Phá giá nhân dân tệ: Cổ phiếu thê thảm, tỷ phú 'khóc ròng'

Kinh tếThứ Sáu, 14/08/2015 11:28:00 +07:00

Phá giá nhân dân tệ: Cổ phiếu thê thảm, tỷ phú khóc ròng

(VTC News) - Chưa kịp "phục hồi" sau khi mất 100 tỷ USD do khủng hoảng chứng khoán, các tỷ phú Trung Quốc lại bị giáng thêm một cú sốc nữa trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng này.

Cổ phiếu thê thảm, tỷ phú "khóc ròng"

Theo dữ liệu mới nhất của Bloomberg, 27 tỷ phú Trung Quốc trong top 400 người giàu nhất thế giới đã bị "thổi bay" tổng cộng 120 tỷ USD chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 12/8 do động thái phá giá đồng nhân dân tệ lớn nhất trong hơn hai thập kỷ qua của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Cũng chỉ trong ba ngày này, chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm xuống 1%.
Tài sản của các tỷ phú đã bốc hơi hơn nửa do cổ phiếu mất giá và động thái phá giá đồng nhân dân tệ
Tài sản của các tỷ phú đã bốc hơi hơn nửa do cổ phiếu mất giá trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ - Ảnh minh họa
Một trong những tỷ phú chịu "tổn thương" nặng nề nhất là Lin Yongxian, chủ tịch Công ty sản xuất thùng chứa kim loại Shengxing Group.

Ông Lin vừa được trở thành tỷ phú trong tháng 5 vừa qua, khi công ty ông đã tăng hơn 1.300% chỉ trong vòng một tháng sau khi lần đầu tiên ra mắt trên thị trường chứng khoán, đẩy tài sản của ông lên 1,4 tỷ USD vào ngày 27/5. Đáng buồn thay bây giờ ông chỉ còn 597 triệu USD, tức đã mất hơn khoảng một nửa so với trước.


Zhou Qunfei, được biết đến là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc sau ngày 18/3 bởi việc chào bán cổ phiếu công ty Lens Technology trên thị trường. Tài sản của Zhou đã lên tới 13,9 tỷ USD nhờ cổ phiếu tăng giá trị 525% nhưng rồi sau những biến động đã xảy ra, số tài sản đó đã "bốc hơi" tới gần một nửa, nay chỉ còn 7,7 tỷ USD.

Tỷ phú đình đám của Trung Quốc Jack Ma cũng không thoát khỏi "cơn lốc" khủng khiếp này. Chỉ riêng trong ngày 12/8, tài sản của ông đã hao hụt tới 752 triệu USD do cổ phiếu của tập đoàn Alibaba giảm 5% xuống 73 USD - mức thấp nhất kể từ khi hãng niêm yết trên sàn chứng khoán New York (tháng 9/2014).

Trên tờ Forbes cũng đã cho thấy 3 loại cổ phiếu của Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và được các nhà tỷ phú hàng đầu Mỹ ưa chuộng đều đã giảm giá hơn nửa so với thời điểm đạt đỉnh trước đó.

Cụ thể là cổ phiếu của công ty Dịch vụ xe EHI (EHIC) đang được đầu tư bởi Tỷ phú Chase Coleman của Tiger Global với 21,5% cổ phần EHIC được ông mua lại vào tháng 6 vừa qua. EHI được coi như là "Uber" của Trung Quốc với giá trị cổ phiếu đạt mức cao nhất là 19 USD trong năm nay và hiện đang giao dịch ở mức 11,45 USD, tức đã giảm đi khoảng 65%.

Alibaba (BABA) được xem như một miếng bánh ngon đối với các nhà đầu tư tỷ phú Mỹ. Ty phú Julian Robertson, Chase Coleman và George Soros đều cùng đầu tư cổ phiếu của Alibaba, trong đó Julian chiếm lượng cổ phiếu cao thứ hai. Giá trị cao nhất trong vòng 52 tuần của cổ phiếu Alibaba là 120 USD, cao hơn so với giá cổ phiếu hiện nay 53%.

Baidu (BIDU) cũng được khá nhiều nhà đầu tư tý phú Mỹ yêu thích như tỷ phú Stephen Mandel, Julian Robertson và George Soros. Cổ phiếu Baidu bán với giá cao nhất là 251,99 USD trong năm 2014 và giảm khoảng 50% vào thời điểm hiện tại.


Hy vọng nào cho thị trường cổ phiếu Trung Quốc?

Chỉ số Shenzhen Composite Index của Trung Quốc đã tăng 122% trong năm nay cho tới ngày 12/6, thu hút 167 công ty ra mắt cổ phiếu trên sàn chứng khoán và vực dậy giá trị của một loạt các công ty thuộc các ngành công nghiệp như điện ảnh, dược và hàng không. Trong cùng thời gian này, chỉ số Shanghai Composite Index đã có một sự nhảy vọt 60%, đẩy giá trị của tất cả các cổ phiếu của Trung Quốc lên hơn 10 nghìn tỷ USD cho lần đầu tiên.

Khi thị trường trên đà tăng như vậy, chỉ số Bloomberg Billionaires Index đã "phát hiện" được thêm 50 nhà tỷ phú mới chỉ trong vòng nửa đầu năm 2015. Rõ ràng nhóm tỷ phú mới này giàu lên đều nhờ từ việc cổ phiếu tăng giá, với tổng số tài sản tăng lên của họ được thống kê là hơn 80 tỷ USD. Tuy nhiên kể từ sau ngày 12/6, tổng số tài sản mà họ mất đi lên khoảng 20 tỷ USD, đồng thời 19 trong số 50 tỷ phú mới này cũng không còn là tỷ phú nữa.

Giới phân tích đánh giá, động thái phá giá nhân dân tệ lần này của Trung Quốc có thể sẽ là bước đi đầu tiên của quốc gia này trong việc phục hồi kinh tế trở lại vị thứ hai trên thế giới, dù nó có tác động rất lớn lên cổ phiếu Trung Quốc và trong bối cảnh địa chính trị quốc gia.

Trung Quốc dần dần biết khiêm tốn và đánh giá cao "sức mạnh" của đồng USD, tuân theo những áp lực đến từ phía các đối tác thương mại lớn và các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
 Trung Quốc đã dần dần biết khiêm tốn và đánh giá cao "sức mạnh" của đồng USD - Ảnh minh họa
Hiện tại nền kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, hàng Trung Quốc xuất khẩu đã giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt là với hàng của Nhật kể từ cuối năm 2012, do Nhật đã giảm giá mạnh đồng yên của mình.

Hàng hóa Nhật Bản từ đó đã trở nên rẻ hơn 40% so với hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng của Nhật Bản trong kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gần gấp đôi so với Trung Quốc trong ba năm qua.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với nỗ lực để thúc đẩy việc xuất khẩu toàn cầu bằng cách phá giá đồng nội tệ, Trung Quốc sẽ tạo ra một sự "bất ổn" rất lớn cho các đối tác thương mại hàng đầu của mình.

Đồng thời nó sẽ tạo ra xu hướng giảm giá đồng loạt đồng nội tệ của các quốc gia trong khu vực Châu Á và gây ra một cuộc chiến tiền tệ mới tại khu vực này.


Tuy nhiên trước mắt, động thái này có thể sẽ cung cấp cho nền kinh tế của Trung Quốc và thị trường chứng khoán của nó một luồng sinh khí mới để hồi phục trở lại.


Bernard Aw, một chiến lược gia tại IG Asia Pte tại Singapore cũng đánh giá rằng: "Tôi nghĩ rằng về dài hạn, thị trường Trung Quốc vẫn sẽ có thể phục hồi, đặc biệt là cổ phiếu Shanghai Composite và các cổ phiếu lớn hơn khác."

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn