'Nhiều thương hiệu tầm cỡ của Việt Nam lần lượt đội nón ra đi'

Kinh tếThứ Tư, 30/10/2019 17:10:00 +07:00

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ lo lắng khi nhiều thương hiệu Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30/10.

Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho hay, hàng Việt đang có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, chỉ vài năm trước, nhiều thương hiệu Việt Nam còn đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia. Nhưng gần đây, hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) đã khiến các thương hiệu tầm cỡ này phải lần lượt đội nón ra đi. 

pham-trong-nhan

 ĐBQH Phạm Trọng Nhân. Ảnh: TTXVN

Vị ĐBQH phân tích thêm: "Khi về tay nhà đầu tư ngoại, có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa thì thương hiệu Việt không còn bản chất hàng Việt, chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. 

Ông Nhân viện dẫn sự việc Big C thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa vào hồi tháng 7/2019. Tiếp đó là hàng loạt hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ nhường cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại.

Theo ĐBQH tỉnh Bình Dương, động thái trên cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất nội vào kênh phân phối ngoại, làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà. 

Nhận định từ ngành logistics đến ngành tài chính, năng lượng, ông Nhân khẳng định, đây là những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A trong thời gian tới và ngày càng manh nha các yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên xương sống nền kinh tế

"Tình trạng mua bán và sáp nhập xuất hiện mạnh mẽ trong thời gian qua là do khó khăn về vốn. Việc tiếp cận tài chính lẫn đất đai của doanh nghiệp tư nhân không phải là dễ", ĐBQH Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Vẫn theo vị ĐBQH này, việc tăng giá điện thời gian qua cũng đem đến áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Nhân cho rằng giải pháp cho vấn đề trên thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Quan trọng nhất, phải đặt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, song hành với Nghị quyết 50 về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao về chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn