Ngã ngửa với hàng hiệu thế giới 'made in China'

Kinh tếChủ Nhật, 09/12/2012 07:39:00 +07:00

Vô số sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Dolce&Gabbana nhưng lại được nhập về từ Trung Quốc vừa bị bắt giữ gây sự chú ý trong dư luận.

Vô số quần áo, túi xách, giầy dép… mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Dolce&Gabbana nhưng lại được nhập về từ Trung Quốc vừa bị bắt giữ gây sự chú ý trong dư luận.

Lô hàng trị giá hàng chục tỷ đồng này được Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46) phát hiện và bắt giữ vào cuối tháng 11 vừa qua

Xe tải chở hàng hiệu xuất sứ từ Trung Quốc 

Lô hàng mang nhãn hiệu “khủng” xuất xứ từ Trung Quốc?

Ngày 3/12/2012, Thượng tá Trần Văn Mậu, đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46) cho biết, ngày 27/11/2012, các trinh sát Đội 6 đã bắt quả tang nhiều thùng hàng đang được đưa từ một xe tải (BS: 57H-4929) xuống tại tầng hầm khách sạn Sheraton (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Cùng lúc đó, một mũi trinh sát khác đã tiến hành kiểm tra 3 xe tải khác loại 2,5 tấn đang đậu gần khách sạn và phát hiện thêm nhiều thùng hàng đựng quần áo, giầy dép, dây nịt mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Gucci, Dolce&Gabbana…

Các tài xế khai, lấy hàng từ một container loại 20 feet mang số hiệu TCLU - 2776373 tại bãi đất trống gần ICD Transimex (quận Thủ Đức). Người chịu trách nhiệm về lô hàng này là Lê Hồng Đức (34 tuổi, quận 1). 

Làm việc với cảnh sát, Lê Hồng Đức xuất trình giấy tờ nhập khẩu do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế (351/43 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3) đứng tên. Nơi xuất hàng là một công ty tại Quảng Đông (Trung Quốc). Người này cho biết, container hàng trên bắt đầu từ Hồng Kông, làm thủ tục thông quan tại cảng ICD Phước Long (quận 9). Sau đó được vận chuyển về gần khu vực cảng ICD Transimex (quận Thủ Đức), từ đó mới chuyển sang ôtô tải loại nhỏ để chuyển về gian hàng trong tầng hầm khách sạn Sheraton.

Trong tờ khai nhập khẩu, số hàng hiệu này được khai báo với giá cực rẻ. Các mặt hàng như các loại váy ngắn, áo sơ mi nam, áo thun có cổ nữ, quần dài nam, túi xách nữ giả da, khăn quàng, giầy nam, váy ngắn... chỉ có giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng.

Chẳng hạn như váy ngắn chỉ 5,5USD (tương đương 115.000 đồng/cái), giày nam 3,8USD/đôi, áo khoác nữ 3,7USD/cái, đều mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Dolce&Gabbana… Điều khó hiểu là toàn bộ lô hàng nhập khẩu đã được thông quan trót lọt, với tổng số thuế nộp chỉ chưa đến 27 triệu đồng chỉ phải chịu thuế gần 27 triệu đồng…

Giầy dép... 

Thượng tá Trần Văn Mậu cho biết: “Hiện các sản phẩm này chưa được thẩm định nên cũng chưa biết chúng là thật hay giả. Tuy nhiên lúc làm thủ tục nhập khẩu, công ty đứng tên nhập khai báo là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra khoảng một xe rưỡi trong tổng số bốn xe hàng bị tạm giữ thì hầu như các mặt hàng này không có sản phẩm nào là hàng Trung Quốc hay có chữ Trung Quốc trên sản phẩm cả.

Công tác giám định về mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng… hiện có rất nhiều cơ quan chức năng thực hiện việc này. Nhưng điều chúng tôi muốn là các công ty đại diện cho nhãn hiệu tại Việt Nam với các mặt hàng, nhãn hiệu được bảo hộ trong nước cần lên tiếng xác nhận hay có ý kiến của mình. Do đó, bước tiếp theo chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với các công ty đại diện các nhãn hiệu này tại Việt Nam. Hiện vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra”.

Như vậy có thể thấy nhiều khả năng, toàn bộ lô hàng này đều là “đồ xịn” trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng đã được phù phép đội lốt hàng Trung Quốc để trốn thuế. Và đương nhiên, những sản phẩm này khi được tung ra thị trường sẽ có giá lên đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn USD. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các sản phẩm được cho là hàng hiệu này rất có thể là hàng “made in China” gắn mác các nhãn hiệu nổi tiếng!

Trả lời một số cơ quan báo chí về vụ việc này, đại diện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ (TM-DV) thời trang Milano - Gucci (tọa lạc đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1) đã khẳng định, trước khi mua hàng, công ty trực tiếp liên hệ với chính hãng thời trang ở Ý chọn lựa mẫu mã, chủng loại và thương lượng giá cả.

Sau đó, công ty giao toàn bộ công việc đứng ra ký hợp đồng mua hàng, vận chuyển bằng đường biển, khai báo hải quan nhập khẩu hàng... cho Công ty TNHH TM-DV Nam Đế thực hiện. Lô hàng này thực tế được nhập về Việt Nam vào khoảng giữa tháng 11-2012 nhưng do Công ty TM-DV Nam Đế không thực hiện đúng quy trình vận chuyển (theo quy định lô hàng này được vận chuyển từ Ý về thẳng Việt Nam, không quá cảnh ở Hồng Kông), trị giá hàng hóa ghi không đúng với giá trị thực nên công ty đã từ chối nhận về kho.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là lô hàng này lại vẫn được chuyển về kho vào chiều ngày 27/11 và bị lực lượng Công an phát hiện tạm giữ.
 
Khai gian trốn thuế hay hàng fake “đội lốt”?

Sự việc này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ một lô hàng hiệu nhập khẩu vi phạm trị giá trên 4 tỉ đồng bị Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tạ Giang Linh (có trụ sở ở đường Bàu Bàng, phường 12, quận Tân Bình) và tạm giữ lô hàng cách đây chưa đầy một tháng.

Theo đó, công ty này mở tờ khai điện tử, khai báo nhập khẩu lô hàng qua cảng Cát Lái, TP.HCM, gồm 189 carton, với 7 mục: túi xách, màng nhựa, lưỡi cưa gỗ, thắt lưng, vòng đá và móc treo chìa khóa, xuất xứ Trung Quốc, trị giá trên 50 triệu đồng. Công ty này tự áp mã và tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng trên 13,6 triệu đồng.

... túi xách mang nhãn hiệu lớn xuất phát từ Trung Quốc 

Phát hiện thông tin nghi vấn từ lô hàng nhập khẩu này, Đội Kiểm soát Hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra lô hàng. Kết quả, toàn bộ số hàng trên mang nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, có xuất xứ từ Italia, Brazil và Pháp, không phải hàng xuất xứ từ Trung Quốc như khai báo của doanh nghiệp. Cụ thể, số hàng thực nhập gồm 10 mục hàng: gần 660 đôi giày nam, nữ; 447 túi xách, ví; hàng trăm thắt lưng, khăn choàng, caravat… Trị giá hàng vi phạm trên 4 tỉ đồng, ẩn lậu thuế gần 1,6 tỉ đồng.

Theo Đội kiểm soát Hải quan, công ty này đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa không khai báo, khai báo sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ dẫn đến số thuế phải nộp rất lớn. Đại diện công ty đã thừa nhận hành vi khai báo sai hàng hóa nhập khẩu, nhưng đưa ra lý do phía nước ngoài gửi “nhầm” hàng.

Từ đó, công ty đã có văn bản xin được tái xuất toàn bộ lô hàng, đồng thời cam kết chấp hành xử phạt vi phạm của cơ quan Hải quan. Theo Đội Kiểm soát Hải quan, trước đây những mặt hàng tiêu dùng có nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá cao như trên chủ yếu được nhập khẩu qua đường hàng không, nhưng gần đây lại được nhập qua đường cảng biển dưới dạng hàng Trung Quốc…

Những vụ việc này được phát hiện và thông tin trên báo chí, các phương tiện truyền thông đã thực sự gây dư luận ồn ào bởi ngoài chuyện có thể doanh nghiệp khai gian để trốn thuế, thì nhiều người trước giờ thích xài hàng hiệu khi biết tin này sẽ không khỏi bán tín bán nghi về sản phẩm mà mình đã bỏ ra hàng đống tiền để sở hữu rất có thể là hàng fake?!

Bởi một thực tế hiện trong một số siêu thị và trung tâm thương mại lớn, bên cạnh những sản phẩm của những thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa, quần áo, túi xách… “hạng trung” còn có không ít sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới được bày bán. Tuy nhiên, trên thực tế, có những sản phẩm nhãn mác ghi tên thương hiệu nổi tiếng nhưng thực chất lại là hàng giả.

Đồng thời, việc xác định nguồn gốc hàng hiệu cũng vô cùng khó khăn, ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường muốn liên hệ với chủ sở hữu các thương hiệu này hay công ty đại diện cũng chẳng dễ dàng gì. Đó là chưa kể trong trường hợp khách hàng bỏ ra cả một khoản tiền lớn với mong muốn sở hữu đúng hàng hiệu xịn nhưng không thể xác định được đó là hàng thật hay hàng fake thì họ cũng đành “bó tay” bởi muốn nhận biết được là cả một kỳ công.

Đúng như lời chị Mai Minh, một người hiểu biết và đam mê hàng hiệu lý giải: “Có một thực tế là rất khó phân biệt thật giả với nhiều sản phẩm hàng hiệu, bởi thật, giả lẫn lộn và hàng giả quá giống hàng thật nên nhiều người dùng hàng hiệu thường lấy mã code sản phẩm đưa lên trang web chuyên về hàng hiệu hoặc gửi đến chính hãng qua website của họ để kiểm tra xem hàng đó có phải hàng thật hay không…”.


Theo Cảnh sát toàn cầu

Bình luận
vtcnews.vn