Ngất ngưởng "trên trời" giá rau xanh đầu xuân

Kinh tếThứ Sáu, 19/02/2010 10:46:00 +07:00

Rau cần bình thường chỉ 3.000đ/mớ, sau Tết được bán 15.000đ. Tương tự, rau muống cũng có giá trên 10.000đ/mớ, chanh 3.000 đồng/quả, hành thơm 50.000 đồng/kg...

Mùng 5 Tết, đường phố Hà Nội vẫn vắng vẻ do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài một tuần. Cũng vì thế, nhiều chợ vẫn chưa mở cửa. Nhưng thay vào đó, hàng chục chợ tạm mọc lên trên nhiều tuyến phố lại nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Các mặt hàng thực phẩm như rau xanh, các loại cá… đắt hàng dù giá bị nâng lên gấp 2, gấp 3 ngày thường.

Đường thành chợ, ngõ thành chợ, sân chơi chung ở các khu dân cư cũng thành chợ. Đó là hình ảnh thường gặp ở Hà Nội những ngày giáp và sau Tết. Phố Nguyễn Khắc Cần, Tây Sơn, Nguyễn Công Trứ, trong các khu tập thể Thượng Đình, đường Nguyễn Trãi đoạn gần chợ Phùng Khoang, các dãy hàng bán rau, thịt, cá, hoa quả bày ra tận lề đường thành những chợ tạm.

"Vào chợ bây giờ vắng vẻ lắm, chả có ai mua, bày ngoài đường bán lại đắt khách. Mà chúng tôi cũng chỉ bán ở đây đến chủ nhật thôi, từ thứ 2 tuần sau sẽ lại vào chợ bán bình thường", chị Hào, bán bún ở đường Nguyễn Trãi cho biết. Chợ tạm sau Tết thường chỉ họp từ sáng sớm đến trưa muộn. Những chợ tạm chỉ tồn tại vài ngày này cũng thường chỉ bán một vài mặt hàng thực phẩm người tiêu dùng có nhu cầu cao sau Tết như đậu, rau, cá…

Phố Nguyễn Khắc Cần thành chợ bán hoa, rau quả.

Chị Hằng, bán rau tại phố Nguyễn Khắc Cần cho biết, năm nào cũng thế, từ mùng 2, cả đoạn phố này trở thành chợ tạm cho đến khoảng mùng 5, mùng 6. Chủ yếu là hàng rau xanh, cá… "Cũng chẳng muốn bán đắt nhưng chưa hết Tết, khó mua rau về bán lắm cô ạ. Tôi phải đạp xe sang tận Gia Lâm, mà hỏi mãi mới có nhà đồng ý ra ruộng cắt rau cho mình", chị Hằng phân trần khi có khách phàn nàn vì giá cao.

Một mớ rau cần bình thường chỉ có giá 3.000đ/mớ, sau Tết được bán với giá 15.000đ. Tương tự, các loại rau như rau muống cũng có giá trên 10.000đ/mớ, chanh 3.000 đồng/quả, hành thơm 50.000 đồng/kg, cà chua có giá từ 15.000-20.000 đồng/kg; su hào 8.000 đồng/củ; súp lơ: 12.000 đồng/cây… Hầu như không có chuyện mặc cả giá trong những ngày này.

Sau những bữa cỗ ngập tràn bia rượu, thịt thà, mọi người đều có nhu cầu về rau xanh, đặc biệt là những loại rau có thể chế biến lẩu. Đắt nhất là ngải cứu, 10.000đ/mớ chỉ bé bằng nắm tay nhưng nếu không nhanh tay cũng hết sạch. "Rau ngải cứu được mọi người mua để ăn lẩu gà. Nhưng hết mùa, lại đúng đợt rét đậm, rau này hiếm lắm", chị Hằng cho biết.

Trên cánh đồng rau an toàn thuộc xã Vân Nội (huyện Đông Anh), chúng tôi thấy vắng hoe. Chỉ có lác đác một, hai người đang bắt sâu cho bắp cải. Các loại rau chủ yếu đã được thu hoạch để phục vụ Tết nên phải chờ sau rằm tháng Giêng, người dân mới bắt đầu trồng lại. Chính vì vậy, rau xanh sẽ ngày càng khan hiếm cho đến khoảng cuối tháng Giêng. Cũng có nghĩa, giá rau sẽ còn cao ngất ngưởng ít nhất đến sau ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Không chỉ rau, các loại hoa quả cũng có giá cao chót vót. Mỗi kilôgam cam sành loại vỏ xanh có giá 60.000đ/kg, đắt gần gấp đôi bình thường; xoài, thanh long, dưa hấu… cũng đều tăng 10.000 - 15.000đ/kg.

Sau rau xanh, các loại thủy hải sản cũng là mặt hàng có giá cao… ngỡ ngàng. Tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên), cá chép thường trước Tết chỉ có giá 40.000 - 45.000đ/kg, sau Tết vọt lên 120.000đ/kg. Cá trắm đen có giá 350.000đ/kg. Các loại tôm sú, tôm càng xanh cũng tăng gấp rưỡi, từ 300.000 - 320.000đ/kg. Đắt nhất là các loại hải sản như sò huyết, cá chình… nhưng những loại thực phẩm này cũng rất ít, chỉ tập trung ở một số chợ lớn...

Vẫn biết là sau Tết là giá cả tăng vọt nhưng năm nay, mức độ phi mã của các mặt hàng này tăng quá cao khiến nhiều bà nội trợ phải đắn đo, tính toán trước khi rút ví. Chị Lê Thanh Mai, nhà ở phố Đặng Thái Thân, sau khi đi một vòng quanh chợ Hàng Bè đã lắc đầu ngán ngẩm khi bữa cơm khách chiều nay chỉ có món tôm và cá quả cũng đã mất gần triệu bạc. Còn bác Trần Thanh Nga, đắn đo mãi bên hàng cá, đành chép miệng: "Thôi tôi đổi bữa, ăn đậu vậy, chỉ dám mua khúc đuôi về nấu riêu thôi. Lương hai ông bà già về hưu làm sao chịu được mức giá này".

Giá thực phẩm sau Tết tăng cao thực tế là quy luật từ nhiều năm nay, nhưng so với năm 2009, năm nay, giá cả tăng nhiều hơn, hàng hóa cũng khan hiếm hơn. Chắc chắn, từ nay đến rằm tháng Giêng, giá cả sẽ còn "leo thang" dù trước Tết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị đủ hàng hóa dự trữ, ngăn chặn tình trạng tăng giá.

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn