiệp. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp tự lớn lên đón nhận cơ hội này.

thủy sản
Thủy sản mang lại tỷ USD cho Việt Nam 
Chia sẻ với Bloomberg gần đây, ông Lê Phước Vũ cho rằng, doanh nghiệp của ông sẽ trở thành “người chiến thắng” nếu TTP được thông qua. Doanh thu của HSG tại Bắc Mỹ sẽ tăng gấp 10 lần trong vòng một năm.

Trước đó, ông Vũ đã nhiều lần khẳng định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Thế mạnh của Việt Nam là thủy sản, là nông sản nhưng không phải vì thế mà các ngành khác không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hoa Sen đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu hàng trăm triệu USD mặt hàng tôn.

Tất nhiên, để thành công được trên các thị trường quốc tế, Hoa Sen đã thực sự lớn mạnh rất nhiều trong vài năm gần đây và đã thắng ở thị trường trong nước với thị phần hơn 40%.

Cũng như Hoa Sen, Vinamilk gần đây đang vươn ra thị trường quốc tế sau khi đã trở thành “ông lớn” về quy mô ở trong nước với 50% thị phần sữa nội địa. Qua đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm sữa của doanh nghiệp này gần đây tăng trưởng bình quân 70%/năm.

Trong nhiều năm qua, một mục tiêu quan trọng đã được ông Trương Gia Bình cũng như HĐQT của FPT đặt ra là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này pải trở thành một doanh nghiệp lớn trong khu vực, tăng doanh thu tại thị trường ngoại lên con số tính bằng tỷ USD.

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức trong khi đó cũng đã thôi không làm bất động sản ở trong nước mà vươn ra khu vực, đầu tư hàng trăm triệu USD tại Myanmar; rót hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cao su, mía đường tại Lào, Campuchia...

Có thể thấy, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, không ít doanh nhân đã đặt ra mình những mục tiêu mới trong thời kỳ kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng. Một trong những mục tiêu đó là doanh nghiệp phải lớn mạnh, năng lực tài chính, quy mô và thương hiệu đều phải lên một tầm cao mới để không chỉ cạnh tranh trong nước mà cạnh tranh với quốc tế.

Trong một thế giới mà sự cạnh tranh ngày càng được đẩy lên cao thì các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ khó lòng tồn tại. Doanh nhân cần phải có quy mô ngày càng lớn thông qua các giải pháp như tự lớn mạnh hoặc M&A để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành.

Những hình ảnh như một người chăn một vài con bò, con trâu hay một gia đình chăn vài ba trăm con gà con vịt có thể sẽ được thay thế bằng những trang trại nuôi vài chục nghìn cá thế, thậm chí nhiều triệu cá thể để có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ở trong nước, nhiều ngân hàng được gọi là “ông lớn” nhưng so với khu vực chỉ thuộc tốp nhỏ và vừa. Xu hướng M&A giữa các ngân hàng gần đây được xem là một động thái nâng cao năng lực tài chính để hội nhập.

Với ngành dệt may, cho dù là thế mạnh của Việt Nam nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt mới chỉ làm nhiệm vụ chính là gia công. Nền kinh tế cần những doanh nghiệp lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, Vinatex, Garmex Sài Gòn... tiến tới làm được mọi khâu (từ sợi cho đến may) để được hưởng ưu đãi khi hội nhập. Doanh nghiệp càng có quy mô sản xuất lớn, có thương hiệu và uy tín trên thương trường quốc tế, có công nghệ, hệ thống quản trị sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu... thì lợi nhuận càng cao.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đã đủ sức để “ra biển lớn” nhưng đại đa số các doanh nghiệp khác lại rất nhỏ bé. Việc hợp tác, liên kết hoặc mua bán sáp nhập có thể là giải pháp để lớn mạnh, cạnh tranh được ngay trên thị trường nội địa và vươn ra nước ngoài.

Theo Mạnh Hà/VEF

Bình luận
vtcnews.vn