Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá cần tăng ít nhất 5.000 đồng/bao

Kinh tếThứ Tư, 26/09/2018 11:30:00 +07:00

Tại hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, các chuyên gia khuyến cáo, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thu ngân sách, chính sách thuế TTĐB với thuốc lá nên được cải cách theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ hiện nay.

Thuế thuốc lá đang ở mức thấp

Thông tin tại hội thảo cho biết, Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá đứng thứ 3 ASEAN và thứ 9 trên thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, trong đó tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3% kéo theo gánh nặng bệnh tật và phí tổn khổng lồ.

Theo tính toán, năm 2015, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 24.000 tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng GDP cả nước 2011) là tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh gây ra bởi thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả. 

Chính vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất để phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả là tăng thuế TTĐB, nhằm tăng giá bán. Theo WHO và Ngân hàng Thế giới, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO, thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế, thì tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam (bao gồm cả thuế GTGT) chỉ chiếm khoảng 36%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).

ban sao tang thue ttdb thuoc laok

 

Tránh hiện tượng chuyển giá 

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN được đăng tải lấy ý kiến các bộ ngành đề xuất: từ 1/1/2020, áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà.

Theo WHO, phương án này có tác động giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng. Tuy nhiên, như vậy mới chỉ giúp đạt ¼ mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Mô hình ước tính cho thấy, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc.

Khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc. 

Dưới góc độ cơ quan quản lý y tế, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá với phương án bổ sung thuế tuyệt đối của Bộ Tài chính. Vì thuế tuyệt đối có tác động lên giá bán một cách chắn chắn hơn, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất.

Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng về đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá do Vital Strategy thực hiện ở Hà Nội và TP HCM vào tháng 1/2018 cho thấy, có tới 94% thành viên nhóm không hút thuốc lá cho biết, thuế thuốc lá nên tăng ít nhất 5.000 đồng/bao.

Đối với nhóm không hút thuốc lá, cũng có tới 57% ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng. Một nghiên cứu khác do trường Đại học thương mại phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada thực hiện với gần 600 thanh thiếu niên độ tuổi 13-24 cho thấy, có tới 76,2% nhận định giá thuốc lá hiện đang ở mức rẻ và trung bình (76,2%) và 83,5% ý kiến ủng hộ việc tăng thuế để tăng giá bán thuốc lá.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là, đề xuất tăng thuế TTĐB có làm gia tăng tình trạng buôn lậu. Giải đáp vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chính sách (DEPOCEN) chia sẻ, việc các nhà sản xuất thuốc lá đưa ra lý do tăng thuế thuốc lá trong nước sẽ làm gia tăng buôn lậu là không đúng.

Kết quả nghiên cứu của DEPOCEN cho thấy, có sự giảm sút đáng kể về tỷ lệ thuốc lá bất hợp pháp ở Việt Nam trong giai đoạn 2012 (20,7%) và 2017 (13,6%), ngay cả khi giai đoạn này Việt Nam có thực hiện tăng thuế thuốc lá (vào năm 2016). Bên cạnh đó, những nhãn hiệu thuốc lá lậu phổ biến ở Việt Nam được phát hiện bao gồm Hero, Jet, 555, Esse, Craven A.

Trong đó tính riêng Hero và Jet đã chiếm phần lớn thị phần thuốc lá lậu (84,9% năm 2012 và 83,6% năm 2017), đây là hai nhãn hiệu thuốc lá ngoại không có sản xuất trong nước. Xét về giá, thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp.

Điều này phản ánh rất rõ việc sử dụng thuốc lá lậu ở Việt Nam là thị hiếu thay vì vấn đề giá. Kết quả này cũng trùng với kết quả nghiên cứu của WHO tại 76 nước. Theo đó, các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp thì tình trạng buôn lậu lại xảy ra nhiều hơn so với những nước có mức giá và thuế cao hơn. Bên cạnh đó, thực tế nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công cùng với việc tăng thuế và giá bán.

Thúy Nga(Nguồn: tapchithue.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn