Nghịch lý tăng trưởng GDP, lo ngại về dư địa chi tiêu, đầu tư, vay nợ

Kinh tếThứ Bảy, 31/08/2019 13:52:00 +07:00

Dù chỉ số GDP tăng 25,4% sau đánh giá lại nhưng các chuyên gia lại lo ngại vay nợ, chi tiêu cũng theo đà nới rộng trong khi nguồn thu không đổi.

Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng 25,4% mỗi năm, so với số liệu đã công bố trước đó. Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD.

Theo PGS Nguyễn Thiện Tống – nguyên giảng viên trưởng Đại học Full Bright, cách tính mới về GDP không có ý nghĩa với hiện tại. Ông cho rằng, thực tế nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra như thế nào thì sẽ vẫn như vậy dù có thay đổi về cách tính GDP.

Chuyên gia kinh tế này lo ngại, con số “tăng trưởng” chỉ mang tính chất “hình thức”. Nếu đạt được điều này, rất có thể chúng ta đang nới rộng hơn về dư địa chi tiêu và đầu tư, vay nợ. Việc chi tiêu, đầu tư nếu không hiệu quả sẽ mang lại gánh nặng lớn đối với nền kinh tế.

G-D-P

 Sau khi được tính lại, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD.

Cũng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần dựa vào việc điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP để đánh giá lại nền kinh tế.

Ông Thành cũng đặt ra những cảnh báo về sự mất cân bằng các mức trần nếu các cơ quan chức năng không sớm có sự điều chỉnh hợp lý các chỉ tiêu kinh tế.

Theo chuyên gia này, nếu vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới sẽ dẫn đến những rủi ro.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 27/8, Tổng cục Thống kê bất ngờ công bố chỉ số GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm.

Tổng cục Thống kê cho biết, đơn vị này đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ: "Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025".

Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.

Quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Kết quả đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê cho là tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn