Thiếu gia ngân hàng tuổi Dậu lừng danh: Quanh năm ‘sống’ dưới giá trị

Kinh tếThứ Hai, 30/01/2017 07:28:00 +07:00

Là thiếu gia ngân hàng tuổi Dậu lừng danh nhưng ông Trầm Trọng Ngân quanh năm “sống” dưới giá trị khi cổ phiếu STB của Sacombank giảm sâu.

Là thiếu gia ngân hàng đầu tiên được chú ý ở Việt Nam, ông Trầm Trọng Ngân, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê đã có thời lừng lẫy khi cổ phiếu STB của ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank đạt đỉnh. Ở thời điểm đó, ông Trầm Trọng Ngân ngấp nghé ở Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sacombank lao đao

Nhưng trong 2 năm trở lại đây, tình hình đã khác đi rất nhiều khi kinh doanh của Sacombank giảm sút. Cuối năm 2015, Sacombank nhận sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam – một “đứa con” khác của đại gia Trầm Bê. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động của Sacombank đi lùi.

Ngay trong quý 4, Sacombank khiến giới tài chính bất ngờ khi công bố những khoản thua lỗ nặng nề. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, riêng ngân hàng Sacombank lỗ tới 583,26 tỷ đồng trong quý 4/2015. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất, Sacombank “chỉ” thua lỗ 521,44 tỷ đồng.

tram trong ngan

Hai cha con đại gia ngân hàng Trầm Bê và Trầm Trọng Ngân

Trong kỳ, Sacombank phải đẩy mạnh chi phí vì trong quý 4, Sacombank hoàn thành thương vụ thâu tóm ngân hàng Phương Nam (PNB) – ngân hàng có khoản nợ xấu “khủng”. PNB khiến nợ xấu của Sacombank đạt 3.450 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.520 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2015. Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 1.005,65 tỷ đồng lên 3.070,69 tỷ đồng.

Kết quả là trong năm 2015, Sacombank mạnh tay cắt giảm lương thưởng của người lao động. Thu nhập tại Sacombank giảm gần 3 triệu.

Tình hình không có nhiều sáng sủa trong các quý đầu năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Sacombank vẫn vật vã với nợ xấu, trong khi lợi nhuận sụt giảm chóng mặt. Thậm chí, Sacombank còn mạnh tay cắt giảm nhân sự. Đã có tới 453 người rời Sacombank trong khoảng thời gian này.

Sang quý 4/2016, hoạt động của Sacombank có vẻ tốt hơn. Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đã tiết lộ thông tin lãi khoảng 4.000 tỷ đồng ở riêng Sacombank trong năm 2016 (tức không cộng khoản lãi từ ngân hàng Phương Nam).

Vì Sacombank vẫn bị “mắc kẹt” bởi ngân hàng Phương Nam nên trong năm 2016, dàn lãnh đạo Sacombank không nhận thưởng.

Thậm chí hồi đầu năm, Sacombank còn gặp chút khó khăn khi trong cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước, phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến Sacombank là 1 trong 5 ngân hàng sẽ được tập trung xử lý trong năm nay.

“Sống” dưới giá trị

Với kết quả hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của Sacombank, cổ phiếu STB bị nhà đầu tư quay lưng. Cổ phiếu này giao dịch dưới mệnh giá suốt thời gian dài. Có thời điểm STB còn chạm 7.500 đồng/CP.

Có thể thấy, trong suốt năm qua, STB giao dịch dưới mệnh giá trong rất nhiều phiên. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Trầm Trọng Ngân thường xuyên “sống” dưới giá trị.

Trong ngày cuối cùng của năm Bính Thân, STB bất ngờ tăng tốc và tìm lại mệnh giá khi dừng ở mức 10.200 đồng/CP. Tính chung, trong năm Bính Thân, STB giảm 1.000 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường Sacombank giảm 1.804 tỷ đồng.

Là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank, thiếu gia ngân hàng tuổi Dậu Trầm Trọng Ngân là người thiệt hại lớn khi STB đi xuống. Chào đón “năm tuổi”, ông Trầm Trọng Ngân chứng kiến khối tài sản giảm 89 tỷ đồng xuống 910 tỷ đồng.

Với khối tài sản dưới 1.000 tỷ đồng, ông Trầm Trọng Ngân rớt xuống vị trí 27 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, hồi cuối năm 2015, ông Ngân đứng ở vị trí thứ 16. Như vậy, ông Ngân đã rớt tới 11 bậc.

“Năm tuổi” may mắn?

Ông Trầm Trọng Ngân đã có chuỗi ngày dài kém thành công cùng cổ phiếu STB nhưng trong năm tuổi của mình, vị thiếu gia ngân hàng họ Trầm có thể may mắn khi hơn.

Thứ nhất, dù giao dịch ở mức giá thấp nhưng trong những ngày cuối năm Bính Thân, STB đang có xu hướng bứt phá mạnh. So với “đáy”, STB đã tăng gần 30%. Và đà tăng này hứa hẹn vẫn kéo dài trong những ngày đầu năm Đinh Dậu.

Một trong những thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu chính là việc ông Kiều Hữu Dũng tiết lộ đang có một tổ chức nước ngoài sẵn sàng rót 1 tỷ USD vào Sacombank, và có 1 tổ chức trong nước khác muốn mua 20% cổ phần STB với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu), cao hơn rất nhiều so với thị giá.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn