Pin Con Thỏ: Huyền thoại bị 'ghẻ lạnh' khi lên sàn chứng khoán

Kinh tếThứ Sáu, 17/05/2019 12:00:00 +07:00

Pin Con Thỏ - huyền thoại một thời đang rơi vào cảnh lên sàn không ai ngó ngàng và lợi nhuận thất thường.

Việt Nam có rất nhiều thương hiệu đình đám đến mức trở thành huyền thoại như mì Miliket, kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ,… Pin Con Thỏ ít được nhắc đến hơn. Nhưng điều đó không giảm độ phủ sóng cũng như sức ảnh hưởng của mặt hàng “công nghệ cao” thời bao cấp này. Thực tế, Pin Con Thỏ đã được nhiều người xếp vào danh sách các sản phẩm “huyền thoại thời bao cấp”.

Huyền thoại Pin Con Thỏ

Pin Con Thỏ là sản phẩm chủ lực của Công ty cổ phần Pin Văn Điển. Trong bản cáo bạch, công ty giới thiệu, tiền thân Công ty cổ phần Pin Hà Nội là Nhà máy Pin Văn Điển.

Nhà máy “công nghệ” hiếm hoi này được thành lập từ đầu năm 1960, thời điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Pin Văn Điển là nhà máy đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc lúc đó sản xuất và cung cấp pin phục vụ quốc phòng, an ninh và các mục đích khác của nền kinh tế quốc dân.

Pin-con-tho

 Thương hiệu Pin Con Thỏ nổi tiếng thời bao cấp nay bị cạnh tranh khốc liệt và có dấu hiệu đuối dần. 

Từ những năm 60 của thế kỷ trước đến những năm đầu trong giai đoạn mở cửa, điện là thứ hàng hóa xa xỉ. Ở các thành phố lớn, điện có sớm hơn. Còn ở những vùng nông thôn, ngay cả những vùng nằm sát Hà Nội như huyện Thường Tín, Đan Phượng, Chương Mỹ,… phải đến những năm 90, điện mới về làng.

Trong suốt thời gian dài đó, vật chiếu sáng ban đêm quen thuộc là đèn Hoa Kỳ và đèn dầu. Bên cạnh đó, nhà nào “khá giả” hơn một chút sẽ trang bị thêm chiếc đèn pin. Càng về sau này, đèn pin càng trở nên phổ biến và quen thuộc đại bộ phận dân chúng. Kể từ đó, pin Con Thỏ trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Từ trẻ em đến người cao tuổi, tất cả đều gắn bó với đôi pin có in chữ “CON THỎ” và logo chú thỏ xinh xắn. Thế hệ 7X, 8X, chắc hẳn không ai có thể quên được những hình ảnh này. Vì thế, pin Con Thỏ đã trở thành một trong những sản phẩm huyền thoại đến từ thời bao cấp.

Quá phụ thuộc vào kẽm

Ngày nay, do quá nhiều công nghệ hiện đại xuất hiện, sức ảnh hưởng của pin Con Thỏ tới người dân không còn mạnh mẽ như xưa. Nhưng điều đó không có nghĩa pin Con Thỏ đánh mất thị phần của mình.

Hiện tại, Pin Con Thỏ chiếm khoảng 40% thị phần pin nội địa – những sản phẩm cùng nhau cạnh tranh với pin đến từ Trung Quốc. Với chiến lược giành giật thị phần, Pin Hà Nội không ngừng mở rộng hệ thống kênh phân phối. Sản phẩm này đã có mặt tại khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Không chỉ “phủ sóng” trong nước, pin Con Thỏ còn xuất ngoại. Tỷ lệ xuất khẩu hiện tại của sản phẩm này chiếm 30% tổng doanh thu. Tuy nhiên, khách hàng của thương hiệu này rất khiêm tốn. Đó là tập đoàn pin quốc tế GP (chi nhánh Ấn Độ và Brazil). Mà GP lại là cổ đông lớn nhất của Pin Hà Nội.

Không đa dạng hóa đối tượng khách hàng nên hoạt động kinh doanh của Pin Hà Nội khá…phập phù. Lợi nhuận của công ty này không hề nhỏ nhưng lại bất ổn theo giá kẽm.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2016, 2017 và 2018 của Pin Hà Nội lần lượt đạt 18,1 tỷ đồng, 20,7 tỷ đồng và 18,4 tỷ đồng. Lãi năm 2017 tăng mạnh so với 2016 là “nhờ” giá kẽm giảm. Còn lợi nhuận năm 2018 giảm là do giá kẽm tăng.

Tới quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 6,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Pin Hà Nội vẫn là giá kẽm. Công ty cho biết nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do giá kẽm nguyên liệu đầu vào quý 1 năm nay bình quân giảm 24% bởi tác động của thị trường thế giới.

Với việc, để lợi nhuận quá nhiều vào một yếu tố đầu vào trong suốt thời gian dài, hoạt động của Pin Hà Nội không được nhà đầu tư đánh giá cao.

Lên sàn không ai ngó ngàng

So với nhiều huyền thoại thời bao cấp khác như Kem Thủy Tạ, Mì Miliket, tỷ suất lợi nhuận của Pin Con Thỏ cao hơn khá nhiều. Dù vậy, bởi những yếu tố trên, cổ phiếu PHN không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Thậm chí, trong khoảng thời gian này, PHN chẳng được ai ngó ngàng tới.

PHN chào sàn Hà Nội trong ngày 10/4/2019. Dù trong phiên giao dịch đầu tiên, PHN đứng giá nhưng sau đó cổ phiếu này có chuỗi tăng nhẹ 4 phiên liên tiếp. PHN vượt mốc 20.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do thanh khoản quá èo uột, có phiên chỉ 100 cổ phiếu được giao dịch thành công nên PHN không được nhà đầu tư đánh giá cao.

Kể từ phiên giao dịch 24/4, PHN liên tục chìm trong tình trạng không có người bán cũng chẳng có người mua. Kết thúc nhiều phiên, không một cổ phiếu nào được trao tay thành công. Từ đó đến nay, mới chỉ có đúng… 100 cổ phiếu giao dịch thành công. Còn mức giá “cố định” ở mức 20.500 đồng/CP suốt thời gian dài.

Cổ phiếu PHN gần như “đóng băng” trên thị trường chứng khoán.

Nhật Khánh
Bình luận
vtcnews.vn