Thương lái Trung Quốc mua đủ thứ lạ đời

Kinh tếThứ Ba, 05/03/2013 02:38:00 +07:00

Càng ngày, danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng được nối dài, từ sừng, móng trâu bò, ốc bươu vàng,...

Càng ngày, danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng được nối dài, từ sừng, móng trâu bò, ốc bươu vàng, gỗ sưa, dứa, dừa non, rễ sim, hoa ngâu, lá cây phong ba, hạt chè, xơ dừa cho đến đuôi trâu, phân trâu.

Câu chuyện dân buôn Trung Quốc nay mua thứ này, mai mua thứ khác luôn là chủ đề nóng từ làng quê ra thành thị. Dù mua bán công khai hay lén lút với thương lái Trung Quốc thì đa số người dân cũng không rõ “Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì?”.
 
Mua phân trâu khô

 
Từ năm trước, tình trạng thu gom, mua bán phân trâu khô của thương lái Trung Quốc tại biên giới giữa ba nước Việt-Trung-Lào ở Apachair, Mường Né, Điện Biên đã diễn ra rất nhộn nhịp. Vào các buổi sáng, có hàng chục lượt xe công nông chất đầy các bao phân trâu khô của bà con các bản giáp biên giới lại tấp nập nối đuôi nhau mang bán cho tư thương Trung Quốc.

 
Phân trâu mà bà con thu gom ở các đồi núi, khu chăn thả gia súc trong vùng được bán với giá 60.000 đồng/bao 15kg. Tính ra mỗi kg phân trâu khô có giá chỉ có 4.000 đồng, con số này không lớn nhưng đã thu hút được rất nhiều người dân ở các bản giáp biên giới Apachai tham gia.

Mua... đỉa
 
Thương lái Trung Quốc trả giá mua đỉa rất cao lên tới vài trăm nghìn/kg khiến không ít người dân đã bỏ công bỏ việc để đi săn đỉa đem bán bởi công việc này đơn giản lại kiếm được nhiều tiền. Cuối năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) cũng ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho các đầu nậu.

Nhưng sau đó, các đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh đồng đầy đỉa và nỗi lo sợ cho người dân. Tình trạng thu gom đỉa diễn ra rất nhiều ở các tỉnh trên cả nước. Việc các đầu nậu thu gom một thời gian rồi chuyển sang địa điểm khiến môi trường và hệ sinh thái ở đó bị ảnh hưởng nặng nề vì đỉa xâm nhập.

 
Ở một số địa phương, người dân buôn bán đỉa một cách công khai thì ở một số nơi khác việc mua bán đỉa lại diễn ra vô cùng kín đáo. Việc thu gom đỉa ở đây đã mang lại một món hời lớn cho người dân, có thôn cả nhà đi thu gom đỉa. Có người đi bắt đỉa nửa tháng thì sắm được xe máy, ti vi. Một người dân ở xóm Nhội, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: "Đỉa mà chúng tôi bán cho thương lái giá từ 650.000 - 900.000 đồng/kg nhưng tôi nghe nói khi đỉa được chuyển qua cảng sang Trung Quốc thì giá lên tới 10 triệu đồng/kg”.
 
Mua cây ngâu
 
Cuối năm 2011, thương lái Trung Quốc bắt đầu sang xã Diêm Tiêu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để tìm mua cây hoa ngâu. Họ không cho biết mình mua cây ngâu về để làm gì nhưng cứ cây nào cao ráo, xum xuê là họ hỏi mua với giá 3,5 triệu đồng/cây. Từ đó nhiều người từ bắc tới nam lần lượt kéo về huyện Phù Mỹ lùng sục mua cây ngâu. Có những gia đình bán 20 cây một lượt, mỗi cây từ 2 - 3 triệu đồng thu về hơn 60 triệu đồng.

 
Sau khoảng 20 năm khai thác, cây trở nên già cỗi, năng suất thấp, nhiều người đang định hết mùa sẽ chặt bỏ làm củi để nhường chỗ cho những cây ngâu nhỏ vượt lên thì người ta lại ầm ầm kéo đến hỏi mua, bỗng dưng bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Từ mua cây đến tiền thuê người cắt tỉa cành, đào bầu đất, vận chuyển … tính ra mỗi cây ngâu thương lái phải bỏ ra hơn chục triệu đồng, trong khi, người dân ở đây khi được hỏi đều cho biết “không biết họ mua về để làm gì mà tranh giành nhau mua nhiều thế”.
 
