Luật sư tư vấn cách lấy lại tiền từ Địa ốc Alibaba lừa đảo

Kinh tếThứ Sáu, 20/09/2019 13:42:00 +07:00

Với gần 7.000 khách hàng bị rơi vào vòng xoáy của Alibaba, nhận định của các luật sư cho rằng, vẫn có cơ hội để lấy lại tiền từ dự án 'ma' của doanh nghiệp này.

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM vừa bắt giữ và khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT của Công ty địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc công ty này.

Theo điều tra của cơ quan công an, Alibaba và các công ty đã tự vẽ ra các dự án “ảo”, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được các cấp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng vẫn tiến hành huy động vốn từ khách hàng.

Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ 23/4/2017 - 9/10/2018, công ty này đã thu về hàng nghìn tỉ đồng của khách mua đất nền từ các dự án trên giấy. 22 công ty do các cổ đông của địa ốc Alibaba lập ra và đăng đàn, rao bán gần 50 dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất vẽ trên giấy, chưa có một ai vào ở. Có khoảng 7.000 khách hàng đã rơi vào vòng xoáy và bị Alibaba lừa đảo. 

alibaba

 Sử dụng các chiêu trò rao bán dự án ảo, chỉ trong vòng chưa đến 2 năm, Alibaba đã thu về hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Quang Hải)

Ngay sau khi thông tin những kẻ cầm đầu của Tập đoàn địa ốc lừa đảo Alibab bị bắt, hàng ngàn khách hàng đã kéo đến trụ sở công ty này để đòi tiền. Tuy nhiên, giải pháp nào đối với những khách hàng đã trót đầu tư vào các dự án “ma” của doanh nghiệp này vẫn là câu hỏi lớn?

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), một trong những luật sư đang bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trót mua dự án của Alibaba nhận định, hệ thống công ty của Địa ốc Alibaba biết thực trạng các khu đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch 1/500 hay giao đất thực hiện dự án. Tuy nhiên công ty vẫn ký hợp đồng với khách hàng, cam kết bàn giao đất thổ cư trong thời gian 6 – 12 tháng, đồng thời cam kết thu mua lại.

Như vậy, có thể khẳng định các “dự án” của Địa ốc Alibaba không thể hoàn tất các thủ tục để bàn giao nền cũng như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất như thỏa thuận, có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo luật sư Cường, khi đó hợp đồng thoả thuận quyền sử dụng đất công ty ký với khách hàng sẽ vô hiệu.

“Trong trường hợp Địa ốc Alibaba chây ì hoặc không trả tiền thì khách hàng sẽ là bên chịu thiệt thòi. Những ai đã và đang đầu tư tại Địa ốc Alibaba cần trình báo, phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ yếu tố pháp lý liên quan giữa các pháp nhân công ty con trong hệ thống của doanh nghiệp này”, luật sư Cường nhấm mạnh.

Theo luật sư Võ Mạnh Đan (Đoàn Luật sư TP.HCM), khách hàng cần làm đơn tố cáo hành vi của công ty này gửi đến cơ quan CSĐT có thẩm quyền. Trong đơn ghi rõ các sự kiện, thời gian và các minh chứng kèm theo để chứng minh hành vi của công ty đã vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ: Công ty bán đất với thông tin pháp lý không rõ ràng, có dấu hiệu trong việc làm giả giấy tờ, hoạt động không minh bạch… Người dân có thể liên hệ với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn luật sư, các tổ chức trợ giúp pháp lý để xin ý kiến tư vấn và được hướng dẫn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.

Ngoài ra, họ cần chuẩn bị, thu thập đầy đủ các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc mua các dự án như: hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty, các tin nhắn trao đổi thông tin... để có cơ sở đầy đủ bổ sung vào đơn tố cáo, đơn tố giác tội phạm hoặc đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, yêu cầu thanh toán, bồi thường thiệt hại.

Việc tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo của công ty cũng là một trong những hành động cần thiết đối với khách hàng. Chỉ khi nào mọi hoạt động, giao dịch của công ty này được làm rõ thì mới có thể đòi lại quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Khi có đầy đủ cơ sở để yêu cầu giải quyết, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và yêu cầu công ty phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền mà người dân đã thanh toán sau khi ký kết các hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần...

Theo điều 123 và khoản 1 điều 125 Bộ Luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán… giữa Công ty Alibaba và người dân sẽ bị vô hiệu nếu vi phạm điều cấm. Khi đó, hậu quả pháp lý là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty Alibaba phải trả cho khách hàng số tiền đã nhận theo hợp đồng. Nếu công ty không đủ tiền bồi thường, lãnh đạo và những nhân viên công ty có hành vi gian dối, lừa đảo phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Về thời điểm giải quyết tiền bồi thường, nếu xem xét hồ sơ mà các bị hại là khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Alibaba đầy đủ hợp lệ thì trong giai đoạn điều tra, CQĐT có thể xem xét trả một phần số tiền cho bị hại. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đa phần trong các vụ án này, khách hàng chỉ có thể chờ bản án có hiệu lực của tòa án mới có thể thực hiện quyền yêu cầu cơ quan thi hành án chi trả số tiền mà bản án tuyên cho từng bị hại theo quy định pháp luật.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn