Thiếu nữ dân tộc Thái và cuộc ‘tẩu thoát’ ngoạn mục khỏi đa cấp

Kinh tếThứ Tư, 25/09/2013 11:34:00 +07:00

(VTC News) – Thoát khỏi “vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp”, thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Thái – Mạc Thị Ánh bật khóc nức nở, kể lể như đứa trẻ vừa bị bắt nạt.

(VTC News) – Thoát khỏi “vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp”, gặp lại người thân, thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Thái – Mạc Thị Ánh bật khóc nức nở, kể lể như đứa trẻ vừa bị bắt nạt.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Châu Thuận (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), quanh năm chỉ biết tới việc nhà nông, thôn nữ Mạc Thị Ánh (1992) từ nhỏ đã hiền dịu, thật như đếm.

Phải nói thêm rằng, Quỳ Châu là một huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất và chế biến nông lâm sản. Thế nhưng, gia đình của Ánh lại là hộ thuần nông, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc kiệt quệ tưởng như không có lối thoát.

Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, theo lẽ thường Ánh sẽ được cưng chiều nhất, nhưng từ nhỏ, Ánh đã phải theo bố mẹ ra đồng bắt cua, ốc về ăn tránh cái đói. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến việc học hành của cô dang dở.

Nụ cười của Ánh ngày đoàn tụ (Ảnh: Minh Quân)
Nụ cười của Ánh ngày đoàn tụ (Ảnh: Minh Quân) 
Xinh đẹp, nết na và cũng khá thông minh, nhưng học hết cấp 2, Ánh đã phải xếp lại nghiên mực để tìm kế mưu sinh.

Các anh chị trong nhà đều đã lập gia đình, “đầu ai chấy nấy”, để lại cho Ánh bố mẹ già đã gần lục tuần, nhưng gần như mất sức lao động sau hàng chục năm ròng rã lăn lộn với cuộc sống.


Tính cả lần ra Thái Bình sinh sống ở "vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp", Ánh được ra khỏi lũy tre làng 4 lần.

Trước đó, Ánh từng làm cho một công ty may mặc ở tỉnh Nghệ An, từng vào TP HCM kiếm sống rồi về Hà Nội làm nhân viên bán kem cho một công ty lớn, nhưng đều không trụ nổi quá lâu.


Nghe một chàng trai ở làng bên rủ rê với những lời lẽ ngọt như mía lùi về chuyện “đổi đời” khi ra Hà Nội làm công nhân của một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo, Ánh mủi lòng khăn gói quả mướp, từ biệt cha mẹ già đến xứ người với 1 triệu đồng dắt túi.

Số tiền này là cả gia tài mà bố mẹ Ánh dành dụm được tính đến thời điểm đó. Vợ chồng lão nông cũng chẳng giữ lại xu nào phòng lúc đổ bệnh tuổi già, đưa cả cho con với tất cả niềm tin và hy vọng.

Mất 250.000 đồng, Ánh đã vượt được cả chặng đường dài từ Nghệ An ra Hà Nội. Tới bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), nghe theo chỉ dẫn của Tiến – cậu chàng bảnh trai đã chiếm trọn niềm tin của cô gái trẻ này, Ánh bắt xe ôm tới bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai).

 

đó còn khổ hơn ở nhà làm ruộng với bố mẹ. 

Mạc Thị Ánh
 
Trớ trêu thay, bến xe Nước Ngầm vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong hành trình đi kiếm kế mưu sinh nuôi cha mẹ già của cô gái này. Tiến hẹn gặp Ánh ở Thái Bình và từ chối tiết lộ về công việc mà Ánh sắp được giới thiệu để làm.


Sợ bố mẹ lo lắng, vả lại rất tin tưởng và có thiện cảm với Tiến nên Ánh ngoan ngoãn vâng lời, tiếp tục bắt xe tới Thái Bình. Lần đầu tiên đến quê lúa Thái Bình, Ánh không khỏi bỡ ngỡ. Càng lo lắng hơn khi Tiến không trực tiếp ra đón cô mà cử một người bạn cùng phòng ra đón.

Hành trình tìm đường về quê mẹ

Biết không thể giấu Ánh lâu hơn nữa, ngay khi đón Ánh về phòng ở thôn Nghĩa Chính (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), Tiến tập hợp 20 thành viên (cả nam lẫn nữ) trong phòng cùng ngồi họp. Lúc này, Tiến mới nói cho Ánh nghe về công việc thực sự mà cậu định giới thiệu cho cô.

Áp lực tâm lý đám đông, trước sự cổ vũ tinh thần của nhiều người trong phòng, Ánh quyết định ở lại vương quốc này dù biết mình “bị lừa”.


Dù ở vùng sâu vùng xa, ít có dịp được tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng Ánh cũng mập mờ biết được đôi điều về công ty TNHH Lô Hội qua những câu chuyện quán nước bàn trà của những người hàng xóm ở xa về.

Do vậy, trong 4 ngày ở “vương quốc bầy đàn”, Ánh “nát óc” nghĩ ra đủ mọi cách để có thể thoát ra khỏi chốn này.
Một kiểu học nhóm của học viên Lô Hội
Một kiểu học nhóm của học viên Lô Hội 
Ánh chia sẻ: “Hàng ngày các anh chị trong phòng thay nhau giới thiệu về công ty rồi dạy em cách bán hàng đa cấp, cách xây dựng mạng lưới thông qua điện thoại. Mỗi lần em nản, định bỏ cuộc, về quê, họ lại thi nhau khuyên nhủ em ở lại. Do không tìm được lý do chính đáng để ra về nên em cứ ậm ờ”.


Tâm sự với phóng viên VTC News, Ánh cho hay, ngày đầu, khi mẹ cô bé gọi điện ra, Tiến nói với phụ huynh của Ánh là đang “cho em đi học lớp máy tính văn phòng, khoảng 3 – 6 tháng là có thể làm việc kiếm tiền mà không phải nộp học phí, chỉ mất tiền ăn, tiền phòng”.

Tin tưởng bạn của con, người mẹ già cả đời chưa rời khỏi lũy tre làng đồng ý cho con mình ở lại. Đến ngày thứ 2, biết mẹ nhẹ dạ cả tin người, Ánh gọi về nhờ mẹ nói với Tiến là bố không đồng ý cho cô ở lại để có cớ rút khỏi nơi này.

“Ở đó còn khổ hơn ở nhà làm ruộng với bố mẹ. Em phải nhồi nhét đủ thứ sách vở vào đầu trong khi ở nhà với bố mẹ em muốn làm gì thì làm, mệt thì lăn ra ngủ. Họ nói với em cả tiền ăn và tiền phòng một tháng em phải nộp 1,2 triệu đồng, riêng bữa sáng tự túc.

Nhưng khi đi, mẹ chỉ cho hơn một triệu đồng nên mới ở đây có 4 ngày em đã không còn xu nào. Giờ có muốn về quê với bố mẹ, em cũng chẳng còn tiền...”, Ánh vừa khóc vừa kể lại.

Thức trắng đêm, vượt hơn 300km tìm em vợ

Có lẽ, cả đời Ánh cũng sẽ không bao giờ quên được cuộc gặp định mệnh giữa cô và đồng chí Khướu Mạnh Cường - trưởng công an xã Phú Xuân (Thái Bình).

Chiều 9/9, trên đường từ nhà tới cơ quan, thấy một cô bé trạc tuổi con gái mình đang đứng bơ vơ ở gần nghĩa trang số 6 – điểm hẹn của các học viên Lô Hội với những nhân viên mới, ông Cường đã tiếp cận, hỏi han tình hình.

 

Ở nhà nhiều người không biết Ánh chỉ là học viên của Lô Hội nên cứ tưởng Ánh bị lừa bán sang Trung Quốc hay bị lừa vào động mại dâm nào đó nên rất lo lắng.

Anh Bạch Xuân Nam - anh rể Ánh
 
Sau khi biết được hoàn cảnh của Ánh, ông Cường đã báo cáo với cấp trên, cưu mang cô gái này cho tới lúc Ánh gặp được người thân của mình.


Về phía gia đình Ánh, ngay khi nhận được lời “kêu cứu” từ con gái và thông tin từ phía lực lượng công an tỉnh Thái Bình, do tuổi cao, sức yếu, bố mẹ cô đã cử người anh rể của Ánh là Bạch Xuân Nam ra Thái Bình đón em về.

Thức trắng đêm, vượt hơn 300km từ Nghệ An ra Thái Bình, anh Nam mang trong mình tâm trạng ngổn ngang, khó bút mực nào tả xiết.

“Ở nhà nhiều người không biết Ánh chỉ là học viên của Lô Hội nên cứ tưởng Ánh bị lừa bán sang Trung Quốc hay bị lừa vào động mại dâm nào đó nên rất lo lắng.

Khi tôi đi, mẹ vợ khóc nức nở, dặn dò đủ đường rằng bằng mọi giá phải đưa được em về.


Ánh từng đi làm xa nên lần này bố mẹ mới yên tâm để em ra Hà Nội một mình, đâu ngờ cơ sự tới nỗi này. Vả lại, con bé gọi điện về nhà cũng chỉ nói dối là con đang ở trọ ở gần bến xe Nước Ngầm khiến mọi thông tin cứ rối tung cả lên.

Khi nhận được thông báo của công an thành phố Thái Bình, bố mẹ tôi đã rất sốc. Gia đình muốn đưa Ánh về làm ở công ty, môi trường khác. Công ty Lô Hội chưa có danh tiếng trên thị trường và tôi cũng nghe báo chí phản ánh nhiều về họ rồi nên không muốn em mình đi theo con đường đó.

Quê tôi dù nghèo xác nghèo xơ nhưng cũng rất ít người theo Lô Hội. Dù rất mệt mỏi khi đi từ Nghệ An ra Thái Bình được, nhưng tôi không nề hà. Gặp được em, tôi muốn đưa dì về ngay kẻo ở nhà ông bà đang mong, như ngồi trên đống lửa”, anh Nam nói.

Sau cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, anh Nam và Ánh đã bắt xe về lại quê. Sáng 11/9, anh em Ánh đã về tới quê nhà trước niềm vui vỡ òa của bố mẹ họ - những lão nông tuy nghèo nhưng thật thà, chất phác.

Để có được cuộc hội ngộ đẫm nước mắt này, không thể không kể tới những đóng góp của lực lượng công an tỉnh Thái Bình – những người đang ngày đêm bận rộn để giữ cảnh thanh bình cho quê lúa.

Qua VTC News, gia đình em Ánh gửi tới chính quyền địa phương lời cảm ơn chân thành nhất. "Nếu không có những người chiến sỹ ấy, có lẽ cuộc đời Ánh đã rẽ sang một hướng khác...", anh Bạch Xuân Nam thay mặt gia đình nói.


Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn