Ngành thương mại điện tử ở Việt Nam khốc liệt thế nào?

Kinh tếThứ Bảy, 22/12/2018 18:10:00 +07:00

Ít người biết rằng những trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki,… dù cực kỳ có tên tuổi ở Việt Nam nhưng lại thua lỗ nhiều năm.

Sân chơi của các đại gia

Cuối tháng 11/2018, Vuivui.com – trang thương mại điện tử của Thế giới di động chính thức có thông báo đóng cửa. Vuivui từng được lãnh đạo Thế giới di động kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc trong 4 năm. Thế nhưng, trong thời gian 2 năm hoạt động, Vuivui ghi nhận phần đóng góp chỉ 0,1% doanh thu cho toàn tập đoàn, trong khi chi phí đầu tư lại quá lớn.

Điều này là không khó hiểu khi thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn được biết đến là chiến trường cực kỳ khốc liệt.

Là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của hàng loạt trang thương mại điện tử. Đặc biệt phải kể đến những trang như Lazada, Tiki hay Shopee,… 

Dù đã xuất hiện những doanh nghiệp đi đầu, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có một trang thương mại điện tử nào được xem là “vua”. Tất cả đều đang giữ cho mình một lượng khách hàng ổn định.

vuivui

Thông báo đóng cửa của Vuivui.com. 

Trong khi thị trường vẫn còn sơ khai, các doanh nghiệp đứng sau những “anh cả” này không ngại lao vào cuộc chiến khẳng định thương hiệu để tranh giành miếng bánh thị phần, mặc cho con số thua lỗ càng ngày càng cao.

Chỉ mới gia nhập vào thị trường Việt Nam được hơn 2 năm, Shopee khiến các đối thủ khác phải dè chừng khi có tốc độ tăng trưởng và sức ảnh hưởng ấn tượng. Tuy nhiên, để có chỗ đứng như hiện nay, đơn vị này đánh đổi bằng khoản lỗ lần lượt là 164 tỷ đồng vào năm 2016 và 619 tỷ đồng cho năm 2017.

Tuy nhiên, SEA - công ty mẹ của Shopee ở Singapore vẫn sẵn sàng cho cuộc chiến tại thị trường Việt Nam, khi trong 6 tháng đầu năm 2018 công ty mẹ vẫn “rót” thêm hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee.

Đối thủ trực tiếp mà Shopee muốn hướng tới chính là “anh cả” Lazada, trang thương mại điện tử được xem là đứng đầu thị trường Việt Nam hiện tại.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Recess – pháp nhân của Lazada tại Việt Nam, năm 2015, doanh nghiệp này báo lỗ 977 tỷ đồng và 1.019 tỷ đồng vào năm 2016.

Lazada cũng ghi nhận gần 1.500 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 1.400 tỷ nợ vay dài hạn tính tới cuối năm 2016.

Tuy nhiên, Lazada tỏ ra không quá để ý đến con số lỗ khổng lồ kia, vì vào đầu năm 2018, Tập đoàn Alibaba cho biết sẽ rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada để phát triển trang thương mại điện tử này.

lazada

 Thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển nhanh chóng.

Khởi đầu từ một startup bán sách trực tuyến năm 2010, đến nay Tiki trở thành một trang thương mại điện tử được định giá khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD) sau khi được VNG rót vốn để sở hữu 38% cổ phần. Tuy nhiên, cũng như nhiều đối thủ trên thị trường, Tiki không có lãi.

Trong năm 2017, Tiki ghi nhận khoản lỗ 282 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm hoạt động, Tiki ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới gần 600 tỷ đồng,

Tuy đang chìm thua lỗ nhưng với độ phủ sóng rộng rãi của mình, giữa tháng 1/2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 ở Trung Quốc JD.com tiếp tục rót 44 triệu USD vào Tiki và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki.

Nỗi buồn của những trang thương mại điện tử ít tiền

Có phần “lép vế” hơn các đối thủ, trang thương mại điện tử của Tập đoàn FPT là Sendo cũng nhanh chóng huy động được hơn 400 tỷ đồng trong 2 năm 2015 - 2016.

Khoản lỗ của Sendo cũng có phần khiêm tốn hơn so với đối thủ, đến cuối năm 2016, Sendo báo lỗ lũy kế gần 230 tỷ đồng.

beyeu 4

 Lời nhắn nhủ khi đóng cửa của Beyeu.com.

Con số lỗ của các trang thương mại điện tử hiện nay phản ánh rõ cuộc chiến khốc liệt của thị trường này tại Việt Nam. Để chiếm tăng trưởng thị phần và đè bẹp đối thủ, các tập đoàn phía sau những đơn vị này không ngần ngại bơm tiền liên tục.

Với những trang thương mại điện tử không có đủ sức “chiến đấu” hoặc quá "mệt mỏi" khi phải cạnh tranh với các đối thụ giàu tiềm lực, thì hoặc là đóng cửa, hoặc bán mình cho kẻ khác.

Điển hình như Foody từng ra đời để cung cấp dịch vụ đánh giá, đặt nhà hàng và vận chuyển thực phẩm. Sau quãng thời gian phát triển, Foody trở thành trang thương mại điện tử về thực phẩm nổi tiếng nhất Việt Nam.

Tuy nhiên vào năm 2017, tập đoàn Sea Limited của Singapore mua lại 82% cổ phần của nền tảng Foody Corporation với mức giá 64 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ VNĐ).

Beyeu.com cũng là một ví dụ. Sau một khoảng thời gian dài cầm cự. Trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam vào tháng 11/2015, Beyeu.com để lại lời nhắn gây choáng váng, đại ý thương mại điện tử cần rất nhiều tiền và Beyeu quyết định không đốt tiền nữa. 

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn