Những cảnh đời cơ cực ở nơi từng là 'cánh chim đầu đàn' của Vinachem

Kinh tếThứ Sáu, 29/09/2017 11:07:00 +07:00

Trong “cơn bão” thua lỗ và kỷ luật hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hàng vạn công nhân đã rơi vào cảnh cùng quẫn, như ông Chu Văn Hoài (52 tuổi, công nhân cơ khí, Nhà máy Đạm Hà Bắc) xót xa khi kể với PV: “Chú phải về hưu non”…

Giảm lương, phải về hưu non và sống trong những khu nhà tập thể cũ nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào… là cảnh đời của rất nhiều công nhân công ty Phân đạm Hà Bắc (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem).

Từng là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế miền Bắc giai đoạn trước và sau giải phóng, cũng như trong thời kỳ đổi mới, Nhà máy phân đạm Hà Bắc (nay là Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, Vinachem) hiện đang phải gánh nợ 558,5 tỷ đồng trong tổng số hơn 38.000 tỷ đồng mà Vinachem đang nợ.  

Công ty nợ nần, kinh doanh lao dốc thì bao giờ người lao động cũng là tầng lớp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nằm dọc theo con đường dẫn vào nhà máy, khu tập thể xập xệ, với những mảng tường bong tróc, lộ hết tường gạch bên trong như trực chờ đổ sập của công nhân có lẽ là hình ảnh phản ánh rõ nét nhất thực trạng bi đát của công ty.

Video: Công nhân công ty Phân đạm Hà Bắc "đánh đu" với tử thần trong khu tập thể xuống cấp

“Chú phải về hưu non…”

Ông Chu Văn Hoài (52 tuổi, công nhân cơ khí, quê Đô Lương, Nghệ An) thở dài khi nói về công ty. Ông kể, năm 1990, ông bắt đầu về làm việc tại nhà máy, khi đó, nơi đây là một trong những nhà máy lớn nhất cả nước. Được làm việc tại đó là cả một niềm tự hào to lớn, đời sống cán bộ, công nhân viên cũng rất tốt.

Nhưng từ khi chuyển đổi nhà máy thành công ty cổ phần thuộc Tập đoàn Vinachem, tình hình công ty bắt đầu thay đổi theo chiều hướng ngày càng xấu đi.

Giọng ông Hoài trùng xuống: “Chú phải về hưu non”. Cái cách mà ông nói khiến người nghe cảm thấy trong đó có kèm cả sự chua xót và tiếc nuối.

con nhan phan dam ha bac1 10

 Ông Hoài buồn rầu kể về tình cảnh của công ty và hoàn cảnh các công nhân. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Ông về hưu với mức lương của thợ bậc 5, mà theo ông lẽ ra với gần 30 năm cống hiến thì ông phải là thợ lương bậc 7.

“Do công ty khó khăn, kinh doanh thua lỗ đến mức mà công ty đưa ra cả một luật ngầm rằng, công nhân như ông thì chỉ được hưởng lương đến bậc 5, nhà máy không có nhu cầu bậc cao hơn, nếu muốn thì công nhân có thể nghỉ việc, sang công ty khác” – ông nói.

Sống gần đời người cống hiến cho công ty, bằng tuổi ông Hoài, chắc chắn chẳng ai còn muốn bỏ việc đi nơi khác. Nhưng cái cách mà công ty ứng xử với công nhân khiến những người như ông Hoài ngậm ngùi, chua xót.

Ông bảo: “Dẫu biết rằng công ty khó khăn, nhưng làm vậy thì khác nào ép chúng tôi nghỉ việc. Vậy là, chúng tôi nghỉ, rất  nhiều người như tôi đã nghỉ. Vì nếu có ở lại để cống hiến nữa, với mức lương như vậy được khoảng hơn 4 triệu, về hưu được 3 triệu, vậy thì về chứ còn ở lại làm gì nữa”.

“Tầm tuổi như chú bây giờ đang vào độ chín của sự nghiệp, nhưng vì công ty trả lương quá thấp, không tương xứng với trình độ để người công nhân có thể sống, nuôi gia đình nên nhiều người bỏ việc hết. Bỏ như thế này cũng tiếc lắm, nhưng làm cả năm không đủ tiền về quê ăn tết”, ông Hoài cay đắng nói.

Gần 30 năm cống hiến cho công ty, tình yêu của ông cũng bắt đầu từ đây. Vợ chồng ông gặp nhau khi cùng vào làm công nhân nhà máy, sau ông, giờ đến lượt vợ cũng chuẩn bị về hưu non.

Nhưng không cứng rắn được như cánh đàn ông, vợ ông Hoài khủng hoảng khi nghĩ về việc mình sẽ nghỉ hưu non.

Ông kể: “Nhiều người khi nghỉ có tâm lý rất nặng nề. Ví dụ như vợ tôi, nhiều lúc tôi còn khó nói chuyện. Bà ấy lo lắng không biết nghỉ thì sẽ ra ngoài sống thế nào, đồng lương 2,8 triệu thì lấy gì mà sống, rồi sẽ làm gì…

Căng thẳng quá, nhiều khi vợ chồng còn chẳng thể nói chuyện được với nhau. Người ta gắn bó cả đời với nhà máy, với công việc, khi về hưu lại phải về hưu non thì hụt hẫng lắm”.

Dù nghỉ hưu, ông Hoài vẫn phải chạy chỗ này chỗ khác, nhận thêm việc để làm cho gia đình có thêm thu nhập. Ông bảo, lương 2 vợ chồng được khoảng 6 triệu/tháng, lo cho một đứa đang học 12, một đứa đang học lớp 9 là hết sạch tiền lương của vợ chồng.

“Đấy là cháu còn chưa đi học đại học, nếu đi học lên cao thì tiền lo cho con học xong là bố mẹ nhịn đói mà sống”, ông ngậm ngùi.

Chỉ lên căn hộ phía trên tầng với lan can bung hết bê tông, còn trơ lõi sắt gỉ sét, bé tý bằng ngón tay út. Nơi những mảng tường phía ngoài chỉ còn dính lại một chút vữa, còn lại trơ khung gạch gạch cũ nát lộ rõ ra ngoài, ông Hoài bảo: “Cả đời chú đi làm, nhưng hiện giờ cả nhà vẫn sống trong căn tập thể cũ nát, mưa dột này”.

resized_IMG_6834 10

Tường ngoài khu tập thể bong tróc, lộ hết tường gạch ra ngoài. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Cả khu tập thể có 164 hộ gia đình, có người ở đây từ lúc vào làm cho đến lúc chết vì họ có muốn chuyển đi cũng chẳng có tiền. Bằng này hộ còn đang ở, dù biết khu nhà cũ nát, mưa dột, sắp sập đến nơi nhưng vẫn phải sống vì làm gì có miếng đất cắm dùi nào mà đi, nên chỉ biết bám trụ lại đó.

Như ông Hoài, gần 30 năm cống hiến, tiền lương cũng chẳng đủ mua nổi miếng đất mà theo như ông nói chỉ khoảng 400 – 500 triệu đồng. Một vài hộ có tiền đã chuyển đi, nhưng đa số vẫn ở lại vì tài chính không cho phép, số phận họ gắn liền với tập thể cũ nát này, tính mạng họ cũng “đánh đu” với khu nhà hơn 50 tuổi này.

resized_IMG_6862 10

Cả khu nhà đã được chính quyền, cơ quan chức năng đánh giá là nhà nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Nhìn những phận người chung cảnh ngộ, ông Hoài vẫn còn thấy mình may mắn vì là công nhân kỹ thuật. Dù nghỉ hưu, nhưng vẫn có thể làm nghề để kiếm thêm thu nhập, chứ không như công nhân vận hành, nghỉ hưu là chẳng biết làm gì, có người về hưu chán nản, tiêu cực rồi đâm ra rượu chè. Về được vài năm họ buồn quá, rồi bệnh mà chết.

resized_IMG_6844 10

Thông báo nhà nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập của chính quyền địa phương. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Cống hiến rồi “chết vùi” ở đây

Là một trong những công nhân trẻ nhất sống tại khu tập thể, Nguyễn Xuân Khanh (SN 1992, công nhân xưởng Ure) cho biết: “Em vào làm việc từ năm 2014, công tác được 3 năm, hiện đang hưởng lương công nhân vận hành bậc 1”.

Gia đình Khanh có truyền thống trong nhà máy, bố Khanh cũng từng là công nhân, chính ông đã hướng cậu đi học và tiếp bước mình vào công tác và cống hiến.

Khi được hỏi về khó khăn trong cuộc sống ở giai đoạn công ty đang gặp khó khăn, Khanh chỉ cười gượng gạo. Bản thân cậu có lẽ chưa có nhiều thời gian và cảm nhận được sự thay đổi ảnh hưởng của công việc, thu nhập tới cuộc sống như ông Hoài, hay nhiều công nhân lâu năm, những người chịu áp lực nhiều hơn của cơm – áo – gạo - tiền.

Song, cậu cũng biết được rằng, công ty đang rất khó khăn, Khanh kể: “Em vào làm việc đúng thời điểm công ty cũng đang kinh doanh không tốt. Việc đó do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chứ không hẳn là từ công ty.

Tuy nhiên, em được trả lương hằng tháng, như vậy là cũng được rồi. Ngày đi học, em cũng xác định sẽ về đây công tác, và cũng có những tình cảm nhất định với nhà máy. Vì thế, em chỉ mong sao tình hình công ty tốt lên để đời sống công nhân được đi lên”.

resized_IMG_6824 10

Trong căn hộ cũ kỹ, Khanh cho biết, phòng cậu phải mắc màn cả ngày để vữa không rơi xuống giường, xuống mặt khi đi ngủ. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Sau khi bố về nghỉ hưu thì Khanh vào làm việc và sống tại chính căn hộ tập thể nơi trước đó bố đã sống. Nói về căn phòng mình đang sống, Khanh cười: “Tường, vữa trần nhà rơi là chuyện bình thường, mưa thì dột… Em phải giăng màn cả ngày để vữa không rơi xuống mặt khi ngủ. Em chưa bị vữa rơi vào đầu bao giờ nhưng cũng thấy nguy hiểm”.

Công tác lâu hơn Khanh đôi chút là anh Nguyễn Văn Thuật (SN 1985, Bắc Ninh). Trao đổi nhanh với PV trước giờ vào ca, anh Thuật cũng chung tâm trạng với Khanh.

Sau những biến động của công ty, bản thân anh cũng hoang mang về tương lai của mình cũng như nhà máy. Mặc dù đã có lúc nhà máy tạm dừng công đoạn này, công đoạn khác, công nhân nghỉ việc, giảm lương nhưng dù sao cũng đã gắn bó với công ty, anh Thuật mong rằng, tình trạng này sẽ sớm được khắc phục để công nhân yên tâm làm việc và cống hiến.

Ông Hoàng Tô Kiểm (70 tuổi, quê Hưng Yên) là một trong những người có thâm niên lâu nhất ở khu tập thể. Dẫn chúng tôi đi xem từng ngóc ngách khu nhà, ông chỉ chỗ này tường nứt, chỗ này vữa rơi trúng người, chỗ này không biết bao giờ đổ sập rồi xót xa.

resized_IMG_6915 10

Ông Kiểm chỉ những nơi tường nứt toác, nguy cơ sập cao. (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Ông đi bộ đội về rồi vào công tác tại nhà máy, cả cuộc đời ông gắn bó với nó, bây giờ nhìn công ty khó khan, ông buồn lắm. Ông bán nước ngay cổng khu nhà, hằng ngày nghe biết bao câu chuyện của đám công nhân mà nhói lòng.

Trong căn bếp tối om om chất đầy đồ đạc của mình, ông vừa đun siêu nước để đem ra pha bán cho khách vừa kể cho chúng tôi nghe về “những người khố khổ” trong khu tập thể.

resized_20170923_162441 10

Ông Kiểm đau đớn kể về đồng lương của công nhân không đủ sống. (Ảnh: Hoàng Nguyên) 

Có những người cả đời cống hiến cho nhà máy rồi chết vùi ở đây với đồng lương bèo bọt. Ông cũng như họ, nghỉ hưu với đồng lương 2,8 triệu, dù rất sợ một ngày căn nhà đổ sập vùi lấp mình cùng bao người khác, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục sống.

Ông ví, cuộc đời những người công nhân chẳng khác nào căn bếp tối om om nơi chúng tôi nghe ông trò chuyện…

Vậy, lãnh đạo công ty Phân đạm Hà Bắc nói gì về thực trạng này? Mời quý vị đón đọc kỳ sau.

Đức Thuận – Hoàng Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn