Số phận NamAbank: Sau bao đồn đoán sáp nhập, cuối cùng vẫn 'tự túc'

Kinh tếThứ Ba, 18/08/2015 06:37:00 +07:00

Ngân hàng Nam Á sáp nhập Eximbank là không có thực và NamABank sẽ tự tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

(VTC News) - Chỉ trong vòng một năm, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã dính tới hai "nghi án" sáp nhập với hai ngân hàng khác nhau, để rồi cuối cùng ngân hàng này vẫn tự thân tái cơ cấu.

Đồn đoán xoay quanh NamABank sáp nhập Eximbank


Vào tháng 4 vừa qua, trước thềm đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), đã có rất nhiều thông tin cho rằng ngân hàng này sẽ có một bước ngoặt mới đó là tiến tới "hôn nhân" với một ngân hàng khác mà lúc đó nhiều khả năng nhất được cho là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank).
Gần đến ngày đại hội cổ đông thường niên năm 2015, thông tin sáp nhập giữa hai ngân hàng với nhau càng được dư luận quan tâm. Khi đó, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc NamABank đã lên tiếng rằng, ngân hàng này có khoảng 2-3 sự lựa chọn và sẽ tìm ra một Ngân hàng đồng thuận tương thích nhất để tiến tới sáp nhập. Ông Tâm cũng không hề nhắc tới cái tên Eximbank.

Ngược lại, về phía Eximbank, ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc thường trực của ngân hàng này cũng cho rằng, việc sáp nhập còn dựa vào hai yếu tố, một là sự tự nguyện của các cổ đông và hai là phải được sự đồng ý từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, với vai trò đươc xem như là nhân tố quyết định cho cuộc "hôn nhân" này thì đại diện của Ngân hàng Nhà nước lại cho biết rằng, cơ quan này vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin hay kiến nghị gì từ Eximbank hay NamABank về việc sẽ sáp nhập với nhau.

Sau đó, những nghi vấn cả hai sẽ về chung một nhà lại càng dấy lên mạnh mẽ khi cả hai vị lãnh đạo chủ chốt của NamABank là ông Trần Ngô Phúc Vũ - Tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng giám đốc cùng đồng loạt thôi nhiệm. Sau đó hai vị này lại cùng có mặt trong danh sách những ứng cử viên cho Hội đồng quản trị của Eximbank với khoảng 20% cổ phần có quyền biểu quyết ở ngân hàng này.

Cho đến đầu tháng 7, đại hội cổ đông của Eximbank mới được tổ chức, với lý do hoãn trong suốt hai tháng là vì “cần thêm thời gian để chuẩn bị các nội dung đại hội tốt hơn”. Đặc biệt là trong suốt buổi đại hội, các lãnh đạo ngân hàng không hề đề cập gì tới cuộc "hôn nhân" với NamABank.

Ngược lại, ở NamABank, trong tháng 7cũng đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bãi nhiệm và bầu mới Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhưng lại không hề "đả động" gì tới vấn đề sáp nhập.

Cho đến hồi đầu tháng 7, một thông tin khác liên quan đến đại diện ở NamABank ứng cử vào HĐQT Eximbank xuất hiện, đó là Vietcombank đã đóng dấu đi kèm chữ ký của ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT, xác nhận trong một Biên bản về việc dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank (8,2% vốn) sang cho một cá nhân đến từ NamABank được cho là ông Trần Ngô Phúc Vũ.

Tuy nhiên, ngay trước đại hội cổ đông Eximbank diễn ra, đại diện của ngân hàng này đã phủ nhận toàn bộ thông tin trên. Còn mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi thanh tra Eximbank, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ ở Eximbank để đưa nhân sự của mình vào điều hành, quản lý ngân hàng này.

Vì vậy sẽ không có khả năng Vietcombank ủy quyền cho NamABank, đồng thời số cổ phần có quyền biểu quyết ở phía được cho là NamABank cũng đã bị giảm đi một nửa.

Tin đồn "hôn nhân" giữa NamABank với Viet Capital BanK

Trước đó, vào khoảng cuối năm 2014, thị trường tài chính bắt đầu xuất hiện một số thông tin về việc Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) đang chuẩn bị hợp nhất, sáp nhập làm một với ngân hàng Nam Á. Khi đó, ngân hàng Bản Việt là ngân hàng thứ 5 trong năm 2014 công bố kế hoạch M&A (mua bán, sáp nhập), tuy nhiên lại không tiết lộ kế hoạch cụ thể cũng như tên tuổi của tổ chức tín dụng sẽ sáp nhập.

Cái tên Ngân hàng Nam Á lúc đó được cho là có khả năng lớn nhất đơn giản là bởi trong danh sách cổ đông của VietCapital Bank, đây là đơn vị duy nhất hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng với tỷ lệ sở hữu là 3,51%. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Bản Việt - ông Lê Anh Tài cũng đã từng có thâm niên 5 năm làm việc tại NamABank, trước khi lên đương nhiệm vào tháng 5/2013.

Tuy nhiên, trước những "tin đồn" NamABank sáp nhập Viet Capital Bankthì đại diện truyền thông của Viet Capital Bank đã lên tiếng rằng, phương án hợp nhất, sáp nhập của ngân hàng này chỉ mới là chủ trương để chờ xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định, còn kế hoạch chi tiết hay đối tác xác nhập vẫn chưa xác định. Chỉ biết rằng "quyết định lựa chọn và tiến hành thực hiện" sẽ dựa trên "cơ sở có lợi nhất cho cổ đông và Viet Capital Bank".

Còn về phía NamABank, đại diện ngân hàng này cũng nhanh chóng khẳng định trên trang điện tử Diễn đàn Đầu tư rằng: "Thông tin trên là không chính xác" và thời điểm đó NamABank thậm chí còn chưa có kế hoạch sáp nhập hay mua bán với bất kỳ tổ chức tín dụng nào.

Đồng thời, vị đại diện ngân hàng này cũng cho biết, NamABank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề án tự tái cấu trúc.

"Tự túc" có được hạnh phúc?

Cho đến nay, sau khi đã dính phải hai nghi án sáp nhập với hai ngân hàng khác nhau thì mới đây, một vị lãnh đạo cấp cao của NamABank đã trả lời báo chí rằng, ngân hàng này vẫn sẽ tiếp tục con đường tự tái cơ cấu như đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt từ năm 2014.
NamABank sẽ tự tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng nhà nước phê duyệt
Vị lãnh đạo này còn cho biết thêm, NamABank trước nay chưa hề có chủ trương về việc sáp nhập với bất cứ ngân hàng nào khác, bao gồm cả Eximbank như những đồn đoán trong thời gian gần đây. Như vậy là ngân hàng Nam Á vẫn sẽ "tự túc" mà không cần phải tiến tới hôn nhân với ai, đồng nghĩa với việc sẽ tự vươn nên bằng nội lực dựa trên nền tảng mà chính NamABank đã tự xây dựng trong thời gian qua.

Tuy nhiên nhiều nghi ngại được đưa ra rằng liệu việc "tự túc" có giúp NamABank được hạnh phúc, khi mà ngân hàng này vẫn bị đánh giá là một ngân hàng nhỏ giữa một thương trường rộng lớn, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đang tăng tốc trong việc mua bán, sáp nhập như hiện nay?

Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng Nam Á vẫn hoạt động hiệu quả khi đạt tăng trưởng huy động vốn 45%, dư nợ tín dụng tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng nửa đầu năm đạt 188 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 52% kế hoạch năm.

Ngoài ra NamABank cũng được đánh giá nằm trong nhóm lành mạnh, an toàn, có tài sản thực, có nhóm cổ đông khá đồng thuận với một dàn lãnh đạo có khả năng điều hành tốt. Do đó nhiều đánh giá cho rằng, việc tự tái cơ cấu cũng không hẳn là một phương án quá tệ của Ngân hàng Nam Á trong bối cảnh như hiện nay.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn