Nhà máy nhiệt điện tỷ đô đắp chiếu: PVC tan nát, tiền không có, làm sao tiếp tục?

Kinh tếThứ Bảy, 07/09/2019 06:46:00 +07:00

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đắp chiếu cùng những tiếng thở dài xót xa, nhưng tiền đâu ‘cứu’ dự án?

Trong bối cảnh từ nay đến năm 2010 không có dự án phát điện lớn nào hoàn thành, việc đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - hiện đã hoàn thành hơn 84% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị chính – vào phát điện có ý nghĩa rất lớn.

Nguy cơ thiếu điện

Theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân năm khoảng 7%, nhu cầu điện của nước ta vào năm 2020 sẽ vào khoảng 235-245 tỷ kWh/năm, tương đương tổng công suất hơn 52.000 MW. Trong đó riêng tổng công suất nhiệt điện than cả nước cần khoảng khoảng 131 tỷ kWh (chiếm khoảng 49,3% lượng điện).

Nhiet dien 3 3

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành chính thức, mỗi năm hệ thống điện quốc gia có thêm 7 tỷ kWh.

Tuy nhiên, báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện mới đây, Bộ Công Thương cho biết nguy cơ thiếu điện đặt ra cho năm 2020 nếu các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành và không đảm bảo đủ nhiên liệu.

Theo Bộ Công Thương, mức thiếu hụt điện năng dự báo khoảng 3,7 tỷ kWh năm 2021 và lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, việc đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào phát điện có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi dự án hoàn thành 84% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị chính.

“Với công suất thiết kế 1.200MW (2 x 600MW), dự án hoàn thành sẽ cung cấp ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm mỗi năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Lâm nói.

Vẫn theo ông Lâm, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 450 lao động. Nhà máy cũng tạo nguồn thu cho ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng và nguồn thu thuế 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án hạ tầng năng lượng quan trọng, cấp thiết, cần sớm đưa vào vận hành từ năm 2021 để cung cấp điện cho hệ thống điện.

Theo ông Vượng, dự án đã hoàn thành phần lớn công việc, cần phải tiếp tục đầu tư để hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. “Bộ Công Thương đã cân đối lại kế hoạch cung cấp điện đến 2025, nếu không có dự án lớn vào thì 2021 nguy cơ thiếu 6,6 tỷ kWh điện, năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh và năm 2023 thiếu 15 tỷ kWh… Nếu dự án đi vào vận hành thì năm 2021 có thể sẽ không thiếu điện và 2022 thì bớt đi nhiều, nên chúng ta cần phải quyết tâm tiếp tục gỡ khó cho dự án đi vào vận hành thương mại”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Tiền đâu ‘cứu’ dự án?

Việc đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, để dự án tiếp tục triển khai và về đích đúng hẹn thì phải gỡ được nút thắt cơ chế, khơi thông được dòng tiền.

Nhiet dien 2

PVN xin điều chỉnh cơ cấu vốn để đưa dự án về đích đúng hẹn. 

Ông Lâm cho biết, trong các kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã đề nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu của tập đoàn để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Tuy nhiên để làm được điều này phải thay đổi cơ chế cơ cấu tài chính của dự án từ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) sang 69/31 (vốn vay tạm dừng mức 31%).

Trong các báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, PVN cho biết chỉ xin điều chỉnh cơ cấu vốn chứ không phải tổng mức đầu tư. Đồng thời khẳng định việc thay đổi cơ cấu vốn Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính trung và dài hạn của Tập đoàn.

“Nhưng đến nay các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có quyết sách cuối cùng để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án, đặc biệt là kiến nghị về sử dụng vốn chủ sở hữu”, ông Lâm nói.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng. Cứ ngập ngừng như hiện nay, dự án tiếp tục bế tắc, gây lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng đã bỏ ra.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi... Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Hãy cho chúng tôi cơ chế để làm”, ông Thanh nói tại cuộc họp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước về dự án.

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cũng cho biết dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bị đình trệ do trong quá trình thực hiện, các lãnh đạo của Tổng thầu PVC có nhiều sai phạm và bị khởi tố. Theo điều lệ của hợp đồng tín dụng, toàn bộ việc vay tín dụng của dự án này là không còn.

“Đến giờ, thực sự là PVC tan nát vì dính rất nhiều sai phạm tại dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm?”, ông Thanh nêu vấn đề và cho biết hiện PVN đang làm thay, trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã lên kế hoạch triển khai tiếp dự án khi có tiền.

“Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Nếu được cho cơ chế thì PVN sẽ xoay xở, có thể cơ cấu tài chính để bỏ tiền vốn tự có, hoặc đi vay của bên khác để bỏ vốn, vì đây là yếu tố quyết định thời điểm này”, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN khẳng định.

Cần giải pháp mạnh

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là thời điểm quan trọng với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ cho PVN và ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để có hướng xử lý hiệu quả, đảm bảo thành công dự án và nguồn điện quốc gia.

“Bộ Công Thương sẽ có báo cáo Thủ tướng về tình hình khó khăn của dự án, kiến nghị cơ chế chính sách xử lý. Không thể xử lý hết hệ lụy một sớm một chiều nhưng cũng phải bảo toàn vốn nhà nước, đưa dự án vào hoạt động”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Nhiet dien 4

 Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ bởi dự án càng để lâu thì hiệu quả càng thấp.

Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng việc đình trệ tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện nay có liên quan đến những sai phạm đã được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây không thể là lý do để tiếp tục ảnh hưởng tới công tác triển khai dự án.

“Hiện nay nhu cầu điện rất cần, khả năng thiếu điện là có. Nếu không tiếp tục triển khai hoàn thiện dự án mà thanh lý thì tổn thất rất lớn. Nhưng đầu tư thì cần tính toán hiệu quả dự án. PVN cần có báo cáo và cam kết mạnh mẽ về nguồn vốn và hiệu quả. Thêm 2.500 tỷ đồng không vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt, nhưng nếu có phát sinh thêm thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Long nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ bởi dự án càng để lâu thì hiệu quả càng thấp.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang cận kề, Nhiệt điện Thái Bình 2 rõ ràng là dự án rất có ý nghĩa để đảm bảo an ninh năng lượng và cân đối cung cầu điện.

“Doanh nghiệp (PVN) có thể thu xếp được vốn mà không phải dùng ngân sách để giải cứu, đưa nhà máy vào hoạt động thì quá tốt. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp hợp lý vừa tránh lãng phí hơn 32.000 tỷ đồng đã đầu tư vừa đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh xã hội vùng dự án”, TS. Nguyễn Đức Kiên cho hay.

Hoàng Hưng - Phạm Chiểu
Bình luận
vtcnews.vn