Mua nhà tiền tỷ không có chủ quyền

Kinh tếThứ Tư, 06/03/2013 05:10:00 +07:00

Tại TP HCM, rất nhiều dự án đã bàn giao nhà, người dân đã vào ở từ lâu nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.

Tại TP HCM, rất nhiều dự án đã bàn giao nhà, người dân đã vào ở từ lâu nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.


Giải thích với các hộ dân, hầu hết các chủ đầu tư đều đổ lỗi là do thủ tục cấp giấy chủ quyền của cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý thì việc chậm trễ này lại chủ yếu xuất phát từ các chủ đầu tư.


Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Sở TN - MT Tp.HCM ngày 4/3, UBND Q.6, Q.8, cho biết đến nay tại địa bàn 2 quận này còn 27 dự án chậm cấp giấy chủ quyền cho người dân. Trong đó có những dự án đã bán nhà hàng chục năm nhưng người dân vẫn chưa thực sự được làm chủ ngôi nhà do mình bỏ tiền mua.

Riêng tại Q.8, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường, hiện có 22 dự án đã bán với hàng chục ngàn căn nhà đã được bàn giao cho người mua nhà nhưng chưa có GCQ.

 

Tại Q.6, thống kê từ 5 dự án cho thấy còn 267 căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền. Dự án lâu nhất là 34 căn nhà thuộc dự án khu nhà ở 401 Hùng Vương, P.12 do Công ty cổ phần địa ốc 11 làm chủ đầu tư bán từ năm 1999 đến nay chưa làm giấy chủ quyền do đang điều chỉnh ranh giới đất.

Chỉ khó người dân

Được bàn giao cách đây hơn 8 năm, chung cư Mỹ Thuận (Quận 8) từng được xem là khu căn hộ đáng mơ ước của nhiều người thời bấy giờ. Thế nhưng, cho đến nay, khu căn hộ với hàng ngàn người dân đang sinh sống này đang “sống trong sợ hãi” vì dù đã đưa vào hoạt động từ lâu nhưng về thực tế khu căn hộ này chưa hoàn thiện mà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Do ở khu vực triều cường nên tầng hầm của chung cư thường xuyên ngập nước và rác thải, thang máy xuống cấp, tình trạng người dân cơi nới, sửa sang không theo đúng tiêu chuẩn xảy ra ở hầu hết các tầng.

Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty M&C đã gần như chối bỏ trách nhiệm với toàn bộ khu căn hộ, kể cả việc quản lý khiến người dân phải tự quản mọi thứ một cách tạm bợ, thiếu chuyên nghiệp. Nhiều hộ dân muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác thì lại không thể bán lại hay chuyển nhượng được vì chưa có giấy tờ chủ quyền. Ngay cả những người đã gần đất xa trời nhưng vẫn không thể chuyển nhượng nhà cho con cái vì không có giấy chủ quyền nhà.

Chị Thu Trang, một cư dân ở đây cho biết: Người dân đã bầu ra Ban quản lý mới, ngoài việc tự quản các vấn đề của chung cư còn có trách nhiệm “năn nỉ” chủ đầu tư tiếp tục xúc tiến việc hoàn thành sổ hồng để người dân thuận tiện giao dịch và an cư. Tuy nhiên, công văn gửi đi nhiều nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa có bất cứ phản hồi nào về thời gian hoàn thành việc này.

Không chỉ ở Q6 và Q8, tình trạng chậm cấp giấy chủ quyền còn diễn ra khá phổ biến trên toàn địa bàn TP, ngay cả ở các căn hộ cao cấp tại các quận trung tâm. Hàng trăm hộ dân bỏ hàng tỷ đồng mua căn hộ Scerec (Quận 3, TP.HCM) để ngoài việc thuận tiện đi lại thì giấy tờ nhanh chóng, giao dịch cũng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, họ không ngờ phải sống trong tình trạng “mòn mỏi đợi chờ” hết năm này qua năm khác mà tin tức về giấy chủ quyền vẫn “bặt vô âm tín”.

Anh Phạm Văn Dũng (8.06 Lô A, Cao ốc Scerec) bức xúc: “Gia đình tôi chuyển về đây sống từ năm 2008, đã hoàn thành tất cả các thủ tục tài chính đối với chủ đầu tư nhưng căn hộ của gia đình tôi vẫn chưa được cấp chủ quyền theo đúng hợp đồng. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, chủ đầu tư trả lời “đang làm”. Cái "đang làm” ấy đã diễn ra từ vài năm nay nhưng không biết bao giờ mới có”.

Đang chờ Nhà nước?

Nhiều người dân cho biết khi thắc mắc về giấy chủ quyền nhà ở với các chủ đầu tư thì hầu hết câu trả lời là “đang làm”, “chờ nhà nước”. Tuy nhiên không ít chuyên gia lại khẳng định các khu căn hộ vướng mắc trong vấn đề cấp chủ quyền đều do các chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ như cam kết với nhà nước: đóng tiền sử dụng đất, quy hoạch công viên, nhà trẻ, đường sá theo đúng thiết kế ban đầu.

Hoặc có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng: Xây sai diện tích, vi phạm mật độ xây dựng, vi phạm chiều cao dự án... Nói như đại diện Sở TN-MT TP.HCM: “Khi hỏi đến trách nhiệm, hầu như chủ đầu tư nào cũng đổ cho cơ quan nhà nước, nhưng thực ra là do chính họ.

Ví như, chung cư Mỹ Vinh (Q.3) hoàn thành đã 4-5 năm nay nhưng do chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng một số tầng sai với giấy phép xây dựng nên đến nay vẫn chưa hoàn tất hồ sơ cấp sổ đỏ. Chúng tôi đã nhiều lần thúc giục nhưng họ vẫn lần lừa không giải quyết”.

Cá biệt hơn có dự án chủ đầu tư vốn nắm sổ đỏ chủ quyền của khu đất xây dựng dự án và đã thế chấp ngân hàng để vay tiền phát triển dự án và đến nay chưa hoàn thành việc hoàn nợ cho ngân hàng nên sổ đỏ bị ngân hàng giữ nên không thể hoàn thành việc nộp hồ sơ ra chủ quyền nhà cho người dân. Và tình trạng này đang ngày càng nhiều hơn trong giai đoạn bất động sản khủng hoảng như những năm vừa qua.  

Do đó, người dân, khi mua căn hộ cần phải yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận ngay cho người mua nhà để tránh trường hợp chủ đầu tư cố tình ngâm sổ đỏ của người dân để thế chấp vay vốn ngân hàng.

“Tiền trao - sổ giao”, nhà nước sẽ không bị “oan” vì chủ đầu tư đổ lỗi làm khó như bấy lâu nay nữa” – Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM khuyến cáo.

Tại buổi làm việc với các địa phương, ông Nam cũng yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cấp giấy chủ quyền nhanh cho người dân. Đối với những dự án có phần sai phạm sẽ tách xử lý riêng, còn giấy chủ quyền vẫn cấp bình thường.
Theo thống kê, toàn TP.HCM đang tồn đọng hơn 200.000 căn hộ, nhà đất chưa được cấp chủ quyền.

UBND TP.HCM đã có công văn khẩn yêu cầu các cơ quan hữu quan phải đẩy nhanh tiến độ, tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm việc cấp giấy chủ quyền nhà cho dân theo đúng tiến độ.

Đồng thời, cũng chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận huyện phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký nhà đất để cấp giấy chủ quyền ở cấp xã mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục như trước đây.

Cơ bản đến tháng 6/2013, sẽ phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở trên toàn địa bàn thành phố.
Theo Khánh Dương/TBKTVN
Bình luận
vtcnews.vn