Mua hạt chè
 
Tháng 12 vừa qua, tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên có hiện tượng người dân thu hái quả chè để lấy hạt bán cho thương lái Trung Quốc. Hạt của tất cả các giống chè chỉ cần đạt tiêu chuẩn còn tươi là sẽ được thu mua hết với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Điều lạ là thương lái mua hạt chè không phân biệt, đề cập đến chất lượng giống hay kích cỡ hạt, chỉ cần còn tươi là được. Các đầu nậu cho biết, thương lái đến tận địa phương đặt tiền, hễ thu gom được khoảng 2 tấn sẽ cho xe đến tận nơi nhận hàng. Ngoài ra họ cũng không biết hạt chè được thu mua để sử dụng vào mục đích gì.
 
 
Mua rễ sim
 
Tại Lạng Sơn, đầu tháng 9/2012, hàng loạt người dân huyện Lộc Bình bất ngờ đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán “giá cao” cho thương lái Trung Quốc. Hiện nay việc đào rễ sim đã trở thành “phong trào” ở nơi đây. Hiện nay, thương lái Trung Quốc đang mua rễ sim với mức giá “khá hời” là 2.500 đồng/kg. Với mức giá đó cộng với “năng suất” đạt gần 100kg/ngày, nhiều người dân có thể bỏ túi gần 250.000 đồng/ngày mà không tốn quá nhiều sức.
 
Việc thu mua rễ sim cũng chưa xác định rõ mục đích nhưng hậu quả mà nó mang lại là khá lớn. Việc phá hủy các rừng sim trên diện rộng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, giảm khả năng ngăn nước từ thượng nguồn đổ về, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét. Ngoài ra, còn ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh, trật tự.
 
Mua cây phong ba
 
Thương lái Trung Quốc thường đặt một số lượng lớn cây phong ba với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, người dân cũng được lãi 8.000 - 10.000 đồng/kg. Thấy lợi nhuận lớn, nhiều người dân đặc biệt là ngư dân bỏ hẳn việc đánh bắt hải sản vượt biển tìm đến những hòn đảo như hòn Mỹ, hòn Miễu, hòn Ton... thuộc 2 xã Quảng Điền và Quảng Phong ngoài biển quyết tìm bằng được loại cây này.
 
Người dân tại đây cho biết, loại cây này xuất hiện rất nhiều tại các núi đá vôi, đến đảo nào cũng mọc um tùm, thời gian đầu chỉ trong một ngày, một gia đình có thể thu gom được hơn 1 tạ cây tươi, bán được gần 2 triệu đồng. Cây phong ba có khả năng làm sạch không khí nên việc thương lái Trung Quốc mua cây phong ba sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước ta cũng như giá trị kinh tế về lâu dài.
 
Mua cây mật gấu
 
Cây mật gấu, tiếng địa phương gọi là ke ních. Trong sách có tên mã hồ, có trong sách đỏ Việt Nam 2007 ở hạng mục nguy cấp (EN). Là cây thuốc quý hiếm dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan, vàng da, mấy năm nay, mật gấu bị khai thác mạnh làm thương phẩm ở Thài Phìn Tủng và các xã lân cận. Loại cây bụi có chiều cao 2-4 mét, hoa màu vàng này chỉ mọc trên núi đá.

 
Cả bó trăm cây được thương lái thu mua với giá rất rẻ chỉ 20.000 đồng. Nhưng vì đời sống của người Mông khó khăn nên dù chẳng được bao nhiêu tiền nhưng không mất vốn nên người dân vẫn tích cực chặt cây đem bán.Theo TS Lê Trần Chấn, Giám đốc Trung tâm An toàn và Đa dạng Sinh học, cây mật gấu có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Trên các núi đá tai mèo ở Thài Phìn Tủng và các xã lân cận, không dễ kiếm được loài cây có hoa vàng, thân bụi này.
 
Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn