Những đại gia chứng khoán đang đầu tư vào đâu?

Kinh tếThứ Sáu, 04/03/2011 01:06:00 +07:00

Bất chấp thị trường niêm yết liên tục sụt giảm và thông tin vĩ mô thiếu tích cực, những thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn vẫn diễn ra trên thị trường OTC.

Bất chấp thị trường niêm yết liên tục sụt giảm và thông tin vĩ mô thiếu tích cực, những thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn vẫn diễn ra trên thị trường OTC. Đây là hướng đi được ưu tiên của các NĐT tổ chức đặt kỳ vọng dài hạn vào TTCK Việt Nam.

 
Cuối tháng 1/2011, CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico) và Diageo, hãng rượu mạnh lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất rượu Johnnie Walker, đã đạt được thỏa thuận hợp tác. Theo thỏa thuận, Diageo sẽ chi 33 triệu bảng Anh, tương đương 52,6 triệu USD để đổi lấy 24% cổ phần trong Halico.

Hợp tác với Halico, nhưng hoạt động phát triển kinh doanh của Diageo tại thị trường Việt Nam vẫn được thực hiện riêng rẽ, bao gồm việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm rượu Johnnie Walker, Smirnoff và Baileys. Được biết, để đi đến hợp tác gữa hai bên, việc thương thảo đã kéo dài gần 3 năm.


Ngày 28/2 vừa qua ghi nhận cuộc "se duyên" giữa Tập đoàn Bảo hiểm ERGO (Đức) với CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư rất đáng chú ý. Theo thỏa thuận, ERGO sẽ mua 10 triệu cổ phần của GIC và trở thành đối tác chiến lược. Khoản đầu tư này trị giá 380 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 25%. Ngoài ra, ERGO cam kết hỗ trợ GIC về kỹ thuật, với giá trị khoảng 46 tỷ đồng. Đại diện ERGO cho biết, lý do đầu tư vào GIC là tiềm năng rộng lớn của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ của thị trường này đạt 700 triệu USD trong năm ngoái và duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm.

Trong khi nhiều DN bảo hiểm chật vật tìm đối tác bán cổ phần tăng vốn, thì việc GIC bán được cổ phần cho đối tác ngoại với giá khá cao là điều bất ngờ, bởi trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, GIC chỉ ở quy mô trung bình cả về thị phần và thương hiệu.

Thương vụ Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) bằng giá trị Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC) vừa qua cũng gây sự chú ý trên thị trường. VPSC là công ty thành viên của PNPost, có vốn điều lệ 163 tỷ đồng.

Việc góp vốn bằng giá trị công ty hiện chưa có nhiều tại Việt Nam. Ngoài giá trị sổ sách, giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh được xác định ra sao vẫn là ẩn số khi tiến hành góp vốn. Đại diện LienVietBank cho biết, theo đề án góp vốn thì VNPost sẽ góp vốn vào Ngân hàng bằng giá trị VPSC và bằng tiền mặt theo tỷ lệ tối đa quy định góp phần cổ phần theo pháp luật hiện hành. Dự kiến vốn điều lệ của LienVietBank sau thương vụ này sẽ tăng lên gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 10.000 tỷ đồng nguồn vốn huy động của VPSC cũng sẽ được chuyển về LienVietBank. LienVietBank sẽ kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích và khai thác nguyên hiện trạng VPSC trên toàn quốc và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Năm 2010, trước diễn biến hết sức khó khăn của TTCK, nhiều NĐT tổ chức cả trong và ngoài nước đã xác lập hướng đầu tư chủ đạo: góp vốn vào những DN có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng phát triển dài hạn trên thị trường OTC. Sau đó tham gia vào HĐQT, tái cấu trúc gia tăng giá trị, đưa DN lên niêm yết và thoái vốn. Đây có lẽ vẫn là hướng đầu tư chính trong năm 2011, bởi thị trường niêm yết được nhận định là thiếu ổn định do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô.


Theo Đầu tư chứng khoán

Bình luận
vtcnews.vn