Nhảy 12 bậc, ông chủ FLC trở thành người giàu thứ 5 Việt Nam

Kinh tếThứ Hai, 05/09/2016 18:24:00 +07:00

Nhờ tài sản tăng gần gấp 5 lần, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC nhảy 12 bậc để trở thành người giàu thứ 5 sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2016, danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang có nhiều biến đổi lớn. Đầu tiên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động có bước tiến vượt bậc khi lọt vào Top 3 người chứng khoán Việt Nam dù trước đó, ông Tài đứng ngoài Top 10.

Ở chiều ngược lại, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rơi từ Top 3 xuống cuối Top 10 khi cổ phiếu HAG lao dốc và giao dịch dưới mệnh giá. Hiện tại, bầu Đức đứng ở vị trí thứ 9.

Trong những ngày đầu tháng 9, một gương mặt mới khiến Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán biến động mạnh. Đó là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Ông Quyết đã lọt vào Top 5 dù cuối năm 2015, vị trí của ông Quyết chỉ là 17.

trinh van quyet

Ông Trịnh Văn Quyết đã lọt vào Top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Ông Quyết có được bước tiến dài là do cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí minh. Tại Faros, ông Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phiếu ROS.

Trong ngày thứ 2 chào sàn, ROS tăng trần, tăng 800 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP. Chỉ trong phiên giao dịch 5/9, ROS giúp tài sản của ông Quyết có tăng 144 tỷ đồng lên 2.408 tỷ đồng. Cộng với 512 tỷ giá trị cổ phiếu FLC, ông Quyết hiện nắm giữ khối tài sản lên tới 2.420 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.

Trong khi đó, chốt phiên 5/9, cổ phiếu VIC giảm đáng kể khiến tài sản của bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup chỉ đạt khoảng 2.436 tỷ đồng, cao hơn không nhiều so với tài sản của của ông Quyết.

Vì vậy, vị trí thứ 4 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam của bà Hằng dường như không vững chắc. Ông Quyết có thể vượt qua bà Hằng nếu ROS tiếp tục có phiên tăng ấn tượng trong ngày 6/9.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, dù cùng là đại gia bất động sản nhưng ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Phát triển bất đông sản Phát Đạt lại đang đi lùi. So với cuối năm 2015, ông Đạt lùi 5 bậc và rớt xuống vị trí thứ 13.

Ông Đạt đi lùi trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi nhiều cổ phiếu đại gia tăng mạnh, còn PDR lại giảm 400 đồng/CP xuống 13.200 đồng/CP. Đà giảm này của PDR khiến tài sản của ông Đạt bốc hơi 49 tỷ đồng.

Một đại gia khác cũng rớt khỏi Top 10 là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI. Nếu cuối năm 2015, ông Hưng đứng ở vị trí thứ 9 thì hiện nay, ông Hưng rơi xuống vị trí 12.

Ông Hưng rớt hạng khi cổ phiếu SSI giảm 1.000 đồng/CP. SSI khiến tài sản của ông Hưng hao hụt đồng và chỉ đạt 50 tỷ đồng và chỉ đạt 1.576 tỷ đồng. Điều đáng nói, cổ phiếu SSI suy giảm dù công ty chứng khoán Sài Gòn có kết quả kinh doanh quý 2/2016 khá ấn tượng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của SSI đạt 283 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 1/2016. SSI tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về dịch vụ môi giới trên cả 2 sàn TP.HCM và sàn Hà Nội với thị phần lần lượt là 14,21% và 11,76%. Đáng chú ý, thị phần môi giới chứng khoán của SSI tại sàn TP.HCM đã vươn lên mức cao nhất trong lịch sử giao dịch 5 năm trở lại đây.

Dấu ấn trong năm 2016 của ông Nguyễn Duy Hưng không chỉ là rớt hạng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam mà còn được nhắc đến nhiều khi lột Hồ sơ Panama, nơi nhiều người có tên trong đó dính nghi án trốn thuế.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn