Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 'vi hành' nghe chuyện doanh nghiệp bị 'hành'

Kinh tếThứ Năm, 20/08/2015 09:08:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp nghe các doanh nghiệp nhận xét về tình hình cải cách thủ tục hành chính, những điều bức cúc, tréo nghoe.

(VTC News) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp nghe các doanh nghiệp nhận xét về tình hình cải cách thủ tục hành chính, những điều bức cúc, tréo nghoe.

Sáng ngày 20/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự như một thành viên trong tổ chuyên gia của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng TS. Nguyễn Đình Cung, bà Nguyễn Thị Cúc, bà Phạm Chi Lan…

Phó Thủ tướng muốn được nghe các doanh nghiệp nhận xét một cách khách quan nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ trong các lĩnh vực thuế, hải quan, cả về điểm được lẫn chưa được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Đình Nam)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Đình Nam) 
“Hôm nay, tôi đã nghe doanh nghiệp nói và thấy rằng, cần rất thận trọng với các bản báo cáo, báo cáo có thể hay nhưng vấn đề là thực thi. Doanh nghiệp vẫn còn bức xúc lắm, nhưng họ vẫn có tâm lý “sợ” các cơ quan Nhà nước”, Phó Thủ tướng nói với Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Sơn khi bước ra khỏi phòng họp lúc 1 giờ chiều.

Ông Lê Anh Sơn cho hay trong các buổi “cà phê cuối tuần”, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã trực tiếp lắng nghe các doanh nghiệp “giãi bày hết” và tháo gỡ được rất nhiều.

Cắt lời ông Sơn, Phó Thủ tướng cho biết doanh nghiệp vẫn chưa thể nói hết và không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tham dự những sự kiện ấy.

“Nói thật với các đồng chí, tôi vừa trực tiếp nghe các doanh nghiệp kêu, toàn những vấn đề không oan tí nào”, Phó Thủ tướng nói và điểm lại những nội dung khiến doanh nghiệp bức xúc nhất.

Các ý kiến doanh nghiệp đều ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành thuế, hải quan, với nhiều kết quả cụ thể như thời gian kê khai thuế đã giảm rất nhiều; cán bộ hải quan sẵn sàng làm việc cả ngoài giờ hành chính để kiểm tra hàng hóa và có tới 90% hàng hóa làm thủ tục nhập khẩu xong ngay trong ngày…

Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vướng mắc được doanh nghiệp chia sẻ, mà theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là “cười ra nước mắt”.

Một doanh nghiệp FDI cho biết khi thuê các doanh nghiệp trong nước gia công hàng để xuất đi, do liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, hải quan sẽ kiểm tra doanh nghiệp nhận gia công xem máy móc thế nào, hồ sơ máy móc có đủ không, thuê mặt bằng ra sao…

“Khi họ có giấy phép kinh doanh là họ đã có đủ điều kiện rồi. Hơn nữa, chúng tôi mới chính là người đánh giá năng lực của họ tốt nhất. Nhiều khi máy móc của họ rất tốt nhưng thiếu giấy tờ, tìm lại rất lâu, thế là phải chờ, nếu không có là hải quan không cho làm. Chúng tôi muốn nội địa hóa càng nhiều càng tốt, nhưng những quy định như vậy khiến chúng tôi đành thuê doanh nghiệp nước ngoài”, đại diện doanh nghiệp FDI nói và nhắc lại câu chuyện buồn là tại sao doanh nghiệp Việt vẫn chưa làm nổi con ốc vít cho Samsung.

Cũng liên quan tới hải quan, doanh nghiệp gửi một thiết bị ra nước ngoài để kiểm nghiệm vì Việt Nam chưa đủ máy móc để làm việc này, nhưng khi thiết bị quay lại Việt Nam, chỉ cần một cái mác bị bóc hoặc một cái dây đồng bị chảy ra trong quá trình kiểm nghiệm, là hải quan không đồng ý.

Cũng có những quy định rất “tréo ngoe” liên quan đến thanh lý máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển tạo tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất.

Để thanh lý những cái kìm hay mỏ lết đã hỏng, doanh nghiệp phải tìm lại hợp đồng, giấy tờ nhập khẩu ứng với từng dụng cụ, trong khi khối lượng sản phẩm hỏng, hủy rất lớn.
 
“Chúng tôi không thể ngày nào cũng xin hủy. Nếu có thời gian thì mời các vị ra nhà xưởng, sẽ thấy la liệt những thùng đựng dụng cụ hỏng. Tôi hiểu là quy định như vậy chỉ áp dụng với một số loại công cụ, chẳng hạn máy móc có giá trị lớn, chứ không phải với từng cái kìm như thế. Nhưng đó là thực tế hải quan đang áp dụng”, câu chuyện được doanh nghiệp kể lại khiến các thành viên trong đoàn đều cười ồ.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, có doanh nghiệp băn khoăn không biết trường hợp hàng nhập về nhất thiết phải có hóa đơn gốc để được tính vào chi phí hợp lý hay không, vì thông tư của Bộ Tài chính không nói rõ.

Bởi lâu nay, doanh nghiệp cần khoảng 9.000 hóa đơn mỗi năm từ nước ngoài, riêng chi phí chuyển phát nhanh đã lên đến… 3-4 tỉ đồng. Chưa hết, muốn lấy hóa đơn của đối tác nước ngoài rất khó, vì ở nước ngoài không cần hóa đơn.

“Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ 3 hay 4 tỉ đồng. Vấn đề là từ công ty mẹ cho tới công ty đối tác đều không sao hiểu nổi quy định như vậy. Đối tác dọa rằng có lẽ tốt nhất là không làm ăn gì nữa với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ bức xúc của doanh  nghiệp này với lãnh đạo Thành phố.

Thậm chí, có những văn bản, quy định nhằm mục đích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại khiến doanh nghiệp hết sức… hoang mang.

Các doanh nghiệp nhắc tới Thông tư 151 năm 2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn ưu đãi thuế có hiệu lực hồi tố với một số dự án trong giai đoạn 2009-2013, nhưng doanh nghiệp lo rằng liệu có khi nào cơ quan thuế lại… thu lại khoản đã ưu đãi hồi tố không?

Doanh nghiệp không rõ có quyền… không nhận ưu đãi này không? Bởi cách đây 3 tháng, thanh tra thuế lại khẳng định doanh nghiệp không thuộc diện được ưu đãi.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề có thể giải quyết rất đơn giản nếu ngay trong Thông tư quy định rõ doanh nghiệp có quyền lựa chọn ưu đãi hoặc không. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam chỉ có hiệu lực hồi tố khi có lợi cho người dân.

Băn khoăn này chứng tỏ doanh nghiệp rất bất định, không rõ họ làm vậy đúng hay sai nên luôn luôn phát công văn hỏi.

Lĩnh vực BHXH cũng còn rất nhiều vấn đề. Doanh nghiệp phản ánh, nhiều khi “hì hục” hoàn thiện các giấy tờ, đến nộp thì cơ quan BHXH mới cho biết đã có biểu mẫu mới, phải về làm lại từ đầu.

“Chúng ta ngồi ở đây nghĩ rằng việc lấy chữ ký đơn giản, nhưng nếu doanh nghiệp có hàng nghìn người thì việc đó phải mất bao lâu mới xong? Những quy định như vậy khiến doanh nghiệp FDI có cái nhìn rất xấu về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Họ hỏi chúng ta cố tình đặt ra quy định như vậy hay do không biết?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Trên thực tế, nhiều vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý, nhiều vấn đề cũng đã được các cơ quan chức năng nhận diện, nhưng cũng có những vấn đề mà theo Phó Thủ tướng là “không trực tiếp đi thì không bao giờ nghĩ ra được”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng còn rất nhiều việc phải làm, cần tháo gỡ đến cùng khó khăn cho doanh nghiệp và điều đó cần sự nỗ lực lắng nghe thực sự của các cơ quan.

“Cảm giác chung là doanh nghiệp vẫn ngại đóng góp ý kiến trực tiếp. Chúng ta vẫn chưa có cơ chế để DN có thể nói thẳng, đấy là điều rất quan trọng. Doanh nghiệp gặp khó, họ phản ánh lên Ban quản lý KCN, lẽ ra Ban quản lý phải báo cáo lại với chính quyền, với các bộ, ngành, thì lại trả lời doanh nghiệp rằng quy định như vậy rồi, cứ thế thực hiện thôi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng nhắc tổ chuyên gia rằng đối với một doanh nghiệp cụ thể, việc đặt vấn đề khảo sát về “121 giờ” nộp thuế là không phù hợp.

Vì doanh nghiệp không tính toán cụ thể đến như vậy, mà họ thấy những vướng mắc trong công việc hằng ngày. Chẳng hạn khi đánh mất hóa đơn, họ chỉ biết phải đi lại 3 lần, mỗi lần phải chờ ít nhất một tiếng…

Thực tế, các doanh nghiệp đã rất cởi mở khi trao đổi với tổ chuyên gia và gần cuối buổi làm việc, không ít người ngỡ ngàng khi được giới thiệu sự có mặt của Phó Thủ tướng.

Chia sẻ với những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa ngay các vướng mắc, vấn đề nào không sửa phải giải trình rõ ràng trước công luận.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không nên e ngại mà hãy chủ động phản ánh, kiến nghị thật cụ thể đối với việc sửa đổi chính sách thuế, hải quan, BHXH cho thuận tiện.

“Hãy yên tâm, các bạn luôn được lắng nghe”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn