Một giải pháp cho phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững

Kinh tếThứ Tư, 02/01/2013 03:15:00 +07:00

(VTC News) - Công ty sữa FrieslandCampina Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các tỉnh triển khai mô hình “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”.

(VTC News) - Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam hiện chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước. Để nâng cao sản lượng sữa tươi, công ty sữa FrieslandCampina Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và chính quyền các tỉnh triển khai mô hình “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”. Đây là một giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam.

“Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”

Chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam hiện phát triển chủ yếu theo quy mô gia đình, ở các khu vực xung quanh các đô thị, bán đô thị, nơi có điều kiện cần thiết về vốn, kỹ thuật, đầu vào… phục vụ cho nuôi bò sữa, thuận lợi cho việc chăm sóc thú y, bán sản phẩm...

Nhưng quỹ đất ở những khu vực này không còn nhiều, lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận từ việc trồng cỏ nuôi bò không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác,người sử dụng đất có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn.


Để giải quyết bài toán này, FrieslandCampina Việt Nam đề xuất giải pháp: dự án “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững” - phát triển chăn nuôi bò sữa theo mô hình trang trại hộ gia đình tại những vùng đất phù hợp với điều kiện chăn nuôi bò sữa, và các ngành phụ trợ, được Nhà nước quy hoạch ổn định lâu dài, với những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp.

Trước hết đó phải là vùng có quỹ đất dồi dào và thổ nhưỡng khí hậu thích hợp cho việc nuôi bò sữa, trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn tự nhiên cho bò.

Thứ hai, vùng này cần phải có sẵn hoặc được đầu tư để có cơ sở hạ tầng phục vụ cho chăn nuôi như giao thông, điện nước tối thiểu, cơ sở chế biến và cung ứng thức ăn, giống, thú y. Đặc biệt, nơi đây cần phải có hệ thống thu mua và chế biến sữa để đảm bảo đầu ra an toàn cho nông dân.


Ngoài ra, người nông dân tại vùng chăn nuôi phải được huấn luyện các kỹ thuật chăn nuôi, quản lý chất lượng, quản lý trang trại một cách chuyên nghiệp để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận - cơ sở để họ gắn bó với nghề lâu dài.

Muốn vậy, cần có một kế hoạch tổng thể, với đầy đủ chi tiết và những bước đi thích hợp, có chính sách, quy hoạch của chính quyền, với sự phối hợp một cách tự nguyện của rất nhiều bên (chính quyền, doanh nghiệp, hộ nông dân…), đảm bảo tạo ra lợi ích chung và lợi ích lâu dài cho từng bên tham gia vào dự án.


 Cán bộ FCV  hướng dẫn cho nông dân Việt Nam

Cùng nhau hợp tác cùng nhau có lợi

Điểm nổi bật nhất của dự án khiến mô hình được đánh giá có tính khả thi cao là triệt để tuân thủ nguyên tắc: “tự nguyện cùng hợp tác cùng có lợi lâu dài”.

Tất cả các cá nhân, đơn vị sẽ tham gia vào dự án bằng những điểm mạnh của mình, và sẽ cùng đầu tư để tạo ra những giá trị chung và từ đó tìm thấy lợi ích cho chính mình một cách ổn định, dài lâu.


Các hộ nông dân trong vùng có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa.

Họ sẽ được hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa bài bản, được FrieslandCampina tư vấn, hỗ trợ giám sát để đảm bảo xây dựng được hệ thống trang trại đạt chuẩn, từng bước tăng năng suất, chất lượng sữa tươi và tiết kiệm chi phí.

Sản phẩm sữa được bán trực tiếp cho hệ thống thu mua tại chỗ của FrieslandCampina. Trong khi đầu ra của họ được đảm bảo thì nhà máy sữa cũng có được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định chất lượng cao. Ngoài ra, họ còn có thể cung cấp phân bón cho các hộ trồng trọt hay các nông trại khác trong vùng….


Không chỉ người nuôi bò sữa được lợi mà các thành phần kinh tế khác cũng được kích hoạt. Trại chăn nuôi bò sữa sẽ tiêu thụ sản phẩm của người cung cấp thức ăn gia súc tại địa phương và tiêu thụ sản phẩm (cỏ, ngô) của hộ trồng trọt, kích thích các hộ trồng trọt đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.

Những người chăn nuôi bò sữa, những hộ trồng trọt cũng sẽ sử dụng các dịch vụ như giống, dịch vụ kỹ thuật, thú y, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến, máy móc thiết bị nông nghiệp, vốn, huấn luyện đào tạo…, tạo điều kiện cho những nhà cung cấp dịch vụ này cũng như nguồn nhân lực tại địa phương cùng phát triển.


Một trang trại cung cấp sữa cho FCV 

Cùng tạo lập giá trị chung

Để những “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững” có thể hình thành nhất thiết phải có sự tham gia của Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi,  UBND các tỉnh tham gia dự án và các cơ quan quản lý có liên quan.

Nhà nước sẽ đảm bảo các chính sách về đất đai, quy hoạch, vốn, thuế, hành lang pháp lý, các quy định đầu tư và tài trợ cho các cơ sở hạ tầng của dự án …


Ông Lưu Văn Tân, phụ trách chương trình Phát triển ngành sữa của FrieslandCampina, chia sẻ “Chúng tôi đang cùng một số tổ chức chuyên nghiệp của Hà Lan như công ty tư vấn xây dựng và quản lý dự án Fresh Studio, Đại học nông nghiệp nổi tiếng Hà Lan Wagenigen và trung tâm nghiên cứu của trường đại học này, công ty cung cấp thức ăn gia súc De Heus… tham gia tích cực vào việc hình thành dự án này.

FrieslandCampina Việt Nam cũng sẽ tham gia vào dự án bằng cách huấn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân tại các vùng  triển khai dự án, đầu tư xây dựng hệ thống thu mua và kiểm tra chất lượng sữa tại chỗ, tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao tay nghề đội ngũ cán bộ thú y và cung cấp dịch vụ kỹ thuật tại địa phương, đồng thời phối hợp và hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc theo dõi, quản lý, định hướng cho việc phát triển đàn bò trong khu vực…”


Với dự án “Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững”, Cô Gái Hà Lan đang tiếp tục hướng đến cùng nông dân nâng cao trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao theo  tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hà Nhi



Bình luận
vtcnews.vn