Nhân sự cấp cao Vietinbank nhận thù lao gần 220 triệu đồng/tháng

Kinh tếThứ Ba, 23/04/2019 16:13:00 +07:00

Ngân hàng Vietinbank dự kiến sẽ chi 28,9 tỷ đồng cho thù lao 11 lãnh đạo cấp cao trong năm 2019.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CK: CTG) tổ chức sáng 23/4, cổ đông Vietinbank đã thống nhất bầu ra 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, bao gồm: ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT, ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, bà Trần Thu Huyền - Giám đốc khối Nhân sự, ông Nguyễn Thế Huân - Trưởng ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2014 - 2019, bà Phạm Thị Thanh Hoài - Trưởng phòng Khách hàng FDI và nguồn vốn quốc tế, khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase.

Đồng thời, BKS Vietinbank nhiệm kỳ mới bao gồm 3 thành viên: Bà Lê Anh Hà - Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro kiêm Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị Anh Thư - Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ; ông Nguyễn Mạnh Toàn- Trưởng phòng Pháp chế, Khối Pháp chế và Tuân thủ.

Cũng tại ĐHCĐ lần này, cổ đông ngân hàng cũng thông qua mức thù lao đối với HĐQT và BKS năm 2019 là 0,38% lợi nhuận sau thuế kế hoạch năm.

chu-tich-vietinbank-le-duc-tho

 Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ. Ảnh: Minh Sơn/Nguoiduatin.vn

Như vậy, với mức lợi nhuận trước thuế dự kiến được phê duyệt là 9.500 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 7.600 tỷ, Vietinbank sẽ dành 28,9 tỷ đồng để chi thù lao cho dàn lãnh đạo của mình.

Với 8 thành viên trong HĐQT và 3 thành viên BKS, trong trường hợp Vietinbank giữ nguyên dàn lãnh đạo này cho tới cuối năm, ước tính, trung bình mỗi nhân sự cấp cao Vietinbank sẽ nhận được mức thù lao gần 220 triệu đồng/tháng.

Tại đại hội, một vấn đề được cổ đông Vietinbank quan tâm đó là tiến độ xây dựng trụ sở tại khu đô thị Ciputra. Được biết, trong "tứ trụ" hệ thống ngân hàng Việt hiện nay, chỉ có Vietinbank chưa có toà nhà trụ sở riêng.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Vietinbank cho biết, ngân hàng vẫn đang trong quá trình đầu tư do nhận thấy việc cần thiết phải có trụ sở ngân hàng xứng tầm với quy mô và tầm vóc của ngân hàng. Tuy nhiên, dự án này có quy mô rất lớn, nếu chỉ dùng làm trụ sở thì chưa phát huy hết được tiềm năng.

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường năm 2018, ngân hàng cũng đã trình cổ đông cho phép tái cơ cấu lại dự án Ciputra, trong đó có 3 phương án: Thứ nhất là bán toàn bộ công trình cho nhà đầu tư và thuê mua lại một phần tháp làm trụ sở; thứ 2 chỉ giữ lại tòa tháp 68 tầng làm trụ sở và bán phần còn lại; trong trường hợp chưa thực hiện được 2 phương án trên, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Người đứng đầu Vietinbank thông tin: "Kể từ khi được thông qua phương án tái cơ cấu dự án đến nay, tòa tổ hợp đã nhận được sự quan tâm từ khoảng 15-16 tập đoàn lớn, 9 tập đoàn ký thỏa thuận hợp tác đầu tư. Chúng tôi đang lựa chọn các nhà tư vấn trong việc thực hiện các công việc khẩn trương, đảm bảo quy định pháp luật, thu hồi tối đa giá trị đầu tư".

Về áp lực tăng vốn để đạt chuẩn Basel II - vấn đề mà Chủ tịch Lê Đức Thọ nhấn mạnh là "rất cấp bách", cổ đông ngân hàng lại lại khá sốt ruột về cổ tức năm 2017.

"VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Tỷ lệ cổ tức năm 2017 như đã trình cổ đông năm ngoái dự kiến là 7%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị 7% sẽ chia bằng cổ phiếu, hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ" - ông Thọ nhấn mạnh.

(Nguồn: Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn