Thủ tướng: Xuất khẩu quan trọng, thị trường 100 triệu dân trong nước càng quan trọng

Kinh tếThứ Sáu, 21/02/2020 11:39:58 +07:00
(VTC News) -

Xuất khẩu nông sản rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy khi chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp ngày 21/2 tại Hà Nội.

“Xuất khẩu nông sản rất quan trọng nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng hơn. Nếu ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Xuất khẩu quan trọng, thị trường 100 triệu dân trong nước càng quan trọng - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Từ đó ông cho rằng cần có chính sách, biện pháp để tháo gỡ cho ngành chế biến, nhất là chế biến sâu khi mà hiện nay, số lao động nông nghiệp còn đông, chủ yếu làm thủ công, mức độ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất thấp.

Nhìn thẳng vào những khó khăn tồn tại của ngành, Thủ tướng mong muốn được nghe các ý kiến góp ý về các tồn tại, vướng mắc để hình thành tư duy chính sách tháo gỡ sát thực.

“Thời gian qua, chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung, vậy từ hội nghị hôm nay, nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là 'cú đấm thép' của nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói và đề nghị các đại biểu nói ngay vào các điểm then chốt, các chính sách cần tập trung tháo gỡ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề thị trường nông sản nhất là khi Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua. "EVFTA và EVIPA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường gần 20.000 tỷ USD có yêu cầu cao của EU. Chúng ta cần thảo luận cả vấn đề thị trường đối với nông sản", Thủ tướng lưu ý.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, 10 năm gần đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, công nghiệp chế biến nông sản làm nền nông nghiệp thay đổi nhanh từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu.

Thủ tướng: Xuất khẩu quan trọng, thị trường 100 triệu dân trong nước càng quan trọng - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện. (Ảnh: T.Đ)

Nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%, khâu gieo, trồng đạt 42%, các khâu chăm sóc đạt 77%, khâu thu hoạch lúa đạt 65%...

Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua (năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác.

Đặc biệt, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, từ 10-20% do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu.

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70-85%, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%, trong đó thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%.

Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Do đó ông Cường nhấn mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.

Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp sẽ đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Thủ tướng: Xuất khẩu quan trọng, thị trường 100 triệu dân trong nước càng quan trọng - 3

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH. (Ảnh: T.Đ)

Chia sẻ tại hội nghị, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi đột phá về tư duy, tránh đi theo lối mòn cũ. “Giờ nói về công nghệ không là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị. Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả 1 con đường dài và còn nhiều việc phải làm”, bà Hương nói.

Người sáng lập Tập đoàn TH mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân, hài hoà lợi ích, cùng nhau phát triển.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho hay trong thời gian qua, nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng đã đến lúc cần xem xét để cơ cấu lại mà chủ yếu là thị trường hội nhập kinh tế thế giới.

“Nông nghiệp phải theo 2 hướng quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường chiếm tỷ lệ nhất định. Thứ nữa khi tổ chức sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông, phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao. Quá trình làm hữu cơ phải xuất phát từ giống, theo yêu cầu của thị trường”, ông Dương nói.

Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp" được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Hội nghị kỳ vọng thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.

 

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